21 thg 8, 2013

Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé!

Thời buổi này, nhiều áng thơ tình tuyệt tác ngày xưa bỗng nhiên trở nên vô nghĩa. Thí dụ như đoạn thơ sau đây của Nguyên Sa:

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh thay mực cho vừa màu áo tím

Cái khoản áo vàng, áo xanh, yêu hoa, mến lá thì giờ này vẫn còn tạm hiểu và chấp nhận được đi. Thế nhưng cái vụ thay mực tím để viết thư tình thì đúng là hổng hiểu! Giờ này ai còn viết thư nữa? Người ta chỉ gởi email thôi! Mà giả dụ như là có viết thư đi nữa cũng có ai xài viết mực đâu mà thay mực? Người ta xài viết bi!

Ngay cả chuyện gởi email giữa đôi trai gái cũng dần trở nên hiếm. Chưa tiếp xúc nhau ngoài đời, chưa thân thiết thì nói chuyện với nhau qua mạng xã hội, qua blog, hoặc chat. Quen nhau rồi thì a lô hoặc nhắn tin qua điện thoại là xong ngay. Tất cả những chuyện này đâu cần phải ngồi trong khuê phòng, bên án thư mới làm được, mà chỉ cần một cái xì-mát-phôn là có thể thực hiện ngay mọi nơi, mọi lúc. Xì-mát-phôn thì bây giờ ai mà chả có!

Giờ nói qua chuyện hẹn hò với mấy câu thơ tuyệt đỉnh của Hồ Dzếnh:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân,
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần...
Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?


Nội dung câu chuyện tôi sắp kể với các bạn sẽ cho thấy mấy câu thơ tuyệt đỉnh này cũng thành vô nghĩa tuốt.

Chàng làm quen nàng qua Phây-búc (cũng với xì-mát-phôn). Sau một số còm-men, chát chít chàng hẹn nàng gặp gỡ ngoài đời cho biết mặt (lưu ý rằng các chàng và nàng thời nay không gọi là hẹn hò như các cụ ngày xưa mà kêu là ọp-lai (offline) nhé!).

Chàng đến trước và đợi nàng trong quán. Vì thời nay người ta không khuyến khích hút thuốc, nên chàng chả hút, bởi thế không có chuyện Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần. Chàng cũng chả nói lớn hay nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế? bởi vì trong lòng chàng chẳng nhớ nàng tí tẹo nào. Lòng chàng cũng không buồn để đi dạo khắp trong sân. Vậy chàng làm gì cho qua thời gian chờ đợi?

Bạn không biết rằng trên mỗi cái xì-mát-phôn đều có lắm game hay sao? Chơi game trên xì-mát-phôn là một cách thư giãn tuyệt vời nhất khi đang phải ngồi chờ khám bịnh, chờ tàu xe, chờ lên máy bay… Không tin bạn cứ tới những nơi đó mà coi, không dưới phân nửa số người ngồi chờ đang bấm bấm trên xì-mát-phôn của họ. Khi chàng chờ nàng cũng không phải trường hợp ngoại lệ, chàng rút xì-mát-phôn ra và chơi game, chơi say sưa! (Tôi sẽ không nói cho bạn biết chàng chơi game gì, vì bạn mà biết bạn lại ghiền, còn tôi mang tiếng quảng cáo cho game).

Chàng cứ chơi say sưa như vậy, quên trời quên đất. Có lẽ là đang trong giai đoạn hào hứng lắm nên chàng quên… luôn cả việc mình tới đây để làm gì. Cho đến khi chàng tỉnh ra và kêu tính tiền để đi về thì chàng vẫn chưa gặp nàng, mà chàng cũng chẳng quan tâm gì tới việc đó nữa!

Còn nàng? Nàng ở đâu? Nàng có tới không?

Tôi không biết chắc bạn à. Có nhiều giả thuyết được đặt ra, nhưng tôi chọn giả thuyết này:

Nàng đã tới, thậm chí có thể đã tới trước chàng. Vì 2 người không biết mặt nhau nên nàng cũng ngồi chờ và rút xì-mát-phôn ra chơi game để thư giãn. Thế rồi nàng cũng chơi say sưa quên trời quên đất như chàng. Thế rồi nàng cũng quên mình tới đây làm gì. Thế rồi 2 người không gặp nhau!

Vậy đó bạn, bạn đã thấy xì-mát-phôn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và trong thơ ca như thế nào rồi chứ! Riêng trong câu chuyện trên và bài thơ của Hồ Dzếnh, những câu thơ sau vẫn còn đúng:

Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé
Để anh ngồi, anh mải miết chơi game
...
Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề!

Hai Ẩu
eChip M! 418 - 28/08/2013

1 nhận xét: