Vậy... 100 năm trước thì sao? Chắc chắn là hồi đó hầu hết mọi người đều chỉ có thể thấy máy bay chớ không hề biết cái cảm giác ngồi trong máy bay bay giữa chín tầng mây nó ra làm sao.
Thật thú vị, năm 1919 (cách đây 102 năm) trên Nam Phong tạp chí, ông Phan Tất Tạo - một trong những phi công đầu tiên của Việt Nam - đã đăng bài Đi tàu bay để tả cho đồng bào mình nghe cái cảm giác đi máy bay nó ra làm sao. Ta cùng đọc lại bài này để coi cái cảm giác ấy của 100 năm trước có gì khác không nhé.
Hình ảnh trong bài viết được tui sưu tầm và thêm vào cho nó... màu mè một chút!
Phạm Hoài Nhân
ĐI TÀU BAY
PHAN TẤT TẠO
Bản quán mới tiếp được bài sau này của ông đội tàu bay (sergent aviateur) PHAN TẤT TẠO mới ở bên Pháp về, hiện tòng sự ở sở Tàu bay Đông Dương. Bài này là bài tả thực, kể cái cảm giác vừa sợ vừa vui, vừa lo, vừa mừng, vừa bàng hoàng bối rối, vừa khoan khoái nhẹ nhàng của người mới đi tàu bay lần thứ nhất, thật là một lối văn chương lạ của một tay nhà nghề giỏi, xin giới thiệu cho các bạn đọc báo. Ông Phan có hứa sẽ soạn mấy bài nữa về lịch sử và máy móc của tàu bay, bản báo sẽ lần lượt đăng dần.PH.Q.
Chiếc máy bay Caudron G.3 của Pháp được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ I, có lẽ phi công Phan Tất Tạo đã từng lái loại máy bay này khi làm việc tại Pháp. Ảnh: Wikipedia
Nhờ ơn từ khi Quan Toàn quyền Albert Sarraut cai trị và khai sáng cõi Đông Dương, nhiều các ông bà người Nam ta đã trông thấy tàu bay, bay lượn ở trên thanh không các xứ ta. Thường có nhiều người hỏi chẳng biết những người ngồi ở trong tàu bay đi ở trên cao thì thấy những sự gì? Nhân cũng biết cầm máy tàu bay được ít nhiều, vậy tôi xin nhờ báo Nam Phong để mời các ông bà cùng với tôi bay bổng một vài phút đồng hồ.
Ai nấy cũng biết rằng càng lên cao bao nhiêu, càng rét bấy nhiêu, càng đi nhanh bao nhiêu, gió thổi vào mặt bấy nhiêu. Vậy trước khi lên tàu xin các ông bà đội mũ (casque pour aviateur), đeo kính, quàng khăn cổ, mặc quần áo dạ hay quần áo lông, đi bít tất tay, đi giầy da hay ủng mà trong có lông. Sắm sửa xong, xin mời vào ngồi trong tàu và xin các ông bà nhớ quấn vào mình cái thắt lưng treo ở chỗ ngồi để cho tàu giữ chặt lấy thân thể.
Ở trên trời xanh tốt, gió thổi hiu hiu, xin các ông bà ngồi cho ngay và vững để cho tôi cho quay máy (moteur) chạy. Máy chạy thì cánh quạt (hélice) quay ngay, rồi tàu bắt đầu chạy ở trên mặt đất độ hai trăm thước. Mới đi tàu lần này là lần thứ nhất, mà còn đi ở dưới đất, lúc này là các ông bà chỉ thấy gió thổi vào mặt rất mạnh, tàu đi rất nhanh cho đến nỗi trông xuống không nhìn rõ một cây cỏ, trông hai bên tả hữu thấy cây cối cùng nhà cửa tựa hồ như chạy đến hai bên mình rất mau. Vốn xưa nay chưa đi thứ xe chi, thứ tàu gì nhanh như thế, hóa ra trong người thấy hơi khó chịu, sự thở hơi khó một chút, song cố gượng rồi cũng quen dần, coi như thường.
Ai nấy cũng biết rằng càng lên cao bao nhiêu, càng rét bấy nhiêu, càng đi nhanh bao nhiêu, gió thổi vào mặt bấy nhiêu. Vậy trước khi lên tàu xin các ông bà đội mũ (casque pour aviateur), đeo kính, quàng khăn cổ, mặc quần áo dạ hay quần áo lông, đi bít tất tay, đi giầy da hay ủng mà trong có lông. Sắm sửa xong, xin mời vào ngồi trong tàu và xin các ông bà nhớ quấn vào mình cái thắt lưng treo ở chỗ ngồi để cho tàu giữ chặt lấy thân thể.
Ở trên trời xanh tốt, gió thổi hiu hiu, xin các ông bà ngồi cho ngay và vững để cho tôi cho quay máy (moteur) chạy. Máy chạy thì cánh quạt (hélice) quay ngay, rồi tàu bắt đầu chạy ở trên mặt đất độ hai trăm thước. Mới đi tàu lần này là lần thứ nhất, mà còn đi ở dưới đất, lúc này là các ông bà chỉ thấy gió thổi vào mặt rất mạnh, tàu đi rất nhanh cho đến nỗi trông xuống không nhìn rõ một cây cỏ, trông hai bên tả hữu thấy cây cối cùng nhà cửa tựa hồ như chạy đến hai bên mình rất mau. Vốn xưa nay chưa đi thứ xe chi, thứ tàu gì nhanh như thế, hóa ra trong người thấy hơi khó chịu, sự thở hơi khó một chút, song cố gượng rồi cũng quen dần, coi như thường.
Đỗ Hữu Vị - người được coi là phi công đầu tiên của Việt Nam - trên máy bay Caudron G.3
Đi được một hồi - trong mình thấy đã dễ chịu và đã hơi quen gió, bỗng thấy như có người nâng lên trên cao rồi thân thể lại nôn nao khó chịu như trước, như có ý muốn vươn dài ra để lên cho chóng. Lúc đó là tàu bổng lên đó.
Khi còn đang lên thì ít người dám trông xuống vì rằng đi chưa quen và sợ rơi xuống đất. Tuy rằng lúc đó còn lo sợ, song chắc rằng các ông bà đã thấy trong người khoan khoái dần lên, như nhẹ nhàng mát mẻ...
Bấy giờ trông đồng hồ thì tàu đã lên được hơn một nghìn thước, vậy xin vặn máy cho tàu đi ngang để các ông bà vững lòng và trông xuống dưới đất cho rõ. Lúc này tuy rằng tàu đã đi ngang rồi như lần thứ nhất cũng có nhiều ông bà chưa dám trông xuống ngay. Chỉ thử hơi liếc mắt xuống một tí, song thấy gió thổi vào mặt như táp, lại vội vàng cúi đầu vào đàng sau mui tàu ngay. Nhìn thử một đội lần rồi đánh bạo mới nhìn thẳng xuống cõi trần, thấy chỗ thì xanh, chỗ thì trắng, chỗ thì đỏ, chẳng thiếu thứ mùi gì; mà nhà cửa cây cối, vườn ruộng, sông núi nhỏ hơn trước nhiều (ở trên cao một nghìn thước thì thấy nhà, cây, vân vân, nhỏ đi độ mất một nửa). Xem ra tựa hồ như đất chạy chứ không phải là tàu bay ở trên.
Đương khi các ông bà còn đang ngắm phong cảnh, nhìn chỗ này, nhận chỗ kia; bỗng thấy tàu chềnh bên này, rồi lại chềnh bên kia như là cái chi thật mạnh mà kéo hai bên tàu một cách rất dữ dội và rất nhanh. Lúc bấy giờ có lẽ nhiều ông bà giật mình và lo, rồi vội vàng nắm chặt lấy hai bên tàu? Tưởng rằng dễ tàu sắp đổ? Tàu mà bị chềnh đi thế là tại đi vào chỗ gió thổi cuộn. Sự đó không hiểm nghèo gì vì là trong tàu đã có máy vặn cho tàu lại đi bằng phẳng ngay được.
Cũng có lúc đang đi thấy tàu, hoặc nhẩy thẳng ngay lên độ một trăm thước, hoặc thụt ngay xuống độ một trăm thước thì lại thêm bối rối lo sợ hơn sự tàu nghiêng lệch, vì là tưởng rằng tàu lộn nhào hay là ngả nghiêng ra mà có thể nguy! Nhưng mà được may rằng tàu nhẩy lên hay thụt xuống nhanh như chớp mắt, mà khi đã lên hay xuống rồi thì tàu lại đi ngang ngay như cũ. Tàu đi phải những lúc như vậy là tại đi vào chỗ gió thổi xoáy lên hay xoáy xuống.
Tuy rằng trên trời rộng mênh mông thế mà nhiều khi đi gặp một đám mây mù mà không thể nào tránh được. Phải chịu liều đi vào trong đó đến bao giờ hết mây thì thôi! Tàu bay ở trong mây bị mây cán không thể đi nhanh như trước được. Cái cánh quạt quay tan mây ra xung quanh làm thành ra khói mù cho đến nỗi các ông bà ngồi trong tàu chỉ hơi trông thấy trắng mờ mờ thôi. Mây chạm vào cánh tàu kêu sồn sột nghe như tiếng sỏi ở trên cao đổ xuống một miếng vải căng vậy. Bay ở trong mây rất là phiền vì không biết tàu mình bay ở chỗ nào, xứ nào? Đi tàu bay phải nhiều khi nghiêng lệch, lên cao xuống thấp thế mà các ông bà không chóng mặt váng đầu, không say sóng, như khi trèo lên một cái nhà cao, hay như khi đi tàu ở ngoài biển có sóng gió! Được như thế bởi vì một là: khi bay thì tàu với quả đất lìa hẳn nhau; hai là hễ khi nào chênh lệch thì tôi vặn máy cho tàu bằng phẳng lại ngay; hóa ra những sự nghiêng lệch không kịp làm cho các ông bà ngồi trong tàu say được. Chỉ có khi nào mà phải đi lúc gió to quá mà đi hai ba giờ đồng hồ thì mới váng vất say một chút mà thôi.
Từ nẫy đến giờ tàu đi vào phải những nơi gió sóng không được yên, may bây giờ được lúc này tàu đi bằng phẳng mà lại qua một cái tỉnh lỵ, xin các ông bà nhìn xuống đất để xem ra làm sao? Hẳn các ông bà thấy các lâu đài cao đẹp, các phố phường ngang dọc, các nóc nhà đen đỏ, các hồ xanh biếc, các vườn xanh rì, các xe lửa, xe điện, xe hơi cùng xe ngựa chạy nhanh tăm tắp tới chỗ nọ, nơi kia; các người ta kẻ đi chơi thong thả, kẻ vội đi nhanh, xem ra đều là nhỏ cả chẳng khác gì một bản đồ mà ở trong có múa rối.
Khi bay trên một cánh đồng thì thấy cỏ cây xanh rì, chỗ này mấy cái nhà, chỗ kia mấy cây cao chót vót; một vài cái lạch nước con con chảy vào các vườn ruộng; thỉnh thoảng thấy năm ba người be bé đi thăm đồng. Còn như đất thì thấy chỗ nào cũng bằng nhau cả chỉ trừ ra những gò đống nào cao lắm thì mới có thể phân biệt được.
Khi đi trên núi các đỉnh đá xanh lỗ chỗ, thường ở xung qua quanh hay có một vài đám mây trắng ám, trên các đám mây đó cũng có nhiều đỉnh nhỏ khác chẳng khác gì một đám núi con vậy. Có nhiều lúc mây bốc khói lên, trông xuống như núi cháy, nhất là khi có mặt trời chiếu vào trông lại càng rực rỡ lắm.
Khi đi qua sông, nếu mà có đi thấp thì mới thấy nước chảy, không thì chỉ thấy một dòng nước nhỏ con con, lóng lánh mà chỗ nọ thẳng chỗ kia cong queo, hình như một con rắn bạc nằm phơi nắng ở bên cây cỏ.
Bây giờ các ông bà đã đi qua tỉnh, qua đồng, qua núi, qua sông chắc là các ông bà tin tàu bay được nhiều phần mà trong bụng chỉ mong làm sao cho máy cứ bền vững mà đi được rõ lâu để xem mãi những phong cảnh ấy. Còn bao nhiêu sự lo nghĩ ở dưới trần ai thì quên sạch. Chỉ trừ ra những lúc nào có sự khó khăn hiểm nghèo thì người ngồi trong tàu bay mới nghĩ đến các việc ở dưới đất.
Đi từ nãy đến giờ cũng đã lâu vả chăng tàu cũng đi gần đến chỗ đất đậu, tôi xin phép các ông bà cho hãm máy để xuống. Máy chạy từ từ (ralenti) rồi tàu chúc đầu xuống, lúc đó các ông bà ngã gục về đàng trước mà nghe máy chạy rất êm không có những tiếng vù vù nữa. Trong mình lại bàng hoàng hơn lúc lên, lại thêm gió thổi vào mặt mạnh hơn lúc đi ngang. Trông xuống đất thấy nhà cửa cây cối lại dần dần lớn như cũ; thấy một sự rất hãi là tựa hồ như đất chạy đâm vào tàu mình rất nhanh. Tưởng rằng có lẽ tàu đâm vào đất ngay chắc? Bỗng một chớp mắt đã thấy tàu ngẩng đầu lên mà hai cái bánh xe tàu đã chạy ở dưới đất độ một trăm thước, rồi tàu đứng lại; lúc đó mới tỉnh ra rằng mình đã xuống đến đất rồi! Khi các ông bà bước chân xuống đất thì chắc hẳn mơ mơ màng màng vừa mừng vừa lo...
Hà Nội 15 Avril 1919
P.T.T.
Nam Phong tạp chí, số 22, tháng Tư 1919
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét