Người ta thường nói: đi chơi Bửu Long, leo núi Bửu Long, đi chùa Bửu Long... Ờ, thật ra nói như vậy nghĩa là sao nhỉ?
1. Bửu Long
Ở Biên Hòa chỉ có 1 địa danh Bửu Long, đó là phường Bửu Long. Xa hơn về trước, từ cuối thế kỷ 19, đây là làng Bửu Long. Dĩ nhiên khi nói đi chơi thì không phải là đi chơi phường Bửu Long rồi (hổng lẽ tới thăm UBND phường), mà chính xác là người ta nói đi đến khu du lịch Bửu Long (nằm trên địa bàn phường Bửu Long, Biên Hòa). Bản đồ khu du lịch Bửu Long được giới thiệu trong hình sau (click vào để phóng to).
2. Núi ở Bửu Long
Người ta nói leo núi Bửu Long. Ở Bửu Long có 2 ngọn núi, một nằm trong khuôn viên khu du lịch Bửu Long, một nằm ở ngoài. Cụ thể là theo bản đồ trên, bạn đi theo đường Huỳnh văn Nghệ đến hết phạm vi khu du lịch Bửu Long và rẽ phải theo đường Võ Trường Toản (hướng đi tới văn miếu Trấn Biên) thì phía bên phải đường là một ngọn núi (trong khuôn viên khu du lịch), còn phía bên trái là một ngọn núi khác (ngoài khuôn viên khu du lịch).
Trong 2 núi ấy đâu là núi Bửu Long?
Núi trong khu du lịch tên là núi Long Ẩn. Nơi đây người ta phá đá nên tạo thành hồ gọi là hồ Long Ẩn.
Núi bên ngoài tên là núi Bình Điện.
Người xưa ví con sông Đồng Nai chảy qua Biên Hòa là con rồng (ẩn) mà đầu của nó là núi Long Ẩn và miệng rồng ngậm một hòn ngọc châu, đó là núi Bình Điện.
Tóm lại là không có núi Bửu Long. Có khi người ta thuận miệng gọi tên núi nằm trong khu du lịch Bửu Long là núi Bửu Long, nhưng thật ra vậy là không đúng tên.
3. Chùa ở Bửu Long
Người ta nói đi chùa Bửu Long. Ấy là nói tắt thôi, ý là nói đi chùa ở 2 ngọn núi khu vực Bửu Long. Mỗi ngọn núi này có một ngôi chùa nổi tiếng. Trên núi Bình Điện là Bửu Phong cổ tự, ngôi chùa cổ trên 300 năm. Trên núi Long Ẩn là chùa Long Sơn Thạch Động, còn gọi là chùa Hang.
Chùa Bửu Phong
Lân cận 2 ngôi chùa lớn này còn có những ngôi chùa khác, như cạnh chùa Bửu Phong có Tịnh xá Bửu Pháp, cạnh chùa Long Sơn Thạch Động có chùa Long An, chùa Linh Sơn... Còn khi đi ngoạn cảnh trong khuôn viên khu du lịch người ta sẽ thấy một ngôi chùa nhỏ khá đẹp, đó là Tịnh thất Phổ Hạnh.
Dù trên núi có nhiều chùa như thế nhưng không có chùa Bửu Long ở khu du lịch Bửu Long. Trên một số bản đồ ghi chú chùa Bửu Long trong khu du lịch Bửu Long là sai, đó là vị trí chùa Long Sơn Thạch Động. Còn ngôi chùa lớn, mang tên chính thức là Bửu Long thì có, nhưng ở quận 9 TPHCM! Đây là ngôi chùa của Phật giáo nguyên thủy rất đẹp và uy nghi, và điều đáng nói là tên Bửu Long của ngôi chùa ấy có liên quan mật thiết với vùng đất Bửu Long của Biên Hòa, Đồng Nai (xem chi tiết tại đây).
4. Hồ ở Bửu Long
Ở khu du lịch Bửu Long có hồ Long Ẩn. Đúng, nhưng chưa đủ. Ở đây có đến 2 hồ: hồ Long Ẩn và hồ Long Vân, như bạn có thể thấy rõ trên bản đồ. Sở dĩ người ta chỉ biết và nhắc đến hồ Long Ẩn là vì nó to hơn, gần hơn khi ta đi từ cổng chính vào, và đã được xây dựng nhiều tiểu cảnh, các dịch vụ như đi ca nô, đạp thiên nga... cũng có ở hồ này.
Muốn đến hồ Long Vân bạn phải đi khá xa. Thế nhưng nếu ai yêu thích vẻ hoang sơ tự nhiên thì có lẽ đây sẽ là điểm đến lý thú hơn nhiều. Đáng nói nữa là như bạn thấy trên bản đồ, hồ Long Vân có vị trí khá gần với đường lộ quanh khu du lịch, vì thế bạn có thể không cần mua vé vào đây mà vẫn có thể chụp được những pô hình khá đẹp.
Hồ Long Ẩn. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Hồ Long Vân. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét