19 thg 8, 2013

Xứ vợ vua

Nhắc đến xứ vợ vua, người ta nghĩ ngay đến làng Kim Long ở Huế, với câu ca dao nổi tiếng:

Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi

Người ta nói rằng phụ nữ ở Kim Long rất đẹp, hình như tới bây giờ cũng vậy. Đẹp tới mức vua cũng phải chết mê chết mệt mà lỵ! Còn câu ca dao trên tương truyền là nói về vua Thành Thái, cô gái mỹ miều nói trên là Nguyễn Hữu Thị Nga, được vua đưa vào cung làm quý phi.


Có sách nói rằng cô là người lái đò, có sách nói rằng cô là con một vị quốc công triều Nguyễn. Không biết sách nào đúng, chỉ biết chắc một điều: Đó là cô gái Kim Long xinh đẹp, là vợ vua.


Một cô gái Kim Long khác là vợ vua Đồng Khánh (nghe nói là chị cô Nguyễn Hữu thị Nga).


Hai Ẩu đọc những dòng lịch sử nói trên, chợt nhớ ra còn một xứ vợ vua khác nữa, chỉ có điều là chuyện này chỉ là nghe nói thôi, chứ chưa ai xác nhận.


Xứ đó là Cù lao Phố ở Biên Hòa (tức xã Hiệp Hòa ngày nay).


Cù lao Phố - Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Mấy ông bạn già của Hai Ẩu sống bên cù lao Phố khẳng định như đinh đóng cột là ở đó có một bà vợ (bé) của... cố tổng bí thư Lê Duẩn (coi như vua!). Sau 1975, ông Lê Duẩn có về thăm bà ta. Chuyện này thuộc loại thâm cung bí sử, nên chả có báo chí nào đăng tải, cũng chả ai dám xác nhận. Hai Ẩu cũng nghe qua rồi kể lại thôi, ai hổng tin cũng hổng sao!


Một nhân vật nổi tiếng khác có người tình (hay vợ) ở cù lao Phố là nguyên thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu (cũng là vua)! Cũng mấy ông bạn già bên cù lao Phố của Hai Ẩu khẳng định như vậy. Theo lời mấy ổng, thuở hàn vi Lý Quang Diệu sống tại Biên Hòa và đã có vợ ở cù lao Phố. Chuyện này cũng hổng ai xác nhận. Thậm chí, theo người dân Biên Hòa kể lại thì ông Lý Quang Diệu sinh tại ấp Tân Thành (Sở Cải, Cây Chàm), Biên Hòa, nhưng trong hồi ký của ông Diệu thì ông sinh tại số 92 đường Kampong Java, Singapore. Những bậc lớn tuổi sống ở cù lao Phố nói rằng ông Lý Quang Diệu đã từng cử người về Việt Nam để tìm kiếm người vợ thất lạc (tuy nhiên, sách vở chính thống thì nói rằng ông cho người về tìm một người anh nghèo khó, làm nghề... đạp xích lô!).

Những thông tin kể trên chắc độ chính xác không quá vài phần trăm. Nhưng dù gì cũng là lời truyền miệng của các bậc lão thành, nên kể lại đây cho vui vậy thôi. Hai Ẩu không chịu trách nhiệm với tư cách người phát ngôn, chỉ với tư cách... người nhiều chuyện thôi. Nếu ai có thêm thông tin gì hay hay thì bổ sung nhé!



Hai Ẩu

6 nhận xét:

  1. Cám ơn bác Hai Ẩu, nhở vậy mà mọi người biết dược nhiều chuyện thâm cung bí sử. hi...hi....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ồ, đây chỉ là "chuyện bà Tám" thôi, thật giả không biết đâu mà lần bạn Tâm ạ! :-)

      Xóa
  2. hehehe, toàn là bà bé hông à anh Hai ui

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi hi, vì là bà không chính thức, nên chuyện kể này cũng coi như truyền kỳ ngoại sử...!

      Xóa
  3. Dạ, hồi lúc em còn nhỏ (khi học cấp Hai) thì có nghe ông ngoại (1916-2008) nói rằng " ông Lý Quang Diệu khi trước ở 'cây Chàm' một thời gian" đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy đó 3T. Hầu như người già nào ở Biên Hòa cũng đều khẳng định điều đó. Có điều không hiểu sao tiểu sử Lý Quang Diệu - và ngay cả tự truyện của ông - cũng không hề nhắc gì tới thời kỳ ở VN cả!

      Xóa