4 thg 12, 2013

Còn ta với nồng nàn

Tui gặp thứ trái này lần đầu vào tối thứ Sáu tại rừng tràm Tân Tiến (huyện Tri Tôn). Trái như trái chanh, nhưng vỏ sần sùi và mùi thơm nồng nàn hơn. Trái được vắt vô dĩa muối ớt để làm món chấm. Tối đó ăn cúm núm chiên, cá lóc nướng trui... Thứ nào chấm cũng được.

Dĩa muối ớt, bên cạnh là loại trái chua chua miền núi, cạnh đó nữa là nước mắm me

Dân An Giang kêu trái này là trái chút. Ái chà, viết sao ta? Chút, chúc, trúc hay trút (dân miền Tây đọc 4 chữ này y chang nhau!).

Khi tui hỏi chữ chút viết sao, các chiến hữu người An Giang ngồi trong bàn nhậu mới à ới bàn với nhau coi tên trái này viết mần sao. Có người nói là trút (như chữ con trút), có người nói là chút (như chữ một chút). Cuối cùng là... hổng biết viết sao cho đúng, chỉ biết đọc là chút thôi.

Thôi thì tui ghi tạm là trái chút vậy, chớ hổng lẽ gọi trổng là trái ấy?

Trái chút có kích thước như trái chanh, có múi như múi chanh, vỏ xù xì hơn trái chanh, chua như chanh nhưng đặc biệt là thơm nồng hơn chanh nhiều. Loại cây này mọc hoang hoặc được trồng tại vùng núi Thất Sơn tỉnh An Giang (huyện Tri Tôn và Tịnh Biên).

Sáng thứ Bảy, tui ăn món đặc sản cháo bò Tri Tôn. Món này phải ăn với trái chút mới là đúng điệu. Cháo bò gồm thịt bò và lòng bò, nặn nước trái chút vô hương thơm ngào ngạt làm khử bớt mùi tanh và kích thích vị giác, khứu giác quá chừng luôn!

Cháo bò Tri Tôn

"Trái chút"

Trưa thứ Bảy, tui về lại Long Xuyên, và được ăn món gà hấp lá chút, tức là lá của loại cây nói trên. Tui giả bộ hổng biết, hỏi em gái hướng dẫn viên:
  • Lá này là lá gì vậy em?
  • Dạ lá chút! (cô bé đọc theo giọng Nam bộ)
  • Chữ chút viết làm sao?
  • Dạ, u cờ úc chờ úc chúc!
  • Vậy là chúc mừng đó hả?
  • Dạ phải ạ!
Hic, vậy là hôm qua 2 ông kia nói là trút hoặc chút, bữa nay em gái này nói là chúc. Trong 3 câu trả lời, bạn chọn câu trả lời nào đúng: a./Trút, b./Chút, c./Chúc? Tui hổng biết!

Gà hấp "lá chúc"

Lá chúc (giờ lại kêu là chúc theo em gái hướng dẫn viên nha!) có vị the hơn lá chanh, xắt nhỏ và rắc lên món gà hấp, gà luộc tạo mùi vị rất thơm, rất đặc biệt.

Khi về nhà, tui search trên mạng thì thấy cái loại trái nói trên người ta gọi là trái trúc (dĩ nhiên như vậy lá của nó thì gọi là lá trúc). Vậy là hổng phải chút, chúc, trút mà là trúc, như Lá trúc che ngang mặt chữ điền của Hàn Mặc Tử (trong món gà hấp lá trúc thì câu thơ trên đổi thành Lá trúc che ngang mặt... chú gà).

Hai món bò, gà nói trên được ghi tên đúng là cháo bò trái trúc gà hấp lá trúc.

Trái trúc và lá trúc trên cây

Bây giờ về nhà, ngồi nhớ lại các bạn ở An Giang lúng túng không biết ghi tên loại trái cây đặc sản quê mình như thế nào cho đúng mà thấy mến sự mộc mạc, dễ thương của dân miền Tây Nam bộ. Và dĩ nhiên là nhớ cả hương vị đặc biệt của trái trúc nữa chớ. Nói sao đây ta? Ừ, hương vị đó thiệt là... còn ta với nồng nàn!

Phạm Hoài Nhân

5 nhận xét:

  1. Tuyệt vời một chuyến đi, tuyệt vời một tình yêu NAM BỘ. Cảm ơn anh Hai :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn cho tui ăn đủ thứ món với trái trúc, lá trúc. Ăn xong, bạn hỏi:
      - Ngon hông?
      Tui nói: Ngon. Tui hỏi bạn tên trái này viết làm sao, bạn trả lời:
      - Hổng biết! Biết ăn là được!
      He he he!

      Xóa
  2. Tra'i na`y te^n la` kaffir lime, ngu*o*`i Tha'i du`ng nhie^`u la('m chu'. Con tro^`ng 2 ca^y cu~ng che^'t ma^'t ro^`i

    Trả lờiXóa
  3. viết là Trúc thì dễ lẫn với cây trúc (bà con với tre); theo tui có thể tạm viết là Chúc đi. Vả, huyện Tri Tôn có TT Ba Chúc, hổng biết có liên can gì với giống cây này hông ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi anh Thiện,
      Một vài người bạn của tôi (ở An Giang và cả ở nơi khác) vừa khẳng định rằng tên gọi trái này đúng là Chúc. Vậy viết Chúc là OK đó anh. :-)

      Xóa