24 thg 8, 2013

Từ Tà Cú đến Trà Cú

Ở Bình Thuận, cách tỉnh lỵ khoảng 30 km về hướng Nam, có một ngọn núi tên là núi Tà Cú, cao khoảng 649 met. Trên đỉnh núi, ở độ cao 563 met, có một ngôi chùa tên Linh Sơn Trường Thọ, và có một tượng Phật Thích ca nhập Niết bàn dài 49 met, cao 7 met. Tượng Phật khổng lồ nằm hùng vĩ thâm nghiêm trên đỉnh núi cao, giữa bốn bề là núi non trùng điệp, xa xa là biển cả bát ngát mênh mông.

Tượng Phật núi Tà Cú. Ảnh: Wikipedia

Công trình tượng Phật nằm trên núi Tà Cú do điêu khắc gia Trương Đình Ý thiết kế và chỉ đạo thi công. Điêu khắc gia Trương Đình Ý tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1935. Ông làm giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định một thời gian rồi bỗng từ bỏ phố thị, xuống tóc, khoác áo già lam lên núi Tà Cú để làm công quả xây tượng Phật.


Công trình này tiến hành trong 4 năm, từ 1962 đến 1966. Điều kỳ diệu là vào hoàn cảnh lúc bấy giờ với một ngôi chùa cheo leo ở lưng chừng núi cao trên 450 m, lối lên đến chùa phải qua quãng đường dài ngoằn ngoèo trên 2,5 cây số, vượt bao dốc cao ngổn ngang đá tảng và cây rừng chằng chịt, làm sao vận chuyển được hàng ngàn tấn xi-măng, sắt thép…để xây tượng Phật ròng rã suốt 4 - 5 năm trời? Hoàn toàn là bằng sức lực khiêng, vác, gồng gánh đè lên đôi vai của những con người mộ đạo. Bao xi-măng phải chia làm đôi, sắt cắt ra từng đoạn ngắn…để dễ luồn lách dưới vòm cây đan kín tre gai.

Đường lên núi như thế này, đi người không còn mệt, huống hồ phải khuân vác vật liệu

Với chiều dài 49 met, ngay khi hoàn thành, tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn trên núi Tà Cú đã là ngôi tượng Phật nằm không chỉ dài nhất Việt Nam mà còn là dài nhất châu Á. Tuy nhiên, có lẽ điêu khắc gia Trương Đình Ý không màng đến điều đó, phật tử của chùa, những người mộ đạo bỏ công xây dựng tượng cũng chẳng quan tâm. Con số 49 met chiều dài tượng trong thiêt kế của Trương Đình Ý không phải để tạo một kỷ lục gì cả, nó là tượng trưng cho 49 năm hành đạo của Đức Phật, từ lúc thành đạo đến lúc nhập diệt.

Không ai thèm khoe khoang tượng Phật dài bao nhiêu, đạt kỷ lục gì... Cho nên trong một thời gian dài, các chàng hướng dẫn viên du lịch Việt Nam khi đưa du khách Việt đi tham quan chùa Wat Pho ở Bangkok đã liến thoắng giới thiệu pho tượng Phật nằm ở chùa này là pho tượng Phật nằm dài nhất Đông Nam Á! Kỳ thật, tượng Phật nằm chùa Wat Pho chỉ dài có 45 met mà thôi, và nằm trong phòng chứ không phải nằm trên núi cao giữa thiên nhiên hùng vĩ như tượng Phật núi Tà Cú!

Gần nửa thế kỷ sau ngày khánh thành tượng Phật núi Tà Cú,tháng 3 năm 2010, một pho tượng Phật nhập Niết bàn khác được khánh thành tại chùa Hội Khánh, tỉnh Bình Dương. Pho tượng này an vị trên độ cao cách mặt đất 24 met, trên mái chùa Hội Khánh, giữa khu rừng dầu, và chiều dài của tượng là... 52 met, dài hơn tượng Phật Tà Cú 3 met! Thế là phá kỷ lục!

Tượng Phật nằm ở chùa Hội Khánh, Bình Dương - dài 52 met

Những người có trách nhiệm đã nhanh nhẩu đăng ký kỷ lục, và ngày 31/05/2013, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ đón nhận kỷ lục “Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á” do Tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ xác lập. 

Không chịu thua, ngày 22 tháng 5 năm 2010, đại gia Trầm Bê cho khánh thành ngôi chùa Vàm Ray ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ngôi chùa này cũng có tượng Phật nhập Niết bàn khổng lồ, tượng này dài... 54 met, tức là dài hơn tượng Phật chùa Hội Khánh... 2 met. Kỷ lục đã bị phá!

Tượng Phật này chưa đăng ký kỷ lục, nhưng với... 2 met dài hơn tượng Phật chùa Hội Khánh và 5 met dài hơn tượng Phật núi Tà Cú, đại gia Trầm Bê đã có thể hả hê sung sướng: Cái do ta làm là dài nhất!

Tượng Phật nằm ở chùa Vàm Ray, Trà Cú - dài 54 met.

Từ Tà Cú đến Trà Cú, tượng Phật dài thêm 5 met, nhưng sự tôn nghiêm và tấm lòng thành đã ngắn đi nhiều, thay vào đó là sự khoe khoang hợm hĩnh!

Trong 49 năm hành đạo của mình, Đức Phật Thích Ca luôn dạy người đời rũ bỏ mọi tham, sân, si- chắc hẳn Ngài chẳng vui gì khi thấy hậu thế tranh nhau làm tượng của mình cái nọ dài hơn cái kia để giành giật danh hiệu kỷ lục!

Và chúng ta, khi lễ Phật, chúng ta kính ngưỡng Đức Phật từ bi hay kính ngưỡng một công trình khoe công, khoe của?

Kính bẩm Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, lòng từ bi của Người chắc không phiền trách chi chúng sinh ham hố, họ có biệt danh là Thích Chơi Trội đó, thưa Đức Phật!

(Ngày 30/05/2013, tượng Phật núi Tà Cú cũng được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác nhận “Tượng Phật nhập Niết bàn trên núi dài nhất châu Á”. Không biết điêu khắc gia Trương Đình Ý nếu còn sống, biết được tin này ông có vui không?)

Phạm Hoài Nhân

6 nhận xét:

  1. Từ Tà Cú đến Trà Cú, tượng Phật dài thêm 5 met, nhưng sự tôn nghiêm và tấm lòng thành đã ngắn đi nhiều, thay vào đó là sự khoe khoang hợm hĩnh!

    Và Mây thêm : nét điêu khắc không hay, không toát lên cái thần và trang nghiêm, uy dũng mà bình dị thanh thản của Phật khi nhập Niết Bàn

    Trả lờiXóa
  2. Nhưng Mây thích nhất là nét điêu khắc của tượng Phật ở Long Sơn - Nha Trang

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiếc quá, tôi chưa có dịp chiêm ngưỡng tượng Phật ở Long Sơn...

      Xóa
  3. Bài hay quá, ít lời nhiều ý!

    Trả lờiXóa