Đỉa - dấu hỏi - là con đỉa rồi, còn tổ là gì? Cái tổ hay ông tổ?
Dù là nghĩa nào cũng hơi kỳ kỳ. Chẳng lẽ ngôi chùa này là cái tổ của bầy đỉa hay đây là nơi thờ ông tổ của loài đỉa?
Không, không phải nghĩa nào trong 2 nghĩa đó hết.
Ngôi chùa này có tên chính thức là Long Hưng tự, được xây dựng lần đầu năm 1764 (niên biểu này ghi theo bia Di tích lịch sử tại chùa, nhiều tư liệu ghi 1768, 1794..), là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất ở tỉnh Bình Dương. Câu chuyện kể về cái tên Tổ Đỉa của chùa theo lời kể của các vị sư ở đây như sau:
Vùng đất màu mỡ được dân làng đến trồng trọt, đời sống ấm no. Người dân cùng thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu dựng nên tại đây một ngôi chùa. Thiền sư đặt tên ngôi chùa này là chùa Tổ Long Hưng, nhưng người dân nơi đây ít gọi tên ấy mà hay gọi là chùa Tổ Đỉa để tưởng nhớ đến công ơn của tổ đã giúp đỡ dân làng. Như vậy chữ Chùa Tổ Đỉa có thể hiểu là ngôi chùa của vị Tổ đã trị được đỉa, hoặc là ngôi chùa tổ được xây nên tại Bưng Đỉa.
Về lai lịch thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu, người ta ghi nhận như sau: Tổ Đạo Trung - Thiện Hiếu sinh năm Quý Hợi (1743). Ngài đến vùng bưng (Cầu Định) vào khoảng năm 1768, được dân làng dựng am nhỏ cho tá túc, thiền định. Ngài là vị khai sơn và trùng tu nhiều ngôi chùa như: Linh Sơn trên núi Bà Đen (Tây Ninh); Long Hưng (Bến Cát); Hội Hưng (Củ Chi), Hội Lâm (còn gọi là chùa Bà Tang ở xóm Chùa, xã An Phú). Ngài từng đến hành đạo tại các chùa: Hội Khánh, Long Thọ (Thủ Dầu Một); Hội Sơn (Thủ Đức) và Bửu An (Bến Gỗ, Biên Hoà).
Ngày nay, ngôi chùa là một nơi có khung cảnh thoáng mát, trầm tư và rất khang trang. Khuôn viên chùa rộng 12.660 m vuông. Từ đường chính vào chùa độ khoảng gần 500 mét, không hề còn vùng bưng đỉa ngày xưa nữa.
Ở miền Nam có nhiều ngôi chùa được người dân đặt tên gắn với tên loài vật sống nhiều ở đó, như chùa Dơi ở Sóc Trăng, chùa Cò ở Trà Vinh, chùa Khỉ ở Bà Rịa - Vũng Tàu; nay ta bổ sung vào bộ sưu tập này chùa Tổ Đĩa ở Bình Dương nữa vậy!
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét