7 thg 1, 2013

Thúc quân... về sông Tương

Khoảng năm 1972, thời điểm chiến sự xảy ra ác liệt, đài truyền hình Sài Gòn liên tục phát những bản hùng ca để khơi dậy tinh thần chiến đấu của binh lính Việt Nam Cộng Hòa. Nhạc được phát vào những thời điểm gián cách của 2 chương trình, và thường là nghe nhạc chứ không có giới thiệu tựa bài, tác giả, ca sĩ.

Lúc ấy tôi khoảng 13 tuổi, và thú thật nghe nhiều bài trong số này rất phê. Có nhiều bài... thuộc lòng luôn. (Tiếc quá, những bài này bây giờ bị cấm hát nên muốn nghe lại chỉ có thể nghe lén thôi!).

Một bản hùng ca rất sôi sục được phát liên tục trong thời điểm này là bài Thúc quân của nhạc sĩ Văn Giảng. Không giống những bài hát khác được sáng tác ngay tại thời điểm đó để phục vụ cho việc động viên, Thúc quân là một nhạc bản cũ được Văn Giảng sáng tác từ năm 1949. Thời điểm ra đời, bài hát còn có tên là Hồn quân reo. Ngoài Thúc quân, nhạc sĩ còn là tác giả nhiều bản hùng ca khác như Lục quân Việt Nam, Quân hành ca, Đêm Mê Linh...


Nhạc sĩ Văn Giảng và vợ, năm 1949. Ảnh trích từ www.nguoi-viet.com

Sau năm 1975 và cho đến hiện nay, tôi thấy trên nhiều trang web của cựu binh sĩ VNCH ở hải ngoại đưa bài Thúc quân vào danh sách quân hành ca của quân đội VNCH. Kỳ thật, với thời điểm sáng tác là 1949, đây là một bản hùng ca Việt Nam, không của riêng bên nào. Không biết có phải vì sự dính dáng mơ hồ ấy với quân đội VNCH hay không mà bản hùng ca rất hay này ít thấy xuất hiện sau 1975 tại Việt Nam.



Cũng vào khoảng 1972, có một bản tình ca rất hay được ra đời của nhạc sĩ Thông Đạt, đó là bài Hoa cài mái tóc. Đến nay đã 40 năm từ khi ra đời bài hát này vẫn được vang lên rất nhiều cả ở trong nước lẫn hải ngoại. Thuở ấy, tôi rất say mê bài hát này.




Một vài năm sau, nhạc sĩ Thông Đạt sáng tác tiếp bài Tình em biển rộng sông dài. Bài hát này tuy không nổi tiếng bằng Hoa cài mái tóc nhưng cũng rất được ưa chuộng.

Yêu thích nhạc sĩ Thông Đạt, thuở ấy tôi tìm hiểu về ông, và được biết một tình ca nổi tiếng rất xưa là Ai về sông Tương cũng do ông là tác giả, được sáng tác từ năm 1949.

Ở thời điểm đó, trong đầu một đứa trẻ 13, 14 tuổi như tôi không hề có một sự liên tưởng nào về sự liên hệ giữa ông nhạc sĩ Văn Giảng của những hành khúc hào hùng với ông nhạc sĩ Thông Đạt của những tình ca êm ái.

Nhiều năm, rất nhiều năm sau này, tôi vô cùng bất ngờ khi biết Văn Giảng và Thông Đạt là... một người!

Đoạn sau đây trích từ Wikipedia nói về sự ra đời của bài hát Ai về sông Tương:

"Ai về sông Tương" được Thông Đạt viết vào năm 1949. Về ca khúc này có một giai thoại: Những năm cuối thập niên 1940 đó, Văn Giảng có chơi thân cùng ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa Huế, một số hành khúc của Văn Giảng cũng được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành. Một lần Tăng Duyệt nói đùa ngụ ý rằng nhạc sĩ Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi còn về những bài tình ca không phải sở trường của Văn Giảng.

Văn Giảng nghe như vậy và không trả lời. Sau đó ông viết bản "Ai về sông Tương" và ký tên Thông Đạt. "Ai về sông Tương" được tác giả Thông Đạt gửi đến các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế,Sài Gòn và nhanh chóng nổi tiếng. Sau nhiều lần được nghe bản nhạc đó trên đài, Tăng Duyệt gặp Văn Giảng và hỏi ở trong giới nhạc, Văn Giảng có biết Thông Đạt, tác giả bài "Ai về sông Tương" là ai không. Tăng Duyệt muốn tìm mua lại bản quyền để xuất bản nhạc phẩm đó nhưng Văn Giảng trả lời không biết.

Một lần hai người bạn của Văn Giảng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và nhà văn Lữ Hồ tới chơi và tình cờ nhìn thấy bản thảo của "Ai về sông Tương". Nhờ đó Tăng Duyệt mời biết Văn Giảng chính là Thông Đạt, tác giả của bàn tình ca nổi tiếng đó.





Nhạc sĩ Văn Giảng ở lại Việt Nam sau ngày 30/4/75, nhưng sau đó ông đã vượt biên năm 1978 và hiện nay đang định cư tại Úc. Năm nay ông đã 89 tuổi (nhạc sĩ sinh năm 1924).


Nhạc sĩ Văn Giảng năm 2011Ảnh trích từ www.nguoi-viet.com

Hai nhạc phẩm Hoa cài mái tóc, Ai về sông Tương của ông đã được phép lưu hành chính thức, nhưng Thúc quân và cả Tình em biển rộng sông dài vẫn chưa thấy trong danh sách bài hát được phép lưu hành. Mong rằng những ca khúc - hùng ca lẫn tình ca - của ông sẽ được vang lên nhiều hơn tại Việt Nam.

Phạm Hoài Nhân
Tháng 1/2013

5 nhận xét:

  1. Nhạc sĩ Văn-Giảng đã về cõi Vĩnh hằng vào ngày thứ Năm 09/5/2013 tại Footscray, Melbourne Australia. Ông hưởng thọ 89 tuổi. Xem thêm dưới đây:
    http://forum.trungtamasia.com/yaf_postst8819_Tin-buon--Nhac-si-Van-Giang-tuc-Thong-Dat-vua-tu-tran-o-Uc--huong-tho-89-tuoi.aspx
    Thân chuyển.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chân thành cảm ơn bạn đã chuyển tin.
      Kính viếng hương hồn Ông, người nhạc sĩ lớn.

      Xóa
  2. Thân chuyển đến Bạn bản tin mới nhất về Nhạc sĩ Văn-Giảng, qua đường dẫn dưới đây:
    http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=166207&zoneid=1#.UY8mSaL-HHU

    Trả lờiXóa
  3. Ai biết lịch sử ra đời bài hoa cài mái tóc ko nhi

    Trả lờiXóa
  4. Ai biết lịch sử ra đời bài hoa cài mái tóc ko nhi

    Trả lờiXóa