13 thg 10, 2021

Núi ở đồng bằng - Kiên Giang

Nói đến du lịch miền Tây Nam bộ là người ta nghĩ đến sông nước, đồng bằng, không ai nghĩ đến núi non. Đúng vậy thiệt, hầu như toàn bộ diện tích 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều là đồng bằng, sông ngòi. Thế nhưng cá biệt có 2 tỉnh ở miền Tây Nam bộ vẫn có núi, đó là An Giang và Kiên Giang.

Núi ở An Giang là cả một câu chuyện phong phú, ly kỳ và huyền bí nữa, ta để dành nói sau. Bữa nay nói chuyện núi ở Kiên Giang nghe.

Núi ở Kiên Giang chủ yếu không phải ở... Kiên Giang đất liền, mà ở đảo Phú Quốc. Thật ra, xét về địa hình thì Phú Quốc không phải đồng bằng, nhưng về hành chánh thì huyện đảo này thuộc tỉnh Kiên Giang, mà Kiên Giang lại thuộc về đồng bằng sông Cửu Long nên ta kể tên Phú Quốc vào đồng bằng vậy. Truyền thuyết nói rằng hòn đảo này có 99 ngọn núi, tuy nhiên chưa có bản liệt kê tên tuổi nào của 99 ngọn núi này hết. Vụ này giống như Thất Sơn ở An Giang, tức 7 núi, mà cho đến giờ vẫn chưa thống nhất được đó là 7 núi nào. Dù không xác định chính xác là bao nhiêu ngọn núi, nhưng chắc chắn là nhiều, hàng trăm ngọn.

Một ngọn núi ở Phú Quốc

Đi theo tỉnh lộ 48 từ Bắc xuống Nam ta thấy bên trái là biển và bên phải là núi, đặc biệt là dãy Hàm Ninh dài đến 30 km. Đỉnh núi cao nhất ở Phú Quốc là núi Chúa (603 m), tiếp đến là núi Vò Quao (478 m), núi Ông Thầy (438 m), núi Đá Bạc (448 m)… So với các ngọn núi cao ở miền Trung, Tây nguyên hay miền Bắc thì chẳng là gì, nhưng so với các núi ở Đông Nam bộ thì... cũng được! (Để so sánh, ngọn núi cao nhất miền Nam là núi Bà Đen ở Tây Ninh cao 996 met, cao nhì là núi Chứa Chan 837 m, núi Cấm cao nhất ở An Giang là 705 m).

Núi ở Phú Quốc. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Núi nhiều vậy, nhưng vì Phú Quốc quá nhiều cảnh đẹp để tham quan, nhất là biển, nên hầu như chẳng có tour du lịch nào có tiết mục leo núi ở Phú Quốc hết. Tui cũng vậy, mặc dù ra Phú Quốc đã mấy lần nhưng chưa lần nào lên núi hết, chỉ có đứng ngắm dọc đường thôi. Các bạn trẻ đi phượt có lẽ là đối tượng leo núi ở Phú Quốc nhiều nhất, nhưng cũng không bằng so với leo núi ở nơi khác vì như đã thấy núi ở đây không có gì kích thích người ta leo.

Ngoài Phú Quốc, ở những đảo nhỏ khác thuộc Kiên Giang cũng có nhiều núi, trong đó thu hút giới du lịch nhất là Hòn Sơn (thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải). Đảo này có 7 núi, trong đó nổi tiếng nhất là Ma Thiên Lãnh, cao 450 met.

Núi Hàm Ninh. Ảnh: Nguyễn thị Bình An (An Saigon)

Giờ quay trở về Kiên Giang đất liền. Núi ở đây tập trung tại 2 nơi là thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương. Ở Kiên Lương chủ yếu là núi đá vôi thấp, thấp đến nỗi lâu nay người ta khai thác đá tới mức... sắp mất núi luôn! Còn ở Hà Tiên thì có những ngọn núi đẹp khá nổi tiếng, là điểm tham quan du lịch quen thuộc khi du khách đến Hà Tiên. Trong Hà Tiên thập vịnh, vịnh 10 cảnh đẹp Hà Tiên có kể đến 4 núi, đó là: núi Pháo Đài (bài Kim Dự Lan Đào), núi Thạch Động (bài Thạch Động Thôn Vân), núi Bình San (Bình San Điệp Thúy), núi Đá Dựng (bài Châu Nham Lạc Lộ, có giả thuyết nói rằng Châu Nham Lạc Lộ không phải Núi Đá Dựng). Ngoài ra còn có núi Tô Châu gồm 2 ngọn là Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu, núi An Hải Sơn là ngọn núi mà trong lòng núi có ngôi chùa Hang (Hải Sơn tự) nhìn ra Hòn Phụ Tử.

Những ngọn núi kể trên đều có độ cao chừng trên dưới 100 met. 

Đại Tô Châu cao 178 met, Tiểu Tô Châu cao 107 met (Tiểu Tô Châu nhỏ và lùn hơn nhưng khách du lịch thường ghé hơn vì ở đây có những ngôi chùa và cảnh quan đẹp). 

Núi chùa Hang không rõ cao bao nhiêu nhưng chắc không quá 100 met. Du khách đến đây chủ yếu là vô chùa Hang và ra ngắm cảnh biển chớ hiếm khi lên núi.

Cổng chùa Hang dưới chân núi An Hải Sơn. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Leo núi An Hải Sơn. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Núi Đà Dựng cao khoảng hơn 100 met. Trong lòng núi có nhiều hang động, du khách đến đây có thể leo dọc vách núi và vào tham quan các hang động.

Núi Đá Dựng. Ảnh: Phạm Hoài Nhân


Leo núi Đá Dựng. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Núi Bình San chỉ cao hơn 50 met (ngang ngửa với núi ở Bửu Long, Châu Thới). Du khách có thể lên núi (không cao lắm nên không đến nỗi mệt) và từ trên cao ngắm cảnh Hà Tiên.

Thạch Động còn thấp hơn nữa, chỉ khoảng 48 met, đây thực chất là một khối đá vôi nhô lên khỏi mặt đất, bên trong có hang động. Hang này thường được gọi là hang Thạch Sanh. Đây có lẽ là một điểm đến mà hầu như ai tới Hà Tiên cũng từng ghé qua.

Thạch động Hà Tiên. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét