Các bạn đã từng nghe bài hát này chưa
Thung lũng buồn trong mờ sương
Nhà tôi chênh vênh trên đèo mây
Phố núi nghèo như bàn tay
Nhà bên kia vẫy nhà bên này
Thung lũng buồn tiếng gà trưa
Mẹ đưa em qua phiên chợ vắng
Phố núi nghèo gánh hàng rong
Nhìn xe qua cuốn bụi mịt mùng
Thung lũng buồn bên nhà rông
Người thiếu nữ vú cong môi hồng
Tà váy rộng gió thổi tung
Bắp chân trần như chớp đêm giông
Phố núi nghèo bên dòng sông
Gành đá trắng dấu xưa oai hùng
Tráng sĩ nghèo áo vải nâu
Đèo An Khê cưỡi voi chập chùng
Thung lũng xanh
Những giai nhân và những anh hùng.
Thung lũng buồn như tình yêu
Dòng sông Ba đưa em về đâu
Phố núi nghèo ly cà phê
Nhìn mây bay lững lờ bên hè
Thung lũng buồn chuông chiều rung
Choàng cho em thêm khăn lạnh ấm
Phố núi nghèo ly rượu say
Còn liêu xiêu tiễn bạn chân đèo
Không biết tựa chính xác của bài hát là gì, có nơi ghi Phố núi, có nơi ghi Phố núi nghèo - tác giả là nhạc sĩ Trần Tiến. Chỉ biết là giai điệu và ca từ mang đậm sắc màu và không gian phố núi. Nó thu hút ta bởi sự ma mị đường rừng, bởi chập chùng phố núi giữa sương khói miên man.
Mở đầu bằng một hình ảnh mông lung giữa chập chùng hư ảo
Thung lũng buồn trong mờ sương
Nhà tôi chênh vênh trên đèo mây
Phố núi nghèo như bàn tay
Nhà bên kia vẫy nhà bên này
rồi dắt ta đến sự hoang dã rạo rực
Thung lũng buồn bên nhà rông
Người thiếu nữ vú cong môi hồng
Tà váy rộng gió thổi tung
Bắp chân trần như chớp đêm giông
Chỉ có thể là hình ảnh của Tây nguyên, và phố núi đây chính là phố núi Pleiku...
Hầu như người Pleiku nào cũng cho rằng đây là bài hát viết về phố núi yêu dấu của mình, nhưng tôi e rằng... không phải!
Trong bài hát có nhắc đến đèo An Khê, đây là con đèo nối 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai. Ở Bình Định đó là huyện Tây Sơn, ở Gia Lai đó là thị trấn An Khê.
Địa danh thứ hai là dòng sông Ba. Sông Ba là dòng sông bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô, chảy qua nhiều huyện của Gia Lai trước khi đổ ra Phú Yên với tên là dòng sông Đà Rằng. Mặc dù chảy qua nhiều huyện của Gia Lai nhưng... sông Ba không hề chảy qua Pleiku, nó chỉ chảy qua An Khê.
Đèo An Khê
Vậy, phố núi ở đây là phố núi An Khê, không phải phố núi cao, phố núi đầy sương của em Pleiku má đỏ môi hồng.
Bạn nghĩ rằng tôi ra sức lý luận để phủ định phố núi ở đây không phải Pleiku? Ồ không, không, ngàn lần không. Sự cảm thụ âm nhạc không màng đến phân tích địa danh, cho dù bài hát này có nói đến nơi đâu đi nữa thì nó cũng gợi cho ta cái bảng lảng khói sương, chênh vênh ghềnh đá của Pleiku phố núi. Nhắc đến An Khê ở đây, tôi chỉ muốn kể thêm một cảm xúc mãnh liệt khác mà bài hát đã mang đến cho mình.
Tôi đã đôi lần đi trên quốc lộ 19 từ Tây Sơn sang Pleiku. Vừa rời bảo tàng Quang Trung, còn âm vang khúc tráng ca của người anh hùng áo vải, còn dồn dập trong lòng hồi trống trận Tây Sơn thì đã thấy chập chùng đèo núi An Khê của miền Tây Sơn thượng đạo.
Hơn hai trăm năm trước, vùng đồi núi nhấp nhô xanh thẳm kia là nơi tụ nghĩa của những người áo vải. Từ ngút ngàn rừng xanh này họ đã cuồn cuộn đi như nước vỡ bờ giải phóng Thăng Long, đánh tan bọn cuồng ngông xâm lược. Đó chính là An Khê, là Tây Sơn thượng đạo!
An Khê - Tây Sơn thượng đạo
Con tim đang rạo rực trước vẻ hùng vĩ của ngàn xanh thì khúc ca vang vọng:
Phố núi nghèo bên dòng sông
Gành đá trắng dấu xưa oai hùng
Tráng sĩ nghèo áo vải nâu
Đèo An Khê cưỡi voi chập chùng
Cả người tôi run rẩy nhìn lên non xanh kia, trên gành đá nhấp nhô, như thấy hình ảnh
Tráng sĩ nghèo áo vải nâu
Đèo An Khê cưỡi voi chập chùng
Trăm năm như dồn lại, trời đất như vỡ òa. Hồi trống thúc quân từ xa xưa vang vọng.
Rồi tất cả trầm lắng xuống:
Thung lũng xanh
Những giai nhân và những anh hùng.
Rồi nước mắt tuôn ra. Xúc cảm dâng trào...
Xe đã đến chân đèo. Hoàng hôn đã buông.
Thung lũng buồn chuông chiều rung
Choàng cho em thêm khăn lạnh ấm
Phố núi nghèo ly rượu say
Còn liêu xiêu tiễn bạn chân đèo
Rừng núi lao xao như chào đưa tiễn
Phố núi nghèo ly rượu say
Còn liêu xiêu tiễn bạn chân đèo
Chỉ còn biết cảm ơn. Cảm ơn người xưa đã tạo nên quá khứ hào hùng cho rung cảm hôm nay. Và cảm ơn nhạc sĩ Trần Tiến đã sáng tạo nên một ca khúc tuyệt vời!
Còn liêu xiêu tiễn bạn chân đèo
Phạm Hoài Nhân