29 thg 10, 2021

Đường lên núi Cấm - thuở xưa

Năm 1951, học giả Nguyễn văn Hầu cùng 3 người bạn làm một chuyến du hành Thất Sơn, và sau đó ông viết thành bút ký Nửa tháng trong miền Thất Sơn. Chương VIII của bút ký là 30 giờ trên núi Cấm kể về hành trình lên ngọn núi này. Thời điểm ông thực hiện chuyến đi đường sá đã thuận tiện hơn thuở trước rất nhiều nhưng so với 70 năm sau - tức hiện nay - cũng là rất khác. Tui trích đăng câu chuyện kể của ông năm 1951 kèm theo hình minh họa chụp trong chuyến hành trình 3 giờ trên núi Cấm của tui hồi đầu năm nay để... so sánh (3 giờ là tính luôn giờ... ăn bánh xèo á!).

Khu du lịch Lâm viên Núi Cấm. Mua vé đi cáp treo ở đây nghe quý vị.

30 GIỜ TRÊN NÚI CẤM

Ngày hôm sau, chúng tôi đến đường cái, nơi để xe, thì kim đồng hồ quả lắc treo trên tháp canh đã chỉ 9 giờ kém 5. Xe rù máy rồi vụt lướt trên con đường sát núi, khi lõm xuống lúc trồi lên như thuyền băng trên sóng biển. Chín giờ rưỡi thì chân núi Cấm đã hiện rõ trước mặt.

Chúng tôi lại bỏ xe, ghé vào một quán cóc bên đường để mua ít thức ăn rồi theo con đường Rầy Đét mà mò lần vào núi. Anh Ba vốn có đi rồi mấy bận, nên đi trước dẫn chúng tôi.

Anh nói:
  • Phép đi non ít ai khởi hành vào buổi trưa. Người ta đi từ sáng sớm hoặc chiều mát để đỡ cơn nắng nghẹt thở. Nhưng hồi sáng thấy các ông ngủ ngon, tôi không dám gọi.
Tôi nói với anh Ba:
  • Tôi có hiểu điều đó. Nhưng vì mỏi quá cần nghỉ để lấy sức và vì biết núi này nhiều cây cối, nên đã không mấy lo.
Sơ đồ hướng dẫn đi cáp treo

Giá vé cáp treo núi Cấm, thời điểm tháng 1/2021

Con đường từ công lộ vào chân núi trông thấy như sát một bên, nhưng chúng tôi phải lội trên cát mịn hằng 5 phút mới tới. Trời bây giờ nắng nhiều, nhưng nhờ khí lạnh trong đá còn bốc ra và nhờ tàn cây rợp kín, nên chúng tôi cảm thấy dễ chịu.

Con đường từ quầy bán vé đến ga cáp treo vài trăm mét nhưng đi bộ... mỏi chưn, đi xe cho nó khỏe!

***
Theo đề nghị của anh Ba, mỗi người đều tìm một khúc gỗ làm gậy cầm tay để chống chỏi cho vững bước rồi lần theo dốc đá mà đi. Đường đá cong queo, thêm lắm chỗ có cây ngã nằm chắn ngang, khiến du khách có lúc phải trèo lên mình cây hoặc có khi phải chun lòn qua kẹt đá để mới tiến bước được. Trên đường vắng tanh. Mấy tiếng chim kêu lanh lảnh rồi âm thanh vang vang lan ra mất hút trong rừng, trả lại cái không khí sẵn tịch mịch càng tịch mịch hơn trước. Đường rừng có chỗ tối om, âm u như đi vào hang sâu. Thỉnh thoảng vài tia nắng lọt qua những lớp lá cây, rơi xuống dịu dàng trong trẻo.

Chúng tôi đang tiến lần theo các ngõ ngách mát mẻ trong núi thì ánh sáng bỗng đổ xuống dồn dập, rực rỡ. Trước mặt tôi bấy giờ là một vách đá sừng sững, kiên cố như trường thành. Tôi nhìn lên, đó là một dốc cao, có đường mòn dài mút mắt.

Ga cáp treo đây nè. Nãy giờ chưa thấy mệt gì hết à nghen!

Anh Ba nói:
  • Đã đến dốc Đá Chài, đường đi sẽ bắt đầu khó khăn , quãng vài trăm thước mà trời bây giờ cũng trưa, các ông có thể dừng lại đây dùng bữa cho vững gối rồi sẽ tiếp tục.
Hai anh Trình, Hà sợ ăn no leo không nổi nên đề nghị ráng chèo qua dốc núi hẵng hay; còn tôi với Khanh thì xin tùy: Ai sao chúng tôi vậy! Rốt lại, tất cả đồng ý qua dốc Đá Chài rồi sẽ ăn.

Mặt trời đã đứng giữa đỉnh đầu. Ánh nắng gay gắt, dường đá cheo leo dựng ngược không một bóng cây. Chúng tôi chầm chậm, khi ôm sát vào vách đá mà trèo, khi phải nơm nớp dò từng bước một. Đi được một chặp, anh Hà kêu mệt. Nhìn lại mọi người, ai cũng thở hổn hển và nét mặt tái mét. Anh Ba bảo:
  • Vừa đi vừa niệm Phật, ráng chút nữa sẽ tới đường bằng các ông ơi!
Ủa sao tụi tui đi thấy tỉnh bơ, mặt mũi tươi rói mà các vị tiền bối thuở xưa đi thấy mệt vậy ta?

Chúng tôi người nào người nấy đều thấy khan cổ, thờ hết ra hơi, nhưng cũng gắng gượng mà lê chân theo anh Ba. Con đường dài đã thu ngắn còn chừng 100 thước nữa sẽ qua khỏi dốc thì bỗng anh Hà gục ngã, nằm bệt xuống không đi được. Chúng tôi phải dừng lại, lấy thuốc vượng tim nhểu vào miệng anh và đợi một lúc sau, anh khỏe khỏe, chúng tôi mới dìu nhau đi vào bóng mát.

Bữa ăn trưa hôm ấy mất ngon bởi một lẽ giản dị là vì mệt quá và vì không có đủ thức ăn. Chỉ một ít mẩu bánh mì ra lò đâu từ chiều hôm trước cộng với mấy quả chuối. Ăn xong chúng tôi vốc nước suối lên uống, rửa tay, rửa mặt rồi đồng nằm dài dưới bóng cây mà nghỉ.
***
Cáp treo tới nơi rồi nè, đi chưa tới 10 phút (quãng đường 3,8 km), các vị tiền bối đi tới đâu rồi hổng biết?

Tôi mở mắt ra thì ánh xế xiên xuống thân cây, nắng loang lổ rơi lên mình tôi như hoa thêu trên lụa. Mấy sợi dây cổ rùa từ trên cao buông thõng xuống, hơi long lay vì cơn gió nhẹ phẩy qua. Phấn bụi bám lâu ngày trên cành, kéo nhau từng dọc dài tuôn xuống lây dây không ngớt. Tôi không muốn ngồi dậy, cứ nằm đó lắng nghe. Cái tịch mịch của buổi trưa càng làm rõ thêm các tiếng động. Tim tôi đập nhẹ, đều đều. Huyết quản như lưu thông chừng mực làm người tôi khỏe lạ. Tôi tự đếm được từng hơi thở của mình và nghe rõ các tiếng ngáy ngủ của anh em chung quanh. Có con mọt nào đang đục vỏ cây khô đâu đây răng rắc. Một con ong bầu thì phải, chẳng rõ bay đáp vào tổ hay đi tìm bầy mà buông ra tiếng gió vụt và lướt qua vành tai tôi.

Xa xa vài mươi thước, tiếng suối chảy như tiếng đàn của ai. Nghiêng tai vào trong đá, tiếng đàn càng thanh cao. Có lúc khoan, có lúc nhặt có lúc như trào tuôn dồn dập vào một cõi âm ti. Bên dưới chỗ tôi nằm xa lắm, tận dưới triền núi, dường như có tiếng nói. Rồi tiếp theo là những tiếng búa bổ cộp cộp vào cây. Lão tiều? Hẳn là động tác của lão tiều phu! Năm ba con chim xanh nghe dư vang giựt mình rời nhánh, chắc chúng bay bổng lên nên buông ra những tiếng kêu nhỏ giọt rơi rớt xuống lòng rừng.

Tới Ga đến rồi, ga tọa lạc tại một cái vồ, đó là Vồ Ông Bướm. Giờ bước xuống để ra hồ Thủy Liêm đây. Các vị tiền bối chắc vẫn đang nghỉ mệt, còn tụi tui chưa mệt chút xíu nào.

Tôi vẫn muốn nghe. Nghe thêm nữa. Tôi muốn vận dụng trực giác để thu thập tất cả những âm thanh và hình ảnh hỗn độn, linh động và kỳ diệu đang hòa hợp giữa ngoại cảnh và nội tâm tôi. Nhưng kìa, một đoàn lữ hành! Ừ, một đoàn lữ hành người Thổ trố những cặp mắt sâu hoắm và trắng bạch trong những gương mặt đen sì nhìn tôi. Một bản năng tự nhiên giật nẩy tôi dậy và cùng lúc ấy, tôi đánh thức ngay các bạn đồng hành:
  • Dậy đi thôi! Hãy thức dậy tất cả để tiếp tục cuộc hành trình.
***


Bây giờ tụi tui đã tới đây rồi, chỉ còn việc tham quan, thưởng thức thắng cảnh thôi. Các vị tiền bối thì ngủ... chưa dậy nổi, rồi thì cũng sẽ tới đây. Vậy ta tạm ngưng ở đây chờ các vi ấy nhé!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét