Chùa Tây Phương có bố cục hình chữ Tam. Ảnh: www.phuot.vn
Coi kỹ hơn, thì ra là như thế này:
Chùa chữ Đinh (丁), có nhà chính điện hay còn gọi là thượng điện, là nhà đặt các bàn thờ Phật, được nối thẳng góc với nhà bái đường hay nhà tiền đường ở phía trước. Hic, hóa ra chữ Đinh (丁) là vậy, sao không kêu là chữ T cho nó dễ hiểu nè trời!
Chùa chữ Công (工) là chùa có nhà chính điện và nhà bái đường song song với nhau và được nối với nhau bằng một ngôi nhà gọi là nhà thiêu hương, nơi sư làm lễ. Quỷ thần ơi, đây là chữ I hoa chớ có gì lạ đâu mà kêu là chữ công cho khó hiểu kia chứ!
Chùa chữ Tam (三) là kiểu chùa có ba nếp nhà song song với nhau, thường được gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Đành rằng chữ Tam là 3 gạch nhiều người biết, nhưng cứ kêu là chùa 3 nếp song song có phải rõ ràng hơn không?
Chùa kiểu Nội công ngoại quốc là kiểu chùa có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường (có thể là nhà tổ hay nhà tăng) ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, nhà thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa. Bố cục mặt bằng chùa có dạng phía trong hình chữ Công (工), còn phía ngoài có khung bao quanh như chữ khẩu (囗) hay như ở chữ Quốc (国). Tóm lại là bố cục mặt bằng là hình vuông bên trong là chữ I hoa. Có vậy mà cũng làm ra vẻ rắc rối!
Đã đành là những thuật ngữ như trên đã được đặt ra từ ngày xưa, thuở các cụ chưa có chữ Quốc ngữ mà chỉ biết chữ Hán nên dùng nó để tượng hình, thế nhưng đến thời nay có nhất thiết lệ thuộc chữ Hán một cách không cần thiết (và gây khó hiểu) như thế hay không?
Nhìn sang lãnh vực xây dựng hiện giờ, với thép xây dựng người ta gọi tên nó theo tiết diện, như thép chữ I, thép chữ T, thép vuông... chớ có ai kêu là thép chữ công, thép chữ đinh, thép chữ khẩu đâu?
Đây là thép chữ I hay thép chữ Công?
Hoặc cái này, bạn gọi nó là cút chữ T hay cút chữ đinh?
Nói vậy thôi chứ tui không dám lạm bàn cùng các nhà chuyên môn đâu nhá, các vị thích chữ gì thì tùy, đinh - công - tam - khẩu chi cũng được. Riêng tui, nếu có viết gì tả cảnh chùa thì xin chịu chết, không xài mấy chữ Tàu đó đâu, vì tui dốt tiếng Tàu mà!
Phạm Hoài Nhân
Người xưa gắn bó với chữ Hán và chữ Nôm cả ngàn năm và kiến trúc theo bố cục mặt bằng có dạng chữ gì thì đã quy ước với nhau từ trước nên chả có gì phải thắc mắc. Không lẽ vì chữ quốc ngữ mà sửa lại bố cục mặt bằng mà ngày xưa cha ông ta đã cùng nhau gọi, cùng nhau ghi chép để cho thế hệ mai sau nó hiểu. Chứ ai có ngờ bọn phương Tây qua chơi ngu dân và đồng hóa bằng chứ chữ La Tinh vô hồ đâu, báo hại con cháu chả biết gì về chữ Nôm mà đốt sạch sách vở.
Trả lờiXóa