29 thg 5, 2013

Lá rụng về cội (Thăm mộ đốc phủ Võ Hà Thanh)

Võ Hà Thanh sinh năm 1876 xuất thân từ một gia đình nghèo ở Quảng Ngãi, theo cha vào Biên Hòa từ khi còn nhỏ. Sinh thời, ông làm đủ mọi nghề để sinh sống: làm thuê, mở hầm khai thác đá, làm nghề xây dựng, lập đồn điền cao su… và dần dần trở nên giàu có, trở thành chủ đồn điền lớn của Tỉnh Biên Hòa, trở thành đốc phủ sứ và được chính phủ Pháp tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh đệ ngũ đẳng.

Sau khi tìm về ngôi nhà nổi tiếng một thời của ông (xin đọc Cuốn theo chiều gió) - nay là nhà thờ họ - tôi lần dò tìm đến mộ ông để kính viếng một bậc lão thành.

Trên đường vào Văn miếu Trấn biên, nhìn bên tay phải có một tấm bảng khiêm tốn đề "Nghĩa trang Võ Hà". Nghĩa trang này chôn cất nhiều người trong dòng họ Võ Hà, trong đó có mộ ông: Đốc phủ sứ Biên Hòa Võ Hà Thanh.


Mộ ông và bà nằm bên nhau. Một kiến trúc đá thật đẹp. Nghiêm cẩn mà không phô trương. Tính nghệ thuật và trang trọng hòa quyện vào nhau, Dĩ nhiên là cả nét cổ kính nữa (ông mất năm 1947, bà mất năm 1952, mộ được xây năm 1952).



Sử liệu nói về ông không nhiều, chỉ vài dòng như ở trên. Có lẽ phần nào bởi những định kiến về một người làm việc cho Pháp đến chức đốc phủ sứ, lại được chính phủ Pháp tặng Bắc đẩu bội tinh. Đối với dân gian thuở ấy, những chức danh ông đốc phủ, ông hội đồng thường gắn với những tay trọc phú, hà hiếp dân nghèo, như vẫn thường thấy trong tiểu thuyết, phim ảnh.



Thế nhưng tôi tin rằng ông là một người đáng kính, và có công lao xây dựng nên Biên Hòa như ngày nay. Thời thế khiến ông không đi làm cách mạng mà lại làm việc cho bộ máy cai trị của Pháp, nhưng không vì thế mà ta lại phủ nhận những điều ông đã làm được trong đời mình với tư cách một Con Người.

Con cháu ông hầu hết đã đi nước ngoài sau sự kiện năm 1975, nhưng đa số đều là những người trí thức, đáng trọng.


Khu mộ dòng họ Võ Hà nghệ thuật mà không phô trương (như một số lăng mộ thời nay). Dù rằng đây không hề là một di tích lịch sử hay một danh lam thắng cảnh của Đồng Nai (vì những lý do như đã nói ở trên), nhưng nếu có lần nào đến thăm Văn miếu Trấn Biên bạn hãy ghé qua kính viếng phần mộ của ông. Để chiêm ngưỡng những kiến trúc đá nghệ thuật, và để lặng suy tư về những cuộc đời...

Một vài mộ khác trong nghĩa trang Võ Hà:




Cổng vào nghĩa trang Võ Hà


Cổng vào nghĩa trang Võ Hà, xa bên trái là Văn miếu Trấn Biên


Phạm Hoài Nhân
Tháng 3/2011

4 nhận xét:

  1. Biên Hòa cũng nhiều di tích nhỉ?có dịp thế nào cũng đến chiêm ngưỡng !cảm ơn anh Nhân!

    Trả lờiXóa
  2. lại biết thêm một điều mới từ blog của anh :)

    Trả lờiXóa