Gọi tên là chùa Bún Riêu, chùa Bánh Xèo vì các nơi ấy đãi khách hành hương (miễn phí) món bún riêu, bánh xèo rất ngon - riết rồi chết tên luôn. Nhiều người vô đó ăn bún riêu, bánh xèo mà... không hề biết tên chính thức của chùa là gì!
Chùa Bánh Xèo (Ni viện Thiện Hòa) nằm ở phía sau Đại Tòng Lâm Tự, hướng từ Vũng Tàu về Sài Gòn thì nằm bên phải quốc lộ 51. Bạn có thể vào đây bằng 1 trong 2 cách:
- Đi qua cổng Đại Tòng Lâm rồi rẽ phải đi theo con đường nhỏ khoảng 1 km, bạn sẽ đi ngang qua rất nhiều chùa, đến ngôi cuối cùng là Ni viện Thiện Hòa. Khá dễ nhận ra nơi này vì phía ngoài cổng chùa có nhiều xe đậu để khách vào... ăn bánh xèo. Đường này nhỏ, xe máy và xe 7 chỗ, 12 chỗ đi được.
- Qua khỏi cổng Đại Tòng Lâm có một con đường khá rộng, có bảng đề Trường Phật học Đại Tòng Lâm, rẽ phải vào con đường này, đi đến cuối đường lại rẽ phải thì đến Ni viện Thiện Hòa. Đường này lớn, xe khách 40 - 50 chỗ vào được.
Cổng Ni viện
Bước qua cổng, dễ dàng nhìn thấy Thanh Lạc Trai phía tay trái, nằm cạnh Lâm Tỳ Ni viên xinh đẹp.
Gọi là chùa Bánh Xèo vì ở đây đặc sắc nhất là món bánh xèo, nhưng Thanh lạc trai còn có nhiều món khác: cơm chay, bánh tét chay, bún chay... Tất cả đều miễn phí và... ăn bao nhiêu cũng được. Bạn cứ tưởng tượng rằng mình đang đi ăn buffet, tự động lấy chén đĩa, muỗng và đến từng quầy thức ăn để nhận thức ăn. Muốn ăn món nào thì lấy món ấy, ăn hết còn bụng thì lại ăn tiếp. Chỉ khác buffet ở chỗ là bạn không hề phải trả tiền!
Quầy bún
Quầy bánh xèo
Và... ăn. Tuy rằng miễn phí, nhưng ăn rất ngon.
Người cơm, kẻ bún, kẻ bánh xèo, ăn ngon lành.
Nơi phát thức ăn tươm tất, sạch sẽ, và điều đáng nói là dù rất vất vả, liên tục chiên bánh xèo hay múc bún cho khách nhưng những người phục vụ luôn hòa nhã và rất nhiệt tình chứ không hề gắt gỏng chút nào. Có một phụ nữ lấy bánh xèo đến lần thứ... n, người phát bánh chỉ cười cười nói nhỏ nhẹ: Chị ơi, hình như chị lấy tới mấy lần rồi đó ạ!
Nếu bạn chỉ có tâm hồn ăn uống thì cứ ăn thôi, không sao cả. Nhưng nếu bạn thích ngoạn cảnh, chụp hình thì khung cảnh nơi đây thật lý tưởng đó bạn.
Cạnh Thanh lạc trai là vườn Lâm Tỳ Ni, và sát đó là một cây sa la trĩu quả.
Vườn Lâm Tỳ Ni
Bên cạnh vườn Lâm Tỳ Ni là vườn tượng Quan Thế Âm Bồ Tát
Nếu bạn là Phật tử và có lòng thành thì vào chùa lễ Phật. Bằng không thì cũng xin cho tui nói vài lời về ni viện này nhé, chứ nếu vào chùa mà chỉ nói chuyện ăn và dạo chơi không thì tui thấy cũng hơi... tội lỗi!
Mặt tiền Ni viện Thiện Hòa
Mặt bên Ni viện Thiện Hòa
Chánh điện Ni viện Thiện Hòa
Thanh lạc trai ở Ni viện Thiện Hòa đãi khách suốt ngày và tất cả các ngày trong năm, ngày lễ lớn như Vu lan, Phật đản, ngày Tết lại càng đãi nhiều khách hơn nữa. Chỉ tính riêng phần bánh xèo, mỗi ngày lễ Tết ni viện phải sử dụng đến hơn một tấn bột!
Khách đến dùng bữa miễn phí, có cúng dường hay không tùy hỉ, chùa đều hoan hỉ tiếp đón. Vậy lấy đâu ra chi phí để chùa trang trãi? À, đó là chuyện của nhà chùa. Triết lý nhà Phật có nói: Cho là nhận.
Nếu bạn vừa đến một khu vui chơi nghỉ mát nào đó ở Vũng Tàu, Long Hải và bực mình vì bị chặt chém đến từng li từng tí, vì những ánh mắt thiếu thiện cảm của những người phục vụ quá coi trọng đồng tiền thì trên đường về hãy ghé thử chùa Bánh Xèo xem sao. Bạn sẽ thanh thản ngay thôi mà!
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét