15 thg 4, 2013

Quê nội và những mảnh vụn thời gian

Quê nội tôi ở thôn An Trinh, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

Về Bình Định đã nhiều lần, nhưng năm nay mới là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Phù Mỹ. Nửa thế kỷ đã qua trong đời người.

Đường về quê Phù Mỹ

Chị họ tôi kể: Ngày ấy, ông nội em đang nhổ mì (nhổ cây khoai mì để lấy củ) thì nghe tiếng còi tàu vọng đến. Ông dừng tay, trầm ngâm nghĩ ngợi rồi chạy về nhà nói với ông nội chị: Anh Ba ơi, sống ở đây cực khổ đói nghèo quá, em nhảy tàu vô Nam lập nghiệp đây. Nói xong, chỉ với bộ bà ba và cái khăn quàng cổ ông chạy ra ga, theo tàu vô Nam. Ông ra đi từ đó!

Tôi cười, nghe như phim. Những chi tiết nhỏ có lẽ do con cháu đời sau thêm thắt, nhưng điều lớn nhất và là sự thật là ông nội tôi đã bỏ thôn An Trinh ra đi từ đó để vào lập nghiệp ở Long Khánh, Đồng Nai. Đó là đầu những năm 30 của thế kỷ trước, lúc ông mới ngoài 20 tuổi. Ông làm đủ nghề: phu đồn điền điền cao su, làm rẫy, trồng cà phê... thậm chí lái xe lửa (chở than cho đồn điền).

Non 80 năm đã trôi qua. Ông nội đã sinh ra thế hệ ba tôi, chú tôi, rồi đến lượt chúng tôi trên mảnh đất đỏ ba-zan Long Khánh. Và bây giờ là anh em tôi đang sinh sống tại Biên Hòa.

Ông nội tôi thứ Tư, ngoài này gọi là Bốn, ông Bốn, chú Bốn, anh Bốn. Anh của ông thứ Ba. Vậy là ông nội Ba của tôi còn ở lại Phù Mỹ. Những người con của ông sinh ra và lớn lên ở Phù Mỹ, Bình Định. Rồi cũng tứ tán bốn phương.

Xã Mỹ Cát - Phù Mỹ

Người con thứ Tư, không hiểu vì lý do gì, bị Việt Cộng giết hồi thập niên 60. Giết chồng, giết vợ. Và nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, họ tìm giết luôn những đứa con. Ba đứa trẻ mồ côi bỏ quê lưu lạc, mỗi người một phương. Một trong ba người con ấy giờ quay về Phù Mỹ sinh sống, dạy học. Hôm nay chị làm đám cưới cho cô con gái đầu. Đó cũng là dịp để tôi quay về Phù Mỹ dự đám cưới.

Bên ngoài đám cưới

Đón đàng trai

"Phụ diễn" đám cưới

Người con thứ Sáu, tôi gọi là cô Sáu, đang sống ở Quy Nhơn. Bà đã 78 tuổi, bệnh nặng, gần đất xa trời. Một mình, không chồng, không con. Thuở còn trẻ, bà yêu một anh chiến sĩ cách mạng. Năm 1954, bà 21 tuổi, ông tập kết ra Bắc. Bà tiễn ông đi cùng lời thề son sắt, hẹn chung thủy cùng nhau chờ ngày thống nhất quê hương. 21 năm dài đằng đẵng trôi qua, bà vẫn một lòng chờ đợi. Rồi ngày thống nhất đất nước cũng đến, 1975, người tình năm xưa cũng trở về, nhưng... đã yên bề gia thất. Bà lủi thủi sống một mình từ ấy đến nay. Một mình, 35 năm nuôi nấng những đứa con của người em thứ 10.


Người con thứ Mười, tôi gọi là bác Mười là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ngày giải phóng, ông bị đưa đi học tập cải tạo suốt 12 năm. Ở quê nhà Bình Định, vợ ông gom góp tài sản, bỏ nhà, bỏ đàn con thơ để đi theo tiếng gọi tình yêu với... một ông thầy chùa! (??). Giờ bác Mười đang ở Mỹ. 35 năm qua, cô Sáu chăm lo cho những đứa trẻ bơ vơ. Người yêu của một chiến sĩ cách mạng nuôi nấng những đứa con của một sĩ quan ngụy!


Quê nội. Tình yêu đan xen với thù hận, oán hờn. Chiến tranh. Nghèo khổ. Tha hương.
...

Ông nội tôi mất đã lâu. Ba tôi vừa qua đời. Quê nội Bình Định đã xa lại càng xa.

Dù không sinh ra ở Bình Định, nhưng tôi vẫn cảm giác như đó là máu thịt của mình. Tự hứa với lòng sẽ về thăm quê nội một ngày không xa. Thăm thay cho ông nội, cho ba...

Phạm Hoài Nhân
2013

4 nhận xét:

  1. Đúng là quê hương, khiến người viết đầy cảm xúc, làm người đọc cũng... cảm xúc theo!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quê hương thật kỳ lạ Dũng à. Mình không sinh ra ở đó, không lớn lên ở đó, thậm chí hơn nửa đời người mới về đó lần đầu tiên. Thế mà vẫn thấy quyến luyến biết bao nhiêu...

      Xóa
  2. bỏ qua hết những cảm xúc, chỉ còn lại 2 tiếng Quê Hương

    Trả lờiXóa
  3. Đọc bài viết của anh thấy lòng buồn chi lạ, mới thấy rằng: Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp. Quê nhà một góc nhớ mênh mông"

    Trả lờiXóa