Chụp ảnh lưu niệm cùng những người bán vé số và đại lý vé số
Không biết các bạn thì sao, chứ đối với tui một trong những nỗi-bực-mình-triền-miên là bị mời mua vé số! Tưởng tượng coi, đang ngồi uống cà phê bàn luận say sưa với bạn bè (hoặc tâm tình với bạn gái) bỗng có ai khều vai mình, quay lại coi người quen nào thì té ra là một thằng nhóc lem luốc đang kể lể: Chú ơi chú, mua dùm con mấy vé đi chú, số 35 con dê nè chú! Hừ, con gì chứ? Tui thề là trừ số 35 là con dê thì số mấy là con gì tui… biết chết liền! Làm người ta cụt hứng!
Hoặc một buổi trưa nắng, đang đi ngoài đường bỗng xe hết xăng, hì hục đẩy xe vào cây xăng đổ xăng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, lục tìm trong túi coi còn bao nhiêu tiền lẻ để trả tiền bỗng từ đâu chui lên một bà già níu áo: Cậu Hai mua dùm bà già mấy vé đi, số 17, số xe của cậu Hai nè! Trời ơi, hổng đủ tiền đổ xăng nè, ở đó mà mua vé số. Mà số xe lộc phát của mấy ông PMU18 tui còn hổng quan tâm nữa là, huống hồ cái số xe 17 cà tàng của tui!
Một bà già bán vé số
Vậy đó, nhưng chị tui là chủ một đại lý vé số. Như những cơ quan – công ty khác, thường tổ chức cho nhân viên hoặc khách hàng thân thiết đi nghỉ mát, dịp đầu năm này chị cũng tổ chức đi nghỉ mát cho nhân viên – cộng tác viên. Mà nhân viên của chị là ai chứ? Là mấy bà già bán vé số chớ ai! Và nếu là mấy bà già bán vé số thì họ sẽ thích đi “nghỉ mát” ở đâu nhứt? Ở miếu bà Chúa Xứ tại Núi Sam, Châu Đốc!
Chị rủ tui cùng đi, vậy là tui có một chuyến hành hương cùng mấy bà già bán vé số! Và thế là bạn sẽ được nghe tui kể những chuyện tản mạn về những người bán vé số này.
Một ông già bán vé số
Bà già tóc bạc trắng, trên 70 tuổi, có một người con ở trong trại cai nghiện. Bà một thân một mình đi bán vé số kiếm tiền gửi vào trại nuôi con. Nghe nói ông ta đã từng ra trại, nhưng lại chứng nào tật nấy, quậy tưng lên, mình bà không trị nổi nên chỉ mong ông “được” ở trong trại luôn cho… yên tâm. Tôi hỏi thêm thì được biết bà không có chồng, ở vậy nuôi con từ ấy đến giờ - một mẹ một con, côi cút. Tôi tưởng tượng nửa thế kỷ trước, có một nàng thiếu nữ yêu với một tình yêu nồng cháy, dâng hiến tất cả. Rồi người đàn ông ra đi biền biệt. Kết quả của mối tình ấy 50 năm sau là thế này đây! Kết luận: Mỗi bà già bán vé số là một cảnh đời éo le, ta hãy thương thay vì bực mình họ.
Cúng ở miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc
Heo quay cúng ở miếu Bà
Không chỉ có miếu Bà, đoàn người còn đi nhiều chùa nữa trong đêm. Đi bộ. Khỏi nói cũng biết tui mỏi chân và mệt, trong khi mấy bà già 70 tuổi thì… khỏe re! Chị tui cười nói: Mấy bà già đi như vậy thì chẳng thấm gì, vì mỗi ngày mấy bả phải cuốc bộ đi bán vé số ít ra là 25 đến 30 cây số. Té ra là vậy. Kết luận: Nếu bạn muốn khi 70 tuổi vẫn còn khỏe mạnh thì hãy tập đi bán vé số mỗi ngày 25 – 30 cây số.
Vào bữa cơm khuya, khi mấy bà già bán vé số đang ăn cơm thì mấy thằng nhóc bán vé số tới mời… mua vé số (dĩ nhiên là chúng nó không biết rằng đây là các đồng nghiệp thuộc hàng “sư phụ”).
Bạn tưởng tượng xem, các bà già bán vé số sẽ phản ứng thế nào?
Bực mình đuổi đi vì mình đã là người bán vé số rồi mà nó còn mời mình… mua vé số?
Thông cảm với người đồng cảnh ngộ và mua dùm vài tấm làm phước?
Không, bạn ạ. Bà già bán vé số cũng mua vài tờ vé số như bạn hoặc tôi đôi khi vẫn mua. Không bực mình vì bị mời chào, nhưng cũng không phải thông cảm. Bà mua tấm vé số là mua một niềm hy vọng.
Không, bạn ạ. Bà già bán vé số cũng mua vài tờ vé số như bạn hoặc tôi đôi khi vẫn mua. Không bực mình vì bị mời chào, nhưng cũng không phải thông cảm. Bà mua tấm vé số là mua một niềm hy vọng.
Nếu bạn là người bán máy tính, bạn sẽ không mua máy tính từ các cửa hàng máy tính khác (mà chỉ mua từ nhà cung cấp chính). Nếu bạn là người bán bàn ghế, bạn chỉ mua bàn ghế từ cửa hàng khác nếu nó là thứ mà cửa hàng của bạn không làm được. Còn tờ vé số? Nó giống y như nhau. Giá cả cũng vậy.
Kết luận: Vé số là một loại hàng hóa đặc biệt, nó là niềm hy vọng, là sự may mắn. Người ta có thể là tổng đại lý vé số, nhưng tổng đại lý cho sự may mắn chỉ có thể là… ông Trời!'
Khoảng 3 giờ sáng thì đoàn người chẳng ngủ nghê gì lại tiếp tục lên đường theo hướng Cà Mau để viếng mộ cha Trương Bửu Diệp (tương truyền rất linh thiêng) ở nhà thờ Tắc Sậy. Phải quay về Cần Thơ, sang Sóc Trăng rồi đến Bạc Liêu, từ Bạc Liêu chạy đến gần ranh giới Bạc Liêu và Cà Mau là Tắc Sậy. Đoạn đường khoảng trên 200 cây số. Mọi người muốn đi sớm để kịp lễ nhà thờ.
Kết luận: Vé số là một loại hàng hóa đặc biệt, nó là niềm hy vọng, là sự may mắn. Người ta có thể là tổng đại lý vé số, nhưng tổng đại lý cho sự may mắn chỉ có thể là… ông Trời!'
Khoảng 3 giờ sáng thì đoàn người chẳng ngủ nghê gì lại tiếp tục lên đường theo hướng Cà Mau để viếng mộ cha Trương Bửu Diệp (tương truyền rất linh thiêng) ở nhà thờ Tắc Sậy. Phải quay về Cần Thơ, sang Sóc Trăng rồi đến Bạc Liêu, từ Bạc Liêu chạy đến gần ranh giới Bạc Liêu và Cà Mau là Tắc Sậy. Đoạn đường khoảng trên 200 cây số. Mọi người muốn đi sớm để kịp lễ nhà thờ.
Có người vô nhà thờ. Có người sang mộ cha Diệp, kính cẩn khấn nguyện.
Ở đây, những bà già - ông già vừa hết mực thành kính khấn vái trước miếu thờ bà Chúa Xứ thì bây giờ cũng hết mực thành kính quỳ khấn vái trước mộ Cha. Kết luận: Các bà già bán vé số tin là tin, không cần biết đến tôn giáo đó là gì.
Trưa hôm ấy xe lại quay về Sài Gòn. Tới nơi lúc 12 giờ khuya.
Vậy là xong chuyến hành hương kéo dài một ngày rưỡi, từ 12 giờ trưa thứ bảy đến 12 giờ khuya chủ nhật. Đi và về trên một đoạn đường khoảng 1000 cây số, không ngủ, và... không tắm. Tui thấy mình đờ đẫn, mặt như cú, hôi như... heo! Còn mấy bà bán vé số thì mặt mày vẫn thơ thới, hân hoan. Chắc mấy bả được Bà và Cha độ! Kết luận: Có niềm tin thì hành hương là... hành hương, còn không có thì đó là... hành xác!
Vậy là có rất nhiều điều để nói lan man quanh những người bán vé số. Đọc bài này xong, liệu bạn có suy nghĩ rằng hôm nào tui với bạn thử đi bán vé số vài ngày xem có gì thú vị hay chăng?
Phạm Hoài Nhân
Mùa Xuân năm 2005
Tình cờ đọc được bài này thấy cũng hay hay! ^_^ Có khi cầm cả tỷ trong tay mà không biết ấy chứ!
Trả lờiXóa