28 thg 3, 2012

Chuyện tử tế

(Bài viết này được trích lại từ blog của anh Phạm văn Thế, vanthekt.blogspot.com)


CHUYỆN TỬ TẾ
              
 1. Cách đây hơn hai chục năm, tại khu điều trị phong Quy Hoà (Quy Nhơn), đạo diễn Trần Văn Thủy cùng đoàn làm phim Chuyện tử tế gặp mặt đông đảo các thầy thuốc và hỏi:
-Thưa các thầy thuốc, ở đây ai là người tận tâm chạy chữa, chia sẻ với người bệnh phong?
- Các bà soeurs! Chuyện đó phải kể đến các bà soeurs.
   

Các thầy thuốc, trong đó có nhiều người từ khi rời ghế trường y, cho đến bây giờ đã hai thứ tóc, làm việc ở các khu điều trị phong, đều trả lời như vậy.Gặp các soeurs, những người làm phim sực nhớ lại lời thề Hypocrate treo ở giảng đường Viện Da liễu: “Tôi xin hứa và thề nhất luật tuân theo những ước lệ của tính thanh cao và lòng chính trực trong khi hành nghề. Tôi sẽ chữa bệnh không lấy tiền cho những người nghèo khó và không bao giờ được đòi hỏi thù lao quá với công sức của mình. Tôi chỉ mong mọi người dành cho sự quý mến, nếu tôi làm đúng lời thề”.
Lời thề Hypocrate là một lời thề tử tế.
                
2. Năm 26 tuổi, A.Yersin viết thư gửi mẹ: “Con không muốn hành nghề bác sĩ, nghĩa là con không bao giờ có thể đòi một bệnh nhân trả công khi săn sóc cho họ. Con xem ngành y như là một thiên chức, tương tự vai trò của mục sư. Đòi tiền công săn sóc bệnh nhân, như có phần nào nói với người ấy: tiền hay cuộc sống! Con biết không phải tất cả các đồng nghiệp của con đều chia sẻ những ý nghĩ này, song đấy vẫn là những điều con nghĩ và sẽ khó lòng mà từ bỏ chúng”.
Tâm sự của A.Yersin cũng là trăn trở của nhiều thầy thuốc tử tế.  
     
 3. Vậy tử tế là gì? Một bô lão giảng giải: “Tử tế, các nhà làm phim thân mến ạ, gốc của nó là từ chữ Hán. Chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi. Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời”.
   
 Người biên tập bộ phim Chuyện tử tế cho hay: “Từ rất xa xưa, cha tôi có dạy rằng tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế - trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm”.

4. Một cảnh trong phim.
(Bờ biển - người hủi ngồi cô độc)

Đồ hủi.
Không dây với hủi.
Xấu như hủi.
Bẩn như hủi.
Lười như hủi.

(Bầu trời)

Cũng là để hiểu những người mắc bệnh phong, mà người đời vẫn gọi là người hủi – ăn ở với nhau ra sao – chúng tôi đã gặp vài ba cảnh đời, thiết nghĩ cũng nên kể lại.

(Hai bà cháu)

Cháu có tên là Tú Anh. Nhưng bà bảo cái tên Tú Anh nó Hà-nội quá ! Mình thì người nhà quê - Bố cháu là Chiện, Bà gọi cháu là Chiền.

Thằng Chiền một thời ít bạn vì tiếng đồn khắp vùng : Mẹ nó là người hủi.

Mẹ nó là người hũi thì bố nó bỏ đi luôn.

Mẹ nó, chị Nguyễn Thị Hằng phải bỏ quê lang thang bờ bụi. Kiếm được đồng tiền, bát gạo đêm đêm chị lần mò, mang về cho nó. Nỗi đau thể xác và nhất là sự sỉ nhục về tinh thần đã đẩy chị tới một quyết định : phải tự vẫn.

(Cậu bé)

Nhưng còn thằng Chiền ?

Thằng Chiền phải có một nếp nhà trước khi mẹ nó qua đời.

(Phim négatif)

Vậy là, đêm đêm chị lần về và bằng hai bàn tay cùi cụt, co quắp, không đủ ngón đốt, đã đóng một vạn tám ngàn viên gạch.


5.
Người quay phim của bộ phim này, một lần đi tìm cảnh ở phố chợ đầu ô, tình cờ gặp lại một người mà thời ngồi trên ghế nhà trường, anh ta hằng kính trọng.

(Một đàn ông)

Đó là thầy chủ nhiệm Lê Văn Chiêu.

Cũng phải nói ngay rằng : Thầy Chiêu không bằng lòng cho quay những cảnh thầy bán rau. Lòng thầy trong sáng, thầy cho rằng như vậy là bôi bác chế độ.

(Đi xe máy)

Do vậy, những cảnh này, trò của thầy không dám bấm máy, mà nhờ một người khác quay lén.

    
Thầy Chiêu đã nhiều năm gắn bó với ngôi trường này, trường phổ thông Tô Hiệu, huyện Thành Tín. Ở dây, thấy là giáo viên dạy toán giỏi, chuyện luyện cho các em ở cuối cấp đi thi.

(Học bạ)

Những nhận xét của thầy chủ nhiệm Lê Văn Chiêu trong học bạ của trò – Nay là người quay phim của bộ phim này.

(Người bên xe máy)

Người học trò, cậu bé chăn vịt đểnh đoảng năm xưa, thì trở thành người quay phim.

Người thầy chủ nhiệm, giáo viên dạy toán giỏi, chẳng hiểu đã đi bán rau tự bao giờ.

Bây giờ thầy hiểu rau quả, thời vụ chẳng kém gì hiểu môn toán mà thầy đã yêu. Mùa rau rút, thầy bán rau rút – Mùa cà chua, thầy bán cà chua – Mùa rau muống, thầy bán rau muống.


6. (Đám ma)

và cuối cùng thì sau một cuộc đời tử tế hoặc không tử tế, dài lâu hoặc ngắn ngủi, mọi người đều được tạo hoá cho một cái quyền bình đẳng là : Trở về với Đất.

Có người cứ nói bừa rằng : Chết là hết. Nhưng thực ra, chết và con đường đi đến cái chết cũng nhiều chuyện lắm. Ví như trong đám có giọng thành kính xót thương : "Tiếc thay, ông ta là một người ăn ở tử tế" hoặc bật ra "Hừm, cái lão chúa xu thời".

(Những người đào mồ)

Có lẽ chẳng mấy ai biét lắm chuyện về những người chết bằng người đào mồ. Âu cũng là một dịp để làm quen. Cái công việc nắng mưa, nặng nhọc này, đôi khi bị coi là tận cùng của xã hội, lại cần cho bất cứ ai. Cho ông, cho bà, cho tôi và cho tất cả". Và không hiểu, bởi một lý do gì, chúng ta thiếu đi một tấm lòng cần thiết đối với họ.

(Khênh quan tài)

Người đào mồ gửi vào đất cả quan chức lẫn thường dân, cả nhà học giả và thằng vô lại – Có điều, người ta trở về với đất trong những hoàn cảnh khác nhau, bằng những con đường khác nhau, mang theo mồ những điều thiện và ác khác nhau.

(Mồ xây)

Nhân đây cũng nói thêm rằng : người tử tế ai cũng mong muốn trông thấy đồng loại của mình có mồ yên, mả đẹp – vì mồ yên mả đẹp an ủi được con người.

Nhưng mong muốn hơn là an ủi được con người hơn vẫn là sự tử tế, là tình thương yêu, là công đức của người quá cố để lại cho đời.

Đừng để rồi mai mốt, mang theo xuống mồ một nỗi buồn có thể to hơn cả phần mộ của mình.

(Một ngươì đào mồ)

Cùng với người đào mồ có nên nghĩ ngợi rằng :

Làm sao, để khi từ giã thế giới, ta không chỉ nằm xuống như một người tử tế, mà điều quan trọng là ta có thể từ giã một thế giới tử tế hơn, trong đó con người được chăm lo hơn.

Vậy ra, nghĩ cho đến cùng, ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì, và cũng không có một con người nào trở nên tử tế - Nếu không bắt đầu bằng tình thương yêu con người, sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau của con người.

Khi bấm những cảnh cuối cùng của bộ phim này, người trông coi mồ mả, giám đốc các nghĩa trang Hà-Nội – cháu gọi nhà văn Ngô Tất Tố là bác, đã chép miệng bảo chúng tôi rằng :

"Rõ chán, chuyện các anh cũ như trái đất. Tôi ở với người chết đã lâu, tôi thấy có cái hay là họ chẳng thèm tranh cãi với ai bao giờ. Dĩ nhiên, nếu họ có thể tham gia tranh cãi, thì ối điều phải bác bỏ - kể cả tôi là người quản lý họ và cả cái phim mà các anh đang làm".

Vâng !

_____
Phạm Hoài Nhân viết:

Rất cảm ơn anh đã nhắc lại bộ phim này. Một bộ phim mà tôi đã xem từ hơn 20 năm trước với thật nhiều xúc động.

Bây giờ xem lại từ đầu chí cuối mà vẫn rưng rưng.

Nick Yahoo của tôi là RuleOfForever (quy luật của muôn đời), vì tôi quá yêu thích quy luật: Tâm hồn người ta rất nặng, nặng gấp trăm lần thể xác... trong tác phẩm cùng tên của Dumbatze. Và xúc động quá khi xem cảnh anh Đồng Xuân Thuyết đọc lại quy luật ấy trên giường bệnh.

Tôi đã đến thăm trại phong Quy Hòa, và càng thấu hiểu sự TỬ TẾ ở đấy.

Tôi trách anh, sao không trích lại đoạn kết của phim, rất sâu sắc (sâu sắc đến phát khóc):

Thay cho The End, bộ phim này kết thúc bằng câu:
Tất nhiên, chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình …
(May thay, câu này là của Karl Marx chứ không phải của bạn tôi!)

Xin cảm ơn anh lần nữa, và mạn phép anh đưa bài này lên blog của mình để mà nhớ!

Thân mến,

1 nhận xét:

  1. Cảm Ơn Hoài Nhân.
    Đoạn kết:

    (Nến cháy)

    Còn lời các danh nhân thì thực yên tâm. Đó là chân lý, là danh ngôn – Vì vậy, trộm nghĩ cũng nên thay chữ "Hết" của bộ phim nhỏ bé này bằng việc nói thêm rằng, cái câu nói nóng nảy, táo tợn :

    «Tất nhiên, chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình ...»

    May thay ! Là của Các Mác tôn kính, chứ không phải là của bạn tôi.

    (Chữ ký của Các Mác)

    Buồn quá Nhân ạ. Mình sợ không dám trích.

    Chúc Bạn khỏe!

    Trả lờiXóa