Buổi sáng hôm sau, từ Cần Thơ chúng tôi sang Long Xuyên theo lời mời của một người bạn.
Anh đề nghị tôi cho xe qua Tri Tôn để anh thăm nhà, và thăm mộ thân sinh nhân dịp tiết thanh minh.
Tri Tôn là một huyện nghèo của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt - Miên. Ấp Ba Chúc thuộc huyện Tri Tôn là nơi đã từng xảy ra một vụ thảm sát kinh hoàng vào đêm 18/4/1978. Theo ghi nhận, ngày đó Khmer đỏ đã tàn sát 3.157 người dân của ấp.
Anh dắt tôi đến Nhà mồ Ba Chúc, nơi trưng bày hàng ngàn đầu lâu của những người dân vô tội đã bị thảm sát trong sự kiện này.
Tôi lạnh toát cả người. Hỏi vì sao anh có thể thoát chết trong vụ thảm sát, anh kể rằng lúc ấy anh đang đi học ở Long Xuyên, lúc được trở về Ba Chúc thì tất cả còn lại chỉ là sự kinh hoàng, thảm khốc.
Anh mồ côi từ đó.
Trong hoàn cảnh côi cút ấy, anh quyết tâm học tập, tốt nghiệp đại học. Anh làm kế toán trưởng cho một công ty liên doanh ô tô vào loại lớn nhất nước. Sau đó anh làm đại diện cho một công ty tin học lớn của Việt Nam tại Hồng Kông. Và bây giờ, anh đang làm giám đốc một công ty máy tính lớn ở TPHCM.
Anh dắt tôi đến chùa Phi Lai. Ngôi chùa mà theo lời anh kể, khi thảm sát xảy ra người dân đã trốn chạy vào đấy để tìm sự an lành, và cũng ở đó họ đã bị xả súng vào người, xác chết la liệt dưới bàn thờ Phật. Mấy ngày sau, máu còn ngập sân chùa lên cả tấc.
Anh mời tôi trò chuyện với sư trụ trì chùa. Ở đây không phải chùa Phật, mà là chùa của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Đức Bổn sư Ngô Lợi sáng lập. Tứ Ân Hiếu Nghĩa lấy bốn ân làm trọng là ân cha mẹ tổ tiên, ân đất nước, ân đồng bào, ân tam bảo. Người theo đạo đi chân trần, mặc áo đen, tóc búi.
Tôi ngờ ngợ một điều, hỏi anh: Anh theo đạo Phật, Công giáo hay…?
Anh trả lời: Anh đoán đúng, tôi không phải tín đồ Phật giáo hay Công giáo. Đạo của tôi chính là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Mỗi tối tôi vẫn tụng kinh riêng của Đạo.
Thật bất ngờ, nếu không có dịp đi cùng anh về Ba Chúc tôi sẽ không thể biết được vị giám đốc sang trọng này đây, người đã từng làm việc với nước ngoài này đây lại có một tuổi thơ bi thảm đến thế, và là một người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa!
Bất ngờ hơn nữa khi tôi cùng về đến nhà anh. Khu nhà của họ hàng anh, những người còn sống sót sau vụ thảm sát, nằm dưới chân núi Tượng. Đường nhỏ quanh co khó đi, xe hơi không thể vào. Người dân lam lũ, chất phác. Tôi cùng anh thắp hương trên những nấm mồ tổ tiên của anh trong nghĩa trang lặng vắng.
Tôi bấm điện thoại liên lạc với đối tác ở Long Xuyên để báo rằng sẽ đến trễ vì bận việc. Vô phương, điện thoại không có sóng!
____
Công ty máy tính của anh hoạt động được mấy năm thì suy sụp.
Anh giải thể công ty, thành lập lại một công ty nhỏ hơn để tiếp tục hoạt động.
Và rồi lại tiếp tục thất bại.
Anh đóng cửa công ty, đi thật xa, thật xa, tìm một công việc làm ăn khác.
Theo như tôi biết, anh vẫn đang rơi vào những thất bại. Thật đáng buồn.
__
Anh ạ,
Từ trong những bi thảm khốn cùng của cuộc sống, anh đã vươn lên để đạt đến những thành công.
Từ vinh quang của những thành công, sự nghiệt ngã của thương trường lại vùi anh xuống bùn đen.
Cuộc đời là tang thương dâu bể.
___
Hàng ngày ta đọc qua những trang báo, ta thấy nào là sự kiện, nào là PR, marketing; ta thấy những con số hiệu quả kinh doanh, những dự án quy mô. Đằng sau những event, những con số có những điều mà hiếm khi ta thấy được, đó là Số phận của những con người!
Công ty tổ chức sự kiện nào tổ chức những biến cố xảy ra trong đời mỗi con người nhỉ?
Phạm Hoài Nhân - 10/2010
(Viết để nhớ về một người bạn, anh NVN)
Cảm giác thật ngậm ngùi!
Trả lờiXóa