14 thg 10, 2021

Núi ở đồng bằng - Thất Sơn mầu nhiệm

Nói đến núi ở An Giang ắt hẳn phải nói đến Thất Sơn. Đó là cụm núi chính, quan trọng nhất của An Giang - hoặc có thể nói: Thất Sơn chính là tên gọi chung tất cả vùng núi của An Giang.

Toàn cảnh Khu Du lịch Núi Cấm. Núi Cấm là ngọn núi cao nhất An Giang và là núi quan trọng nhất trong Thất Sơn.

Quyển biên khảo đầu tiên về Thất Sơn có lẽ là Thất Sơn mầu nhiệm của học giả Nguyễn văn Hầu, xuất bản năm 1955. Trong sách này ông đề cao vai trò của Thất Sơn, đặc biệt là khía cạnh linh thiêng, huyền bí, một vùng đất địa linh sinh nhân kiệt. Đến 3/4 nội dung sách là nói về Các bậc siêu phàm ở Thất Sơn.

Nguyễn văn Hầu là một học giả có uy tín với rất nhiều công trình biên khảo có giá trị. Tuy nhiên, quyển Thất Sơn mầu nhiệm ra đời cách nay đã 66 năm, thêm nữa tác giả (và đồng tác giả là ông Dật Sĩ) là những người con của đất An Giang và là tín đồ Hòa Hảo nên những lý lẽ ông nêu ra có thể khiến lớp hậu sinh chúng ta không hoàn toàn đồng ý, cho rằng nặng yếu tố tâm linh. Dù vậy tui vẫn xin trích đăng nguyên văn những đoạn nhận định về Thất Sơn để cùng tham khảo, biết được những nghĩ suy của một lớp người trí thức miền Tây thời ấy về Thất Sơn như thế nào.

Những đoạn trích sau lấy theo bản in lần 2, năm 1972, của quyển Thất Sơn mầu nhiệm, có tóm lược cho gọn nhưng vẫn giữ lời văn của tác giả

Bìa sách Thất Sơn mầu nhiệm, xuất bản năm 1972.

Chương III của sách nói về Sự quan trọng của Thất Sơn, gồm các phần:

I. QUAN TRỌNG VỀ MẶT CHIẾN LƯỢC.

Nằm trong khu tam giác Tịnh Biên – Nhà Bàng - Tri Tôn, vùng Thất Sơn chiếm một địa thế dài khoảng 30.000 m, rộng khoảng 17.000 m và trở thành một pháo đài thiên nhiên vô cùng kiên cố bên cạnh Miên Quốc và Thái Lan, án ngữ cả vùng bờ biển Hà Tiên, Rạch Giá.

Từ cổ chí kim, từ Âu sang Á, không một chiến-lược gia nào có thể phủ nhận cái phần ưu thắng về tính cách địa hiểm của núi non trong việc điều binh khiển tướng.

Dẫn chứng là vua Lê Thái-Tổ, trong mười năm kháng chiến với quân Minh đã phải ba lần rút về núi Chi Linh để cố thủ. Hoàng Hoa Thám trong 20 năm chống Pháp đã chiếm được Yên Thế sơn làm nơi hiểm cứ. Nguyễn-Hoàng cũng đã hiểu rõ sự quan trọng của núi non về mặt chiến lược nên trước khi mất có dặn Nguyễn Phúc Nguyên rằng “Đất Thuận, Quảng này bên Bắc thì có núi Hoành-Sơn, sông Linh Giang, bên Nam thì có núi Hải Vân và núi Bí Sơn thật là một nơi trời để cho người anh hùng dụng võ…”

Vì vậy, một khi ta đàng hoàng chiếm cứ Thất Sơn làm nơi dụng võ mà địch quân nào dám bén mảng đến vùng thung lũng của vị trí này thì chắc chắn họ sẽ hoàn toàn thảm bại còn hơn Pháp quân ở Điện Biên Phủ.

II. QUAN TRỌNG VỀ MẶT KINH TẾ

Bản đồ hành chánh tỉnh An Giang

Đã quan trọng cho việc quốc phòng về mặt chiến lược, vùng Thất Sơn lại còn quan trọng cho dân sinh về mặt kinh tế, vi nó bảo trợ và chi phối những vùng đồng ruộng phì nhiêu bao la bát ngát (Đồng Tháp Mười và Đồng Cà Mau) được thấm nhuần bởi con sông Cửu Long và những sông ngòi kinh rạch chi chít khắp nơi, rất tiện cho việc trồng trọt cấy cày và giao thông vận tải.

Vùng này là nguồn lợi phong phú về nông sản, chăn nuôi, lâm sản, khoáng sản, giang sản và hải sản.

III. QUAN TRỌNG VỀ MẶT ĐỊA LÝ

Thất Sơn nằm trên địa phận tỉnh Châu Đốc và sông Cửu Long cũng chảy qua tỉnh này.

Bản đồ mô tả núi ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, nơi tập trung các ngọn núi ở An Giang. Ảnh của Bùi Thụy Đào Nguyên trên Wikipedia.

Mà Thất Sơn tức là
Bửu Sơn hay Bảo Sơn thì quí báu vô ngần, hiển linh tột bực: Nơi đây đã có nhiều vị tu hành chứng quả Phật, Tiên, Thần, Thánh. Chính phái Bửu Sơn Kỳ Hương đã phát hiện tại vùng này.

Còn Cửu Long tức là Bửu Giang hay Bảo Giang. Con sông này được coi như là con sông quí báu, vì nó là con sông lớn nhứt và dài nhứt trên hoàn cầu (hơn 4.500 cây số ngàn), phát nguyên từ bên Tây Tạng, nơi mọc lên dãy núi Hi Mã Lạp Sơn cao nhứt hoàn cầu (8.840 thước) và là nơi Đức Phật Thích Ca đã đắc quả chính đẳng chánh giác. Con sông này chảy sang Việt Nam, qua Nam Việt (nhứt là tỉnh Châu Đốc) rồi tuôn ra biển Đại Thanh với chín cửa biển (cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa Định An, cửa Bách Xắc, cửa Tranh Đề), vừa kết tụ nguyên khí, vừa phát hiện đủ thứ địa hình.

Dòm kỹ bản đồ Nam Việt thì ta thấy Cù lao Két (từ Vàm Nao đến Nam Vang) giống hình một con qui, mỏ day về Vàm Nao. Mà “con qui” ấy đã nằm giữa Tiền Giang và Hậu Giang lại ở vào khoảng giữa Thất Sơn và Cửu Long. Theo nguyên lý nam thất nữ cửu thì Thất Sơn thuộc Dương, Cửu Long thuộc Âm.

Địa cuộc có âm dương tương hội thế ấy tất nhiên là địa linh. Mà địa linh tất sanh nhơn kiệt. Sông thế ấy, núi thế kia phải đào tạo được những trang hào kiệt phi thường, (Giang-sơn chung tú phi-thường)

Câu: 

Khí thiêng-liêng sông núi nhiệm-mầu,
Un-đúc giống anh-hùng vang bốn bể

của Đức Huỳnh Giáo Chủ dường như vừa xác nhận giá trị của khoa học địa lý lại vừa hé màn bí mật.

Cụ Trạng Trình (Nguyễn-Bỉnh-Khiêm) lại nói rõ về nơi xuất hiện của vị anh hùng dân tộc tương lai - một vị Thánh nhơn - trong những câu sấm:

Bảo giang Thiên tử xuất,
Bất chiến tự nhiên thành.

Hoặc

Bảo sơn Thiên tử xuất,
Bất chiến tự nhiên thành.

Dường như muốn cho người đời sau có thể tìm hiểu đâu là: “Thánh nhơn hương” (quê hương của vị Thánh nhơn) nên Cụ Trạng lại nói thêm:

Bắc hữu Kim Thành tráng
Nam tạc Ngọc Bích thành
Hòa thôn đa khuyển phệ
Mục giả, dục nhơn-canh

IV. QUAN TRỌNG VỀ MẶT TINH THẦN

Bản đồ không ảnh vùng Thất Sơn. Nguồn ảnh: Copy qua lại giờ không biết ảnh gốc của ai luôn!

Có lẽ không ai còn ngờ vực về sự núi non có ảnh-hưởng to tát đối với tinh thần, chí hướng của con người.

Dòm lại lịch sử nước nhà, ta thấy phần đông những bực anh hùng dân tộc hay những thi sĩ siêu nhân hoặc những đấng siêu phàm đều có chịu ít nhiều ảnh hưởng của núi non... Đó là do khí thiêng un đúc mà cũng tại vì sự hùng vĩ của núi non rừng rú nó làm cho con người được chí tại cao sơn, tâm ư thượng đỉnh.

Đề kết luận đoạn này, chúng tôi xin quả quyết rằng hoa địa (1) Thất Sơntrọng địa (1) Cà Mau, Đồng Tháp thật là những vùng cực kỳ quan trọng về mặt tinh hoa dân tộc, kinh tế quốc gia và chiến lược quốc phòng.

Vậy trong cuộc tranh đấu hiện giờ, nếu vị nào nắm giữ được hoa địa và trọng địa nói trên, chắc chắn vị ấy sẽ “kiến thiết được một hồi sinh căn cứ địa là nơi thủ hiểm trường kỳ, đào tạo cán-bộ, huấn luyện chủ lục quân, để thời cơ đến thì tiến ra phản công như vũ như bão”, nắm địa vị bá chủ trong tay.
____
(1)
Theo một nhà khảo sử thì, đứng về phương diện khoa-học quốc-phòng, một quốc gia luôn luôn có hai vùng 1. HOA-ĐỊA là nơi tập-trung tinh hoa của đất nước (Hoa địa của nước ta thuở xưa là núi Thới Sơn. Ngày nay, hoa địa của ta là Thất-Sơn, nơi xuất hiện phái Bửu Sơn Kỳ Hương, tinh hoa của đất nước). 2. TRỌNG ĐỊA (khu trọng yếu cho cuộc quốc phòng), là nơi có đủ điều kiện kinh tế, văn hóa nhân-sự để khi nước nhà gặp cơn binh lửa thì ta có thể tiến, thoái, công, thủ.

Dật Sĩ & Nguyễn văn Hầu
Trích từ Thất Sơn mầu nhiệm, NXB Từ Tâm - 1972

Phạm Hoài Nhân
Sưu tầm và biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét