Tại sao cấm thì được giải thích bằng nhiều lý do:
- Cảnh hoang vu hiểm trở của núi Cấm thuận tiện cho những tay thảo khấu tụ tập để gây rối cho xóm làng. Để giữ an ninh, nhà chức trách phải ra lịnh cấm người ở trong vùng này.
- Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên đã cấm các tín đồ của mình lên đó cất nhà lập am, bởi sợ sẽ ô uế chốn núi thiêng.
- Nguyễn Phúc Ánh khi bị quân Tây Sơn truy nã, có lúc phải vào núi này nương thân. Muốn tông tích được giấu kín, các cận thần phao tin có ác thú, yêu quái, để cấm dân chúng vào núi.
Bây giờ thì không có cấm nữa, mà trái lại, tỉnh An Giang mời gọi thập phương tứ xứ lên núi Cấm chơi để góp phần phát triển du lịch cho tỉnh. Mời đến chơi, nhưng vẫn giữ tên núi Cấm, bởi vì đó là thương hiệu mà!
À, bây giờ vẫn còn cấm một thứ, đó là cấm xe hơi lên núi. Lý do chính được nêu ra là để giữ cho đường lên núi không bị hư hỏng, để khu vực Lâm viên núi Cấm vốn là chốn chùa chiền thờ tự được thanh tịnh. Lý do phụ là gì thì mọi người tự suy ra, tui không biết. Bây giờ nếu đi xe hơi đến thì bạn có thể để xe dưới chân núi và chọn một trong ba cách: đi cáp treo lên núi, thuê xe ôm hoặc... đi bộ. Chú ý rằng nếu lên núi Cấm bằng cáp treo hay các loại xe thì bạn chỉ lên đến khu vực hồ Thủy Liêm, nơi có chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc... Nơi ấy độ cao khoảng 550 met, trong khi đỉnh núi Cấm có độ cao hơn 700 met, chỉ có thể lên bằng... chân.
Tui có dịp lên núi Cấm 3 lần. Lần đầu năm 2007, đi xe 16 chỗ chạy một mạch lên hồ Thủy Liêm. Lần thứ 2, năm 2011 đã cấm xe hơi tư nhân lên núi, du khách muốn lên bằng xe hơi có thể thuê xe chuyên dụng của khu du lịch núi Cấm (để bảo đảm an toàn cho khách), nhưng lần đó tui quá giang xe của đoàn nhà báo An Giang nên cũng được đi xe riêng lên núi. Lần gần đây nhất, năm 2021, đã cấm hẳn xe hơi lên núi, tui đi cáp treo (tóm lại là chưa lần nào dám đi bộ!).
Ảnh chụp năm 2011, từ tháp chùa Vạn Linh nhìn xuống, vẫn còn khá nhiều xe hơi. Ảnh: Phạm Hoài Nhân.
Cách đây 70 năm (1951), học giả Nguyễn văn Hầu - lúc ấy 30 tuổi - đã cùng vài người bạn làm một chuyến du hành vào miền Thất Sơn, trong đó có hành trình lên núi Cấm. Từ chuyến đi này, ông viết tập du ký Nửa tháng trong miền Thất Sơn. Do nhiều điều kiện khách quan, mãi 20 năm sau (1971), tập sách mới được ra đời. Ta cùng đọc lại để xem 70 năm trước đường lên núi Cấm có gì khác với bây giờ nhé.
Ờ, tui nói cùng đọc là ý nói bài kế tiếp á. Còn bài này dài rồi và tui cũng làm biếng rồi. Nghỉ nhe.
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét