19 thg 4, 2013

Quán cà phê cây đa chùa bảo tàng hội quán

Thật ra quán cà phê không có tên.

Ở chỗ giao nhau giữa đường Võ thị Sáu và Cách mạng tháng Tám, Biên Hòa có một ngôi chùa của người Hoa quay mặt ra sông. Ngày Giải phóng, Nhà nước "mượn" ngôi chùa này làm Nhà Bảo tàng. Nhà Bảo tàng "mượn" sân sau chùa làm nơi bán cà phê.

Ở sau chùa, ngay mép sông có một cây đa thật to, nên người ta gọi là cà phê cây đa.

Nơi đó là nơi tôi và các bạn thường ra uống cà phê. Yên tĩnh. Ngắm sông lặng lờ trôi. Ngắm mấy chú bé mình trần trùng trục đu rể đa toòng teng và nhảy ùm xuống sông. Ngắm mấy chú chuột thập thò nơi gốc đa.

Có vẻ như nơi đây là chỗ tụ tập của những người trẻ có, già có thuộc lớp "trí thức bất đắc chí". Thời đó mà, đầu những năm 1980, những người mới tốt nghiệp đại học như tôi chẳng biết phải làm gì. Ra đó ngồi miên man tâm sự với những bạn đồng lứa. Rồi lân la làm quen với các bậc đàn anh, cha chú đang trăn trở suy tư.

Và ra đó uống cà phê còn vì nó rẻ tiền... Không nhớ bao nhiêu tiền 1 ly cà phê đen, hình như 5 đồng hay 3 đồng gì đó!

Từ "cà phê cây đa" nhìn ra sông Đồng Nai

Sau 18 năm "mượn" chùa, nhà nước trả lại cho cộng đồng người Hoa bang Phúc Kiến ngày 24/8/1993.

Cổng tam quan Phụng Sơn Tự - năm 2011

Chùa được trả lại tên cũ là Phụng Sơn tự. Ngày nhà nước lấy chùa làm Nhà bảo tàng, người dân mang tượng thờ gửi gấm tại nơi khác (chùa Hoàng Ân ở Cù lao Phố), nay họ hân hoan làm lễ rước tượng về chùa.

Kỳ thật, đúng ra đây không phải gọi là chùa, vì không phải thờ Phật. Nhân vật mà người Hoa Phúc Kiến thờ ở đây là Đức Quảng Trạch. Ông là một người xuất thân từ tầng lớp nghèo khó ở vùng Phụng Sơn, huyện Nam An, tỉnh Phúc Kiến. Thời bình sinh ông giúp dân dẹp loạn, sau khi chết ông hiển linh bảo vệ dân làng nên người dân tôn ông làm thánh (gọi là Quách Thánh Vương hoặc Quảng Trạch Vương), thành tâm thờ cúng.

Hồi đầu thế kỷ 20, người Hoa Phúc Kiến sinh sống ở Biên Hòa vọng nhớ quê hương nên lập một am nhỏ thờ Quảng Trạch Vương (khoảng năm 1934 - 1936), đây còn là Hội quán Phúc Kiến, nơi người dân Phúc Kiến tụ họp. Năm 1960, cơ sở được xây dựng lại với quy mô lớn và vật liệu kiên cố.

Sau khi được hoàn trả, năm 1997 Phụng Sơn Tự được trùng tu lớn, nhưng vẫn giữ lại kiến trúc cũ của năm 1960.

Chính điện Phụng Sơn tự, nhìn ra sông Đồng Nai. Khoảng sân phía trước chính điện, quanh cây đa, ngày xưa là nơi uống cà phê.

Bây giờ Phụng Sơn Tự đã là ngôi chùa, là hội quán Phúc Kiến chứ không còn là cà phê cây đa nữa. Tôi cũng đã là ông già chứ không là anh trai trẻ nữa. Cà phê đen cũng đã tăng giá gấp... 2.000 lần!


Xưa kia mình ngồi uống cà phê ở đây, giờ làm chú Cuội ngồi gốc cây đa.

Giờ đây con mình đứng ngắm sông lững lờ bên cây đa

Mỗi lần đi ngang chùa, thấy cây đa cao sừng sững nhô lên phía sau lại nhớ đến một thời. Nơi đây đã từng là am, là miếu, là hội quán, rồi thành nhà bảo tàng, thành quán cà phê... và bây giờ là chùa, là hội quán. Thời gian cứ thế xoay vòng...

Sau lưng Phụng Sơn Tự, cây đa vẫn cao sừng sững

Phạm Hoài Nhân
Viết ngày 21/03/2011
Cập nhật ảnh ngày 19/04/2013

3 nhận xét:

  1. Thời gian thấm thoát thoi đưa
    Đời ta thoắt sáng đã trưa rồi chiều
    Gốc đa_May_Chẳng quạnh hiu
    Cha con Hai Ẩu_May_nhiều niềm vui(chung)
    :)

    Trả lờiXóa
  2. bài viết rất hay cho chính những người gốc Biên Hoà chính cống và từng đến quán Cây Đa. Tuy chỉ khái quát vài nét chấm phá về xuất xứ cũng như những thay đổi nhưng bạn Nhân đã cho chúng ta những tư liệu qúy giá...

    Càng đọc trang web này mình càng thấy ...khoai khoái vì phải là một người rất yêu cái tỉnh Đồng Nai nên mới sưu tầm các cảnh vật và ... chụp hình tá lả! Hồi đó mình cũng quá nhiều lang thang nhưng... hổng có máy chụp hình, giờ thì đã là kẻ tha hương nhìn cảnh vật nơi xưa chốn cũ, lòng bỗng ...nao nao (hình như là ...đói bụng) chắc là lại phải ...đứng dậy nấu mì gói nữa quá! :)

    Chợt nhớ mấy câu của nhà thơ Trần thái Vân:

    Chiều nay ra đứng bờ sông lạ
    Sương khói buồn giăng thương nhớ thương
    Đời ta bình thản không gì lạ
    Nhưng cũng nghe đau cuộc đoạn trường

    đối với mình, bờ sông thì không lạ, nhưng cảnh vật thì đã trở thành xa lạ... mình đã mất đi cái quen thuộc, cái chất của người... local, bởi vậy chắc phải áp dụng "chiến thuật" của nhà thơ Tô Thùy Yên:

    "Thôi hãy giữ gìn dòng nước mắt
    Mai sau nhờ đó ... nhận ra nhau
    Sẽ mưa! Trời sẽ mưa châu ngọc
    Ta sẽ về qua bãi lệ rào!"

    Trả lờiXóa
  3. Vật đổi sao dời nhưng cây vẫn đó, sông vẫn đây
    Phạm Hoài Nhân vẫn mơ màng và sâu lắng như thế...

    Trả lờiXóa