28 thg 8, 2014

Đêm buồn tỉnh lẻ

Đã lâu rồi đôi lứa cách đôi nơi tơ duyên xưa còn hay mất
Mái trường ơi em tôi còn học nữa hay ra đi từ độ nào
Ngày xưa đó ta hay đón dìu nhau đi trên con đường lẻ loi
...

Nhớ thương vơi đầy đêm nay trên đồn vắng
Thương em anh thương nhiều lắm
Em ơi biết cho chăng? Tỉnh lẻ đêm buồn


Đó là lời bài hát Đêm buồn tỉnh lẻ của nhạc sĩ Bằng Giang và Chế Linh, một bài hát thuộc loại nhạc lính trước 1975 nhưng hiện nay rất nhiều người biết, kể cả người sinh trước lẫn sinh sau 1975, kể cả người trong Nam lẫn ngoài Bắc.

Không biết cảm hứng của tác giả khi sáng tác bài hát về tỉnh lẻ lúc tác giả đang ở tỉnh nào. Nhạc sĩ Bằng Giang sinh năm 1939 tại Biên Hòa và lớn lên tham gia văn nghệ trong các trại lính ở Biên Hòa, do đó cũng có thể ông nói đến tỉnh Biên Hòa. Nhưng quả thật nếu gọi Biên Hòa là tỉnh lẻ thì chưa phê lắm, vì Biên Hòa hồi đó là tỉnh lớn mà. Thời bài hát ra đời, tôi đang sống ở Long Khánh (xin nhắc rằng trước 1975 Long Khánh là một tỉnh), Long Khánh cách Sài Gòn bởi một tỉnh khác, đó là tỉnh Biên Hòa. Nó nằm lẻ loi xa nơi đô hội, với bui mù, đất đỏ, rất xứng danh là tỉnh lẻ.

Cũng bởi vì thế nên ngày xưa ở Long Khánh khi nghe lên câu hát:

Em ơi biết cho chăng? Tỉnh lẻ đêm buồn

là thiệt phê luôn vậy đó!

Tỉnh lẻ Long Khánh trước 1975

Bài Đêm buồn tỉnh lẻ sau này chẳng những được hát nhiều mà còn được chế lời nữa. Các nhạc sĩ chắc chẳng hề buồn nếu nhạc của mình được chế, bởi vì có hay, có đi vào lòng người thì người ta mới chế. Hiện nay nếu search trên Google bạn sẽ tìm được khá nhiều lời nhạc chế cho bài hát nổi tiếng này. Tuy nhiên theo tôi thì các lời hát trên hơi thô thiển và có phần nhảm nhí. Lời nhạc chế hay nhất mà tôi được biết ra đời khoảng vài năm sau 1975 và được các ông ăn xin hát.

Xin được nhắc lại và phân tích cái hay của nó.

Thời gian mới sau 30/4/75 là lúc người ta còn hoài nhớ rất nhiều về những bài hát trước đó mà bấy giờ đang bị cấm. Đi ăn xin mà hát những bài đó dễ khiến người ta mủi lòng mà cho tiền. Tôi còn nhớ thuở ấy những người tàn tật mặc áo ka ki cũ rách lê mình lên xe ở những bến xe đò, xe bus giơ nón ra hát bài này (hồi đó xe đò xập xệ và chờ lâu lắm chớ không phải như bây giờ). Hình ảnh ấy gợi người ta nhớ tới người thương binh VNCH đang hát nhạc lính và cảm thương hơn nữa. Như vậy xét về mặt kinh doanh đây là một phương thức tiếp thị hay!

Bài hát (chế) mở đầu bằng câu này:

Đã lâu rồi tôi sống kiếp ăn xin, xin cơm ăn ngày ba bữa

Xét về mặt kinh doanh, đây là giới thiệu về tính chất sản phẩm: đang ăn xin. Kế tiếp là:

Cô bác làm ơn cho tôi một manh áo hay chén cơm đặng no lòng

Làm rất đúng phương pháp bán hàng, sau khi giới thiệu sản phẩm xong thì mời khách mua hàng. Ngay sau đó là:

Lời sau cuối không biết nói gì hơn, xin cho tôi được cảm ơn
Chúc cho anh chị luôn đi mau về sớm,
Luôn yên vui hạnh phúc 

Quá hay về mặt kinh doanh, chưa cần biết khách có chấp nhận sản phẩm không đã cám ơn và có quà khuyến mãi cho khách rồi, đó là những lời chúc. Và câu kết thúc mới là độc. đây là câu định giá sản phẩm:

Ai ơi biết cho chăng: tiền lẻ không xài!

Vâng, mời mọi người bố thí cho tui, nhưng đây là hàng hiệu à nha, có cho thì cho tiền chẵn, đừng cho tiền lẻ!

Ấy, đây mới là đỉnh cao của âm nhạc dân gian và cũng là bài học kinh doanh có ý nghĩa. Và mới đúng là... cái sự chảnh của tỉnh lẻ đêm buồn, phải không bạn?


Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét:

  1. Đúng là tỉnh lẻ, không biết các Bạn Ngày Xua thân ái đứa còn đua mất, như trần tiến Đạt, Châu Quy' đãv ề với Ông Bà, Thông thì nghe nói còn ó LK. Tua^'n thì ỏ Florida, Pham thành Khanh thì Boston, Mass., DTuong o NJ... con ai nua khong?
    Ban Cong Xuan loc 1971

    Trả lờiXóa
  2. Anh Hòai Nhân lúc nào cũng độc héng!

    Trả lờiXóa