20 thg 8, 2014

Chuyện ngày xưa ở biển Hồ Cốc

Hồ Cốc là một bãi biển đẹp, còn khá hoang sơ so với Vũng Tàu, Long Hải. Nếu bạn đã quá quen thuộc với biển Vũng Tàu tấp nập, muốn tìm một nơi thoáng đãng hơn mà không phải đi quá xa về miền Trung thì Hồ Cốc là một điểm hợp lý. Theo đường cao tốc, từ TPHCM đến Hồ Cốc chỉ 120 km thôi bạn à, và đường đi cũng rất tiện lợi.


Đặc trưng của Hồ Cốc: Biển, bãi đá, rừng dương

Đó là hiện nay. Ngày xưa không phải vậy.


Tôi đến Hồ Cốc lần đầu tiên năm 1983. Đi từ Biên Hòa, qua quốc lộ 51 rồi quốc lộ 55 đến Xuyên Mộc (lúc bấy giờ Xuyên Mộc và cả Bà Rịa, Vũng Tàu còn thuộc tỉnh Đồng Nai). Thuở ấy, Xuyên Mộc là vùng kinh tế mới, cái tên Xuyên Mộc gợi nên một vùng đèo heo hút gió. Và thật sự là như vậy, quốc lộ 55 là một con đường đất đỏ, hai bên đường rừng rậm hoang vu, bụi mịt mù. Còn con đường từ quốc lộ 55 ra bãi biển Hồ Cốc dài khoảng 7 km thì là một con đường mòn xuyên rừng chỉ xe Jeep hoặc Uaz mới đi được (cho đến giờ mặc dù đường tốt hơn nhiều nhưng đây vẫn là con đường không tên và đi xuyên qua rừng nguyên sinh Phước Bửu).

Hồi đó tôi 24 tuổi, mới về công ty VT Đồng Nai được vài tháng, tháp tùng anh Bảy P là một cán bộ của công ty đến Hồ Cốc để mua gỗ sao về đóng tàu. Chỉ là đi theo thôi, chẳng biết mô tê chi hết. Chiếc Uáz vượt đường rừng đưa chúng tôi đến nơi thì cả người lẫn xe đều... đổi sang màu đỏ, bụi đỏ!

Thật bất ngờ, giữa rừng hoang vu như vậy có một lâu đài hiện ra. Cái thời năm 83 ấy cả nước đói nghèo, ăn bo bo, có được cái nhà lầu là chuyện phi thường, vậy mà giữa rừng sâu thâm u có một ngôi nhà đồ sộ làm toàn bằng gỗ quý thật là điều không tưởng.

Còn hơn thế nữa, những con người ở đấy ăn chơi sang trọng như những ông bà hoàng - à không, nói cho đúng là như những nhà tư bản cỡ bự. Ở cái thời xe đạp không có mà đi thì những người ở đấy dập dìu xe Cúp bóng lộn (dù đường xá không có, chỉ là đường rừng). Tòa nhà chạy máy phát điện riêng. Đèn đuốc sáng choang, âm nhạc xập xình (nhạc vàng). Và buổi tối thì nhậu tràn cung mây.

Tôi là tà lọt đi theo nên không có việc gì làm cả chỉ xớ rớ rồi đi ra biển chơi, chuyện công việc để người lớn bàn.

Tòa nhà ở sát bãi biển, còn ngay bên bãi biển là rừng dương. Một bên là biển hoang sơ xanh biếc, có những tảng đá lô nhô, một bên là rừng dương xào xạc, đẹp đến nao lòng. Tuy nhiên đây không phải là bãi tắm (thời đó làm gì có bãi tắm ở đây!). Hồ Cốc thời ấy là một trong những nơi sơn lam chướng khí bậc nhất Việt Nam. Tôi được cảnh báo rằng quanh đấy có những hồ, khe suối nước ngọt nhưng chớ có tắm, tắm là bị sốt rét rừng ngay!


Biển Hồ Cốc ngày nay

Tôi được thấy mặt và biết được người chủ cơ ngơi ấy. Ông ta tên Vũ Cao Thanh. Một người rất có dáng... hảo hớn giang hồ, nói cho chính xác hơn là có phong độ của một... tay trùm mafia! Ông ta được gọi là giám đốc, và nghe nói rằng ông ta là đệ tử ruột của một nhân vật rất bự: Mười Vân, giám đốc công an tỉnh Đồng Nai. (Xin nhắc lại, thời điểm đó tỉnh Đồng Nai rất lớn, bao gồm cả Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Giờ, và cả... Hoàng Sa nữa!).

Phi vụ ấy chắc là thành công. Anh Bảy P ngoài việc mua gỗ sao cho công ty hình như còn mua được cho riêng mình nữa. Tôi chẳng biết gì về những chuyện ấy và ôm trong lòng một thắc mắc: nơi đó là gì mà ghê gớm vậy ta?
...

Một năm sau, năm 1984, một vụ án được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử nhà nước cách mạng Việt Nam diễn ra: vụ án T5. Trong vụ án này giám đốc công an tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hoàng Vân tức Mười Vân bị kết tội tham nhũng, chống phá nhà nước và bị kết án tử hình. Cùng bị kết án tử hình với Mười Vân còn có Vũ Cao Thanh, người thân tín nhất của ông ta.

Vụ án này đã từng gây chấn động cả nước vì hậu quả nghiêm trọng của nó. Tóm lược như sau: Thời điểm đầu thập niên 80 làn sóng người vượt biên rất cao, Mười Vân đã cùng với Cao Thanh tổ chức đường dây vượt biên bán chính thức để thu tiền, vàng. Địa điểm đưa người vượt biên chính là biển Hồ Cốc, vì một lý do dễ hiểu: chốn này vắng vẻ! Nghe nói rằng lúc bấy giờ vàng, hột xoàn thu của người vượt biên được tính từng... bao!

Một trong những nhân vật quan trọng trong vụ án này là Kim Anh, vợ bé của tổng thống Nguyễn văn Thiệu. Sau ngày 30/4/75, cô này không ra nước ngoài và bị giam ở nhà lao Tân Hiệp, Biên Hòa (không đi kịp hay cố tình ở lại thì không biết được). Mười Vân say mê sắc đẹp của Kim Anh, thả cô ra, cô trở thành tình nhân của ông ta và được Mười Vân giao cho cùng với Cao Thanh tổ chức đường dây vượt biên ở Hồ Cốc để thu tiền vàng.


Bà Mai Anh, phu nhân tổng thống Nguyễn văn Thiệu lúc về già (bên trái). Ảnh: phaply.net.vn, trên đó ghi nhầm rằng đây là bà Kim Anh.

Các tài liệu của Việt Nam sau này nói rằng Kim Anh là gián điệp CIA cài lại. Không biết có phải do tác động của cô hay không mà với cương vị giám đốc công an Đồng Nai, Mười Vân đã bắt và tra tấn rất nhiều cán bộ cao cấp của Đồng Nai, trong đó có ông Năm Trang, bí thư thành ủy Biên Hòa, Ba Lan, bí thư Vũng Tàu... Ông Năm Trang, sau này là bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, bị buộc tội là CIA nằm vùng. Hơn 20 năm sau, trong hồi ký của mình ông Năm Trang cay đắng kể lại thời kỳ bị vu oan giam mấy năm trong tù và khá nhiều đồng chí của ông đã bị Mười Vân lừa bịp cùng lên án buộc tội ông.

Cũng theo tài liệu vụ án, Mười Vân dự định sau khi phá hoại hàng ngũ lãnh đạo Đồng Nai và gom được nửa tấn vàng sẽ cùng Kim Anh sang Mỹ sống hạnh phúc. Ông ta đã tổ chức cho Kim Anh vượt biên sang Mỹ trước, còn mình sẽ thu xếp đi sau. Nào ngờ khi Kim Anh sang tới Mỹ rồi thì gửi chứng cứ, hồ sơ về cho Nhà nước ta tố cáo tội ác của Mười Vân. Từ đó vụ án Mười Vân đươc phanh phui ra.

Về Kim Anh, các tài liệu của Việt Nam gọi bà là hồ ly tinh, là gián điệp CIA cài vào để phá hoại Việt Nam, có tài liệu còn nói trong hồ sơ gởi về tố cáo Mười Vân bà viết: "cảm ơn nhà nước Việt Nam đã xài những người như Mười Vân để tôi có cơ hội phá hoại đất nước Việt Nam". Tuy nhiên, tôi nhớ rằng thời đó dư luận trong dân chúng dành nhiều thiện cảm cho bà, cho rằng bà là một nữ anh thư nén lòng dùng khổ nhục kế chờ cơ hội để tố cáo kẻ tàn bạo. 

Vậy là tôi đã có câu trả lời tại sao vùng rừng Hồ Cốc hoang vu ma thiêng nước độc lại có một tòa dinh thự nguy nga, lại có những con người giàu sang vung tiền như nước. Tôi cũng đã có câu trả lời nhân vật Cao Thanh là ai.

Bây giờ Hồ Cốc không còn là nơi sơn lam chướng khí, ma thiêng nước độc nữa mà là khu du lịch xinh đẹp. Tòa dinh thự ngày xưa không biết giờ nơi đâu, chỉ biết nơi đây giờ là những resort sang trọng, đầy đủ tiện nghi.



Khi những đứa trẻ này sinh ra thì vụ án Mười Vân đã đi vào quá khứ. Chúng lớn lên khi đất nước đã vào thời kỳ khác. Hồ Cốc của một thời -  vàng, máu và nước mắt, của những đoàn người cay đắng vượt biên - đã qua đi...

Mới đó mà đã ba mươi năm rồi...




Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét:

  1. Lâu quá ko vô thăm nhà anh.
    Nay vô coi nhiều bài, ko ngờ gặp bài này. Giống như chuyện đường rừng của Thế Lữ vậy!
    Vụ này trước đây tui có nghe loáng thoáng, còn bà Kim Anh - vợ bé ông Thiệu - thì ko biết.

    Nhưng mà, tấm hình trên là của bà vợ lớn (bà Mai Anh) chứ ko phải bà vợ bé đâu anh. Bà Mai Anh đi cùng ông Thiệu trước 30/4/75 rồi. Hình này chụp lúc đám tang của ổng. Hình bà Kim Anh thì không thấy đâu.

    Trả lờiXóa