7 thg 5, 2014

Gành Hào ơi...!

Tôi không phải dân Bạc Liêu hay Cà Mau nên không gắn bó gì với tên sông Gành Hào hay huyện Gành Hào, nhưng tôi thích nghe bài Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang của Vũ Đức Sao Biển nên nhập tâm hai tiếng Gành Hào. Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu hoài lang

Bạc Liêu ơi có nhớ chăng ai? 
Thuở ấy thanh xuân, trăng Gành Hào tròn như chiếc gương
Giờ tóc pha sương qua Gành Hào tiếc một vầng trăng

Và rồi khi đi qua Cà Mau, Bạc Liêu, được giới thiệu rằng mình đang đi trên sông Gành Hào thì nghe lòng xao xuyến lạ: đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang...


Bởi vậy tôi rất đồng cảm với nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển khi ông rên rỉ: sao người ta nỡ lòng nào đổi tên huyện Gành Hào thành huyện Đông Hải? Tên Gành Hào quê mùa còn tên Đông Hải mỹ miều hay sao? Đông Hải là biển Đông, nhiều nơi có thể gọi là Đông Hải được, còn Gành Hào mộc mạc chân quê thì chỉ có một. Đành phải hát Đồng Hài ơi, nửa đêm ai hát lên câu hoài lang hay sao?
...

Nếu không có bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo của Xuân Hồng thì chắc tôi và nhiều người đều không biết đến sóc Bom Bo. Nghe nhạc rồi, biết rằng đây là một sóc của người S'tiêng thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước mà thuở xưa dân làng đã băng rừng lội suối lập nên để không vào ấp chiến lược.

Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa
Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khua 


Mỗi khi đi trên lộ 14, ngang qua Bù Đăng nhìn thấy một bảng chỉ đường vào sóc Bom Bo ngày xưa thấy lòng rôn lên cảm giác khó tả, dù mình chẳng phải kháng chiến ngày nào. Đó là sự cảm thụ âm nhạc, và gợi nhớ về ký ức một bài hát hay hát mãi thuở nhỏ.

Sóc Bom Bo bây giờ còn không? Còn, nhưng nó không còn mang tên sóc Bom Bo nữa. Bây giờ đó là thôn 1, xã Bình Minh! Đặt tên phường xã hoặc tên đường bằng số là chuyện thường, cho tiện ấy mà! Nhưng có tiếc gì hai tiếng Bom Bo đã đi vào âm nhạc (và lịch sử) mà không giữ lại cái tên ấy, lại thay bằng cái số 1 khô khốc nhỉ?

Ngày xưa nhạc sĩ Xuân Hồng cất lên lời hát:

Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày
Về đường này
Thăm sóc Bom Bo!

Giờ ông đã đi xa vắng thật rồi. Nếu còn sống, ông sẽ quay về sóc Bom Bo ngày xưa và hát:

Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày
Về đường này
Thăm thôn 1, xã Bình Minh!

Phạm Hoài Nhân

4 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Vui chứ sao lại buồn hở Bố Susu? Cứ nghĩ tới khi hát:

      Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày
      Về đường này
      Thăm thôn 1, xã Bình Minh!

      là mình thấy dzui quá trời luôn á!

      Xóa
  2. Chợ Cồn Đà nẵng có từ những năm 1940. Năm 1984 đổi tên thành Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng nhưng người dân quen miệng cứ gọi tên cũ. Đến năm 2012, Hội đồng Nhân dân ĐN quyết định lấy lại tên Chợ Cồn như cũ. Mình nghĩ Thôn 1 xã Bình Minh nên lấy lại tên cũ thì hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mỗi địa danh - không cứ gì phải là địa danh gắn với thơ, nhạc - đều bắt nguồn từ nghĩ suy của cha ông chúng ta, và gắn liền với ký ức của mỗi người. Vì thế, nếu không vì lý do gì bất khả kháng (thô tục, khó đọc...) thì có lẽ nên giữ nguyên, phải không anh Phước?

      Xóa