Từ đỉnh Núi Cấm nhìn xuống dưới. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên trên Wikipedia
Từ xưa đến nay, vùng Thất Sơn - hay Bảy Núi - được hiểu là vùng đồi núi thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Thật ra trong lịch sử đã từng có một huyện mang tên Bảy Núi ở An Giang. Chuyện như sau:
Bắt đầu từ thời Pháp, đã có 2 quận Tịnh Biên và Tri Tôn thuộc tỉnh Châu Đốc. Đến năm 1956, chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm sát nhập tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên thành An Giang, vẫn có 2 quận Tịnh Biên và Tri Tôn thuộc An Giang. Năm 1964, nền đệ nhị Cộng Hòa lại tách Châu Đốc ra khỏi An Giang thành tỉnh riêng, vẫn còn quận Tri Tôn và Tịnh Biên thuộc Châu Đốc, cho đến 1975.
Sau 1975, năm 1976 chính quyền mới lại nhập Châu Đốc trở lại vào tỉnh An Giang, khi đó Tri Tôn và Tịnh Biên thuộc An Giang. Đến ngày 11/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 56-CP hợp nhất huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thành một huyện lấy tên là huyện Bảy Núi. Ngày 23/8/1979, Hội đồng Chính phủ lại ban hành Nghị quyết số 300-CP chia huyện Bảy Núi thành hai huyện lấy tên là huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên,
Như vậy là nhờ sự năng động của chính quyền cách mạng mà 2 quận đang yên đang lành là Tri Tôn và Tịnh Biên bỗng biến thành Bảy Núi trong hơn 2 năm rồi trở lại là Tri Tôn và Tịnh Biên như cũ.
Ngày nay người ta đã xác định vùng Tri Tôn và Tịnh Biên, thêm một phần huyện Thoại Sơn của An Giang có đến 37 ngọn núi chớ không phải 7. Chuyện chọn con số 7 để làm thành Thất Sơn chẳng qua chỉ là... chọn số đẹp mà thôi. Thế nhưng tại sao lại là 7 mà không là 5, là 9?
Về chuyện này có nhiều lý giải lắm, xin kể lại cho... vui!
- Lý giải được nhắc đến nhiều nhất là gắn liền số 7 của Thất Sơn với số 9 của Cửu Long, và câu "Nam thất nữ cửu" của ông bà ta. Như vậy Thất Sơn tượng trưng cho Dương (Nam) và Cửu Long tượng trưng cho Âm (Nữ), tạo nên vùng đất linh thiêng, hài hòa âm dương ở Nam bộ nói chung và Châu Đốc nói riêng.
- Tác giả Trần Anh Thư trong bài “Thất Sơn có từ bao giờ?” đăng trong tạp chí Phát triển nông thôn – số Xuân Canh Thìn năm 2000 – lý giải thêm rằng số 7 này nhằm chỉ Tứ linh (long lân quy phụng) cùng với thế "Voi chầu hổ phục" là 6 linh vật (rồng, lân, rùa, phụng, voi, cọp) cùng tụ họp quanh ngọn núi chúa là Thiên Cấm Sơn. Tổng cộng là 7!
- Tác giả Nguyễn Kim Nương (An Giang) dẫn một cách lý giải khác mà bà được nghe từ một lương y ở An Giang: Sở dĩ có Thất Sơn là vì đã có Tam Đảo (miền Bắc), Ngũ Hành (miền Trung). Cách đặt tên như vậy là dựa theo bảng giải mã Lạc Thư 3-5-7, đó là một dãy số dương nằm từ hướng đông sang tây. Cho nên, Tam Đảo – Ngũ Hành – Thất Sơn có ý nghĩa như một sự tốt đẹp, thống nhất và vĩnh cửu.
- Có ý kiến cho rằng tên gọi Thất Sơn do các đạo sĩ ở vùng núi non này đặt ra từ giữa thế kỷ 19. Đạo giáo quan niệm rằng hình hài núi non, sông bãi trên trái đất đều do các vì tinh tú trên trời quy định. Bảy Núi là biểu hiện của 7 vì tinh tú (Thất tinh): Mặt Trời, Mặt Trăng, Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Hỏa và Sao Thổ. Tuy nhiên, thuyết này bị phản bác bởi vì sự tôn thờ Trời của Đạo Giáo thể hiện việc thờ Cửu diệu tinh quân, tức 9 vị tinh tú kỳ diệu, đó là: Mặt Trời, Mặt Trăng, Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Hỏa, Sao Thổ, Sao Nam Tào và Sao Bắc Đẩu chứ không phải là Thất tinh. Vả lại, chưa thấy có nơi nào tại các vùng ảnh hưởng Đạo Giáo xem núi là tượng trưng của các vì sao.
- Một số tác giả cho rằng số 7 trong Thất Sơn xuất phát từ ý nghĩa của số 7 trong tam giáo (Khổng, Đạo, Phật). Đây là số sanh hóa vô tận và tốt đẹp vô cùng. Cảnh trí cõi cực lạc được làm bằng 7 thứ quí báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não. Gọi “Thất Sơn” là vì ý nghĩa tốt đẹp đó.
Tóm lại là... không tóm được cái gì hết! Mà thôi, tóm lại làm gì? Nhiều lý giải như vậy để khi ngồi tám chuyện thì có nhiều chuyện để tám, đúng không?
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét