26 thg 7, 2013

Bóng ma trên đèo Bảo Lộc

Người ta nói ở đèo Bảo Lộc có ma. Không phải một mà tới ba con ma, ba oan hồn thiếu nữ thường mặc áo trắng ra vẫy xe giữa đêm khuya. Bằng chứng cho sự có ma ấy là ở lưng chừng đèo có một ngôi miếu gọi là Miếu Ba Cô.

Tác giả Người Khăn Trắng - người chuyên viết chuyện ma trước 1975 - viết cả một chuyện dài kể về sự tích oan hồn 3 thiếu nữ đã chết nơi đây như thế nào, đã hiện hình thành ma ra sao... Không biết từ câu chuyện của ông người ta đã truyền nhau về ma, hay từ lời đồn về ma mà ông viết thành chuyện, chỉ biết chắc chắn có ngôi miếu Ba Cô đơn độc giữa lưng đèo, lúc nào cũng nghi ngút khói hương.


Miếu Ba Cô ở đèo Bảo Lộc - Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Miếu Ba Cô là một ngôi miếu nhỏ, kiến trúc không có gì đặc biệt. Do lời đồn nên có nhiều khách đến thắp hương, khấn vái (chủ yếu là người thuê xe đi riêng, chứ xe khách thì không ghé). Có nhiều người kể đủ thứ chuyện ma đã xảy ra ở đây (chưa tính đến chuyện của Người Khăn Trắng). Nhưng nếu bạn tới đây rình để chụp hình ma thì vô phương à nghen, muốn gặp nàng ma xinh đẹp để ngắm cũng hổng có, chỉ có cái miếu sờ sờ đó mà thôi. (Đó là lý do vì sao tui chỉ chụp hình cái miếu chớ không chụp hình ma!).

Người giữ miếu là bà Đặng thị Lộc, phật tử, pháp danh Tam Phước. Bà Lộc kể rằng miếu này do cha mẹ của bà là ông Đặng Hà và bà Nguyễn thị Biện lập nên từ thời Pháp thuộc. Thuở xưa, ông Hà từ Bình Định vào Nam lập nghiệp. Đến đèo Bảo Lộc này, ông thấy khúc quanh hiểm trở, dễ gây tai nạn chết người nên làm một cái miếu nhỏ để thờ cúng.

Về ba cô gái chết oan, bà Lộc cho biết trước đây có mộ ba cô ở ven đường (có lẽ chết do tai nạn giao thông?), nhưng nay gia đình đã bốc mộ về Sài Gòn rồi.

Vậy là "tiểu sử" ngôi miếu Ba Cô hiện ra khá rõ nét: Có một ngôi miếu nhỏ do người di dân vào đây dựng nên để thờ cúng. Rồi có 3 cô gái chết, chôn ở ven đường. Có miếu, có mộ, có chất liệu để kể thành chuyện ma. Người nghe chuyện sợ ma, thành tâm cúng kiến, chủ ngôi miếu có tiền để xây dựng miếu to hơn.

Trong miếu Ba Cô có bàn thờ và bài vị thờ song thân của bà Lộc là ông Hà và bà Biện. Có lẽ bà Hà cũng rất vui lòng khi có khách thập phương thường xuyên lui tới đây để thắp hương cho ba cô, và cho cả song thân của bà, có thêm chút thu nhập từ tiền cúng. Bởi thế, bà chẳng bác bỏ chuyện ma mị làm gì, vì nếu không tin có ma người ta không vô cúng thì sao?

Về phía chính quyền địa phương, chuyện ngôi miếu là chuyện tâm linh, và không gây ảnh hưởng gì đến an ninh xã hội nên không cần can thiệp.

Về các chuyến xe đi ngang đây về đêm, có còn gặp ma không? Bạn ơi, bây giờ mỗi ngày không biết bao nhiêu chuyến xe Phương Trang, Thành Bưởi... ngược xuôi trên đường Đà Lạt - Sài Gòn, đa số các bạn đi Đà Lạt thường đi từ ban đêm để đến Đà Lạt từ sáng sớm, như vậy sẽ tới đèo Bảo Lộc lúc nửa đêm về sáng: thời điểm lý tưởng để xuất hiện ma! Vậy mà có ai gặp ma đâu nà? Nếu có ma chắc tất cả các chuyến xe đêm đi Đà Lạt khởi hành từ Sài Gòn đều phải hủy bỏ hết!

Về phía chúng ta, những du khách, thì sao? Tôi cá với các bạn một điều: Sợ ma hay không thì không biết, nhưng hầu hết đều... khoái nghe kể chuyện ma! Nhất là ma nữ thì nghe càng mê! Vậy thì trên đường đi đến đèo Bảo Lộc cứ kể chuyện ma nghe cho nó phê đi nhá!

Thế có nên vào viếng miếu Ba Cô không? À, tôi nghĩ nếu có thời giờ thì ghé một chút cũng được, xem như chặng nghỉ nhỏ. Đèo Bảo Lộc là con đèo đẹp, nên dừng xe nơi đó để chụp ảnh cũng lý tưởng lắm đó bạn! Xem hình nè:




Phạm Hoài Nhân

Tháng 12/2016, tôi có dịp ghé lại đây và chụp thêm vài tấm hình. Lúc này miếu có phần tươm tất hơn trước, phía ngoài có xây thêm vài am nhỏ thờ Phật. Thời điểm ghé mưa to và dai dẳng nhưng vẫn có nhiều người đến khấn vái, xe chở khách du lịch vẫn ghé vào...



Bên ngoài và bên trong miếu

Am thờ Phật

Cảnh quan chụp hình khá đẹp

Xe khách đang trên khúc quanh để vào miếu

3 nhận xét:

  1. Bóng ma trên đèo BLao thì có vẻ ly kỳ hơn...Tôi nghe kể lại thì tai nạn làm chết hai chị em và người chị thì có bầu sắp sinh...người ta căn cứ vào hình dạng vòng bụng mà đoán đó là con gái...nên lập miễu thờ cho Ba Cô..???..
    Cũng nghe kể lai...ngày xưa đường đèo thì rất hẹp.và nhiều sương mù...xe chạy lên hoặc xuống đèo nhất là vào ban đêm thì chạy rất chậm ..đèn chỉ để " cos "theo luật bấy giờ ...tầm nhìn thì giới hạn...hơi lạnh từ trong núi toát ra từng mảng nên mình có cảm giác rờn rợn và nghĩ đó là những bóng ma đang hiện về !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện ma là đề tài hấp dẫn muôn thuở, bạn nhỉ?

      Xóa
  2. Chào Bạn ! Tiện đây tôi xin kể chút chuyện ma nghe chơi ( Nếu thấy không phù hợp bạn vui lòng xóa giùm nhé )
    Tôi vốn không sợ ma mà sao thỉnh thoảng lại gặp...Hổng biết vì sao nữa ??!!
    Có lần tôi đi cùng ông thân tôi từ SG về hướng Phú Lâm bằng xe Xích Lô Máy . Lúc đó gần 7 h tối đường cũng bắt đầu lên đèn ...Hẳn bạn biết thời điểm 66 đèn thì vàng vỏ xe cộ thì ồn ào .
    Khi xe vừa chạy đến đoạn đầu nhả thương Hồng Bàng ( Phạm Ngọc Thạch ) Tôi thấy một chú bé trạc tuổi tôi bổng xuất hiện đi trước đầu xe mà tôi đang đi ...Tôi cứ chăm chú nhìn theo và lấy làm lạ...Vận tốc xe thì nhanh mà sao xe cứ trờ tới mà chú bé vẩn điềm nhiên đi.
    .Đến đoạn chùa Minh Hương - Nhà ga xe lửa Chợ Lớn tôi khều ông thân tôi định thắc mắc ...Tai tôi còn nghe ông Thân tôi hỏi : " gì đó con " ? ....và tôi tự dưng thấy rờn rợn lạnh cả người không nói được nữa !..
    Về đến nhà tôi thuật lại cho cả nhà nghe ...Ai cũng cười bảo tôi bị " quáng gà "...
    Cách đây không lâu võ vẻ lên mạng tìm hình ảnh xưa cũ xem cho vui...Trong một trang ảnh SG xưa tình cờ tôi nhìn thấy ảnh một chú bé mà tôi đã từng nhìn thấy như tôi đã kể . ( đang gõ mấy dòng chữ nầy tự dưng nổi da gà )...
    Chú bé trong hình có dáng giống y chú bé tôi từng thấy mấy mươi năm trước ...Vận áo ngắn tay " ca rô " ba phân vuông màu đen đỏ , nơi tay áo có hình chữ V đính kèm cái cúc áo màu trắng . Vẫn chiếc quần đùi ngăn ngắn với đôi chân khằn khiu , đầu hớt trổm lơ nhưng chỉ thiếu không có chiếc nón " hướng đạo " và chiếc que chú ta cầm trên tay mà thôi ...

    Trả lờiXóa