11 thg 9, 2013

Sêrêpốk - Dòng sông chảy ngược


Thác Draysap trên dòng sông Srepok - Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Dòng sông, là nơi con nước chảy. Nhưng dòng sông mỗi nơi mỗi khác. Nếu Tiền giang, Hậu giang nơi miền Tây Nam bộ êm ả hiền hòa bồi đắp phù sa thì những dòng sông Tây nguyên như Sêrêpốk, Sêsan luôn gầm rú qua bao thác ghềnh như người Tây nguyên với sức sống cuồn cuộn, mãnh liệt.


Nếu bạn đã một lần đến thành phố Buôn Ma Thuột, ắt hẳn bạn phải đi qua dòng sông Sê-rê-pốk (Srepok), qua chiếc cầu bắc ngang sông để bước vào thành phố. Nếu bạn đã từng đến Buôn Đôn, ngủ đêm trên nhà sàn bên dòng sông Sê-rê-pốk, bạn sẽ nghe tiếng dòng sông ì ầm gầm rú giữa đêm trường như tiếng thét hoang dã của núi rừng Tây nguyên. Nếu bạn đến những ngọn thác nổi tiếng của Ban Mê như Draysap, Krong Ma... bạn sẽ thấy được những kiệt tác hùng vĩ mà dòng sông đã tạo nên trên con đường đi của mình.

Cỡi voi trên sông Sêrêpốk. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Điều đó hoàn toàn khác khi bạn du lịch trên dòng sông Tiền hay sông Hậu. Dòng sông êm ả không hề có thác ghềnh. Bạn sẽ đi trên những con đò nhỏ, len lách qua những con rạch nên thơ rợp bóng dừa nước, nghe văng vẳng đâu đây câu hò hay lời ca vọng cổ....

Du lịch trên sông Tiền - Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Hầu hết các dòng sông ở Việt Nam đều chảy từ Tây sang Đông để đổ ra biển Đông. Thế nhưng Sê-rê-pốk thì không, nó như một con ngựa chứng chảy ngược từ Đông sang Tây, chảy ngược từ Nam lên Bắc. Người ta gọi Sê-rê-pốk là dòng sông chảy ngược. Bắt nguồn từ núi rừng Tây nguyên chảy ngược về hướng Tây Bắc rồi đổ vào Campuchia chứ không đổ ra biển Đông.

Ngược dòng rồi Sê-rê-pốk sẽ chảy đến đâu?

Sê-rê-pốk chảy theo hướng Tây Bắc rồi hướng Tây, đến tỉnh Stung Treng của Campuchia thì nó hòa cùng hai dòng sông khác là Sêkông (bắt nguồn từ bên Lào) và Sê-san (cũng là một dòng sông chảy ngược khác của Việt Nam, bắt nguồn ở Kontum - Pleiku) và đổ vào con sông lớn. Con sông lớn đó chính là... sông Mê-kông.

Dòng sông Mê-kông - đến lượt mình - lại miệt mài chảy theo hướng Đông Nam để quay lại Việt Nam, đổ ra biển Đông bởi hai dòng sông Tiềnsông Hậu.

Như vậy dòng Sê-rê-pốk hung hăng chảy ngược và dòng Tiền giang - Hậu giang hiền hòa chảy xuôi chính là một! Ít nhất là cùng một mẹ Mê-kông!


Sông Srepok ở góc dưới bên phải, không chảy ra biển Đông mà chảy ngược sang Campuchia. rồi lại hòa vào sông Mekong để chảy ra sông Tiền, sông Hậu. 

Bạn có thấy điều này là kỳ diệu không? Nếu có, sao bạn không làm một chuyến phiêu lưu đến miền Tây Nam bộ sông nước hiền hòa, rồi ngược lên Tây Bắc đến Tây nguyên hùng vĩ đại ngàn để tận hưởng sự kỳ diệu đó?


Phạm Hoài Nhân

12 nhận xét:

  1. bác Nhân đi nhiều, biết rộng quá. Thật đáng học hỏi :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có sự giúp đỡ rất lớn của bạn Google đó thôi bố Susu ơi!
      :-)

      Xóa
  2. đã đảo anh Hai nhá, sao lại dùng cái bản đồ có chữ "SOUTH CHINA SEA " ???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haizzzza! Cảm ơn anh Mây đã phát hiện. Đã sửa sai rồi ạ.
      Cái bản đồ này dùng của Wiki mà không chú ý.

      Xóa
  3. Ngược dòng Srepok anh Nhân sẽ gặp sông Krông Nô. Con sông này có nhiều kỷ niệm với tôi. Nếu cứ ngược dòng Krông Nô lên nữa, lên nữa anh sẽ đến một đỉnh núi rất đặc biệt, đó là đỉnh Hòn Giao. Đỉnh núi này là phân thuỷ của 4 dòng chảy lớn: sông Krông Nô chảy qua Campuchia, sông Cái Nha Trang chảy qua Khánh Vĩnh về Nha Trang, sông Cái Phan Rang chảy vể Phan Rang và sông Đa Nhim chảy qua Đơn Dương trước khi đổ vào sông... Đồng Nai chỗ anh ở. Vậy là khi đỉnh Hòn Giao có mưa, nước từ cơn mưa đó có thể đi qua tận Campuchia mà cũng có thể chảy qua cầu Đồng Nai, hay chảy về Phan Rang, Nha Trang không biết chừng.

    Tôi đã lên đỉnh Hòn Giao hồi còn làm ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, từ đỉnh núi này ban đêm có thể thấy ánh đèn của 3 thành phố: Đà Lạt, Nha Trang và Phan Rang.

    Anh Nhân muốn lên đỉnh Hòn Giao không? Bay giờ dễ lắm, từ Nha Trang đi theo đường đèo Khánh Vĩnh, tới đỉnh đèo có một trạm kiểm lâm. Đỉnh Hòn Giao nằm ngay sau trạm, ở toạ độ 12°12'45" Bắc, 108°43'7" Đông. Leo lên đỉnh núi mà ngẫm về hạt mưa không biết sẽ đi về đâu nhé :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thông tin cực kỳ lý thú (và quyến rũ) anh Chí à. Vậy đỉnh Hòn Giao thuộc Nha Trang hay Phan Rang hả anh?
      Tôi đã từng lang thang bên dòng sông Krông Nô ở địa phận huyện Cư Jứt (trước thuộc Dak Lak, nay thuộc Dak Nông), mà không ngờ rằng nó bắt nguòn từ Hòn Giao đấy!

      Xóa
  4. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Đỉnh Hòn Giao nằm ngay trên ranh giới hai tỉnh Khánh Hoà và Lâm Đồng anh Nhân ạ.

    Trả lờiXóa
  6. Nơi khởi phát bốn dòng sông

    Hồi còn nhỏ, nhà tôi ở gần Nha Địa dư Quốc gia Đà Lạt, có mấy chú bạn ba tôi làm trong đó, thường cho tôi vào chơi xem công nghệ làm bản đồ. Có một cái máy rất li kì, người ta đặt các hình không ảnh chụp một vùng đất từ hai góc khác nhau lên rồi nhìn qua một cái kính đặc biệt sẽ thấy hình ảnh 3 chiều của vùng đất. Họ dùng một thiết bị trông như một cái đĩa gắn trên một cái bệ có thể chỉnh độ cao, tại trung tâm đĩa là một đốm sáng đỏ và dưới chân bệ là một cây bút. Nhìn qua kính nổi 3 chiều rồi "rà" cái đĩa sao cho đốm sáng luôn tiếp xúc với bề mặt hình ảnh nổi, người ta điều khiển cây bút vẽ ra các "đường đồng mức" trên bản đồ, từ đó lập ra các bản đồ địa hình dùng trong quân sự. Hồi đó, Nha ĐDQG sản xuất 2 loại bản đồ: Bản đồ không ảnh tỉ lệ 1:25000 chạy đường đồng mức khoảng cách 25m chênh cao, và bản đồ 1:50000 khoảng cách đường đồng mức 5m. Loại thứ nhất nhìn dễ hơn vì dùng không ảnh, thấy rõ từng bụi cây, hòn đá... nhưng không nhìn rõ địa hình 3 chiều, vì những ngọn đồi thấp hơn 25 m thì không vẽ được đường đồng mức. Loại thứ hai nhỏ hơn nhưng thấy rõ địa hình 3 chiều. Tôi được dạy cách đọc bản đồ địa hình từ nhỏ, lại thấy tận mắt người ta làm bản đồ ra sao nên rất thích thú với những tấm bản đồ này.

    Năm 1977, tôi làm phòng kế hoạch của huyện Lạc Dương, một huyện miền núi toàn người dân tộc ít người, rừng rú phủ gần hết diện tích. Lúc bấy giờ, phòng kế hoạch tham gia làm đủ chuyện trong huyện, mà một trong những việc chính là định canh định cư, xây dựng đồng ruộng và thuỷ lợi. Tôi được dịp trổ tài, làm guru về bản đồ, và tất nhiên là chuyên dẫn anh em lội rừng. Bấy giờ, tôi được cấp một tấm bản đồ loại "phối hợp hành quân" bao trùm cả vùng 2 chiến thuật. Bản đồ phối hợp hành quân là bản đồ tì lệ 1:100000 thu nhỏ và ghép từ bản đồ 1:50000, tuy chi tiết nhỏ lí rí nhưng bao quát cả vùng rộng nhiều tỉnh, trong chiến tranh nó được dùng ở các bộ tham mưu chứ không dùng ngoài chiến trường, vì vậy ít có người nào được nhìn thấy nó. Vì nhiệm vụ làm tham mưu về thuỷ lợi, cộng thêm tật mê bản đồ từ nhỏ, từ lúc vớ được tấm bản đồ cực hiếm này, tôi chúi mũi vào nó cả ngày và dần dà hình dung được nhiều điều mình chưa biết về địa lý vùng Nam Tây Nguyên.

    Một trong những việc tôi phải làm khi đó là nghiên cứu cả trên bản đồ và ngoài thực địa những dòng chảy trên địa bàn huyện tôi. Tôi từng đi ngược dòng Krông Nô từ Đạ M'rong lên tới gần nguồn của nó, nhưng không đến tận nguồn được vì vùng đó bấy giờ chính là "trung ương" của lực lương Fulro. Bây giờ nhớ lại, nghĩ mình cũng gan cùng mình, hai ba tên ba lô trên vai, với tấm bản đồ và la bàn, một hai khẩu súng "dân sự" (súng ống của tụi tôi hồi đó là súng của VNCH, M16 hoặc carbine M1, có khi còn cổ hơn: tiểu liên Thomson thời thế chiến 2, với rất ít đạn), vậy mà lội nát hết cả ngóc ngách rừng núi Nam Tây Nguyên này.

    Không đến được bằng cách đi dọc sông, tôi vẫn muốn tìm đường khác để đến cho được ngọn nguồn Krong Nô, cái con sông "chảy ngược về tây" ấy. Cứ như một ám ảnh vậy, biết một con sông là tôi luôn tìm cách lần ra nguồn xa nhất của nó. Lúc bé, tôi cứ tửng nguồn của các con sông là to lớn lắm, khi đã đến nơi nhìn tận mắt mới biết ngọn nguồn của mọi dòng sông dù là sông lớn cỡ nào thì củng chỉ là những dòng chảy nhỏ xíu có thể bước qua được, hoặc là những bãi đất ẩm sình lầy mà thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Một lần, chúng tôi đi khảo sát vùng Kil Plagnol trên thượng nguồn sông Đa Nhim, khi đến buôn Klong Lanh, buôn làng xa nhất của người Cil, trời mới gần trưa. Tôi bảo mấy người cùng đi:

    -Mình đừng vào buôn vội, cứ đi thêm một quãng nữa, tao chỉ cho tụi mày một thứ tuyệt vời.
    -Cái gì tuyệt vời vậy?
    -Cứ đi rồi sẽ biết, đã vào tới đây thì không thể bỏ qua được.

    "Một quãng" của tôi khá dài, thêm nữa, đường mòn ngày càng nhỏ hẹp, trơn trợt và rất nhiều dốc. Thêm mấy tiếng lội rừng nữa, leo lên một đỉnh dốc cao chót vót, tầm mắt bỗng dưng mở rộng, nhìn xuống được tận đồng bằng xa xa nếu trời không vần vũ chuẩn bị đổ mưa. Tôi nói:

    -Ở đây rồi nè.
    -Tới rồi sao? Đâu, cái "tuyệt vời" đâu?
    -Một lát nữa chắc sẽ mưa, bọn mày biết không, nước từ cơn mưa này có thể chảy xuống suối Klong Lanh về đập Đa Nhim rồi xa hơn là tới tận Đồng Nai, Gò Công, cũng có thể chảy ra Nha Trang theo sông Cái dưới kia, hay chảy về sông Cái Phan Rang theo hướng này, mà cũng có thể chảy hướng này xuống Krông Nô, qua Đạ M'rong, ra sông Srêpôk tới tận Campuchia rồi đổ vào sông Mê Kông. Chỗ mình đứng đây là nguồn của 4 con sông chảy ra bốn hướng.
    -Vậy còn cái "tuyệt vời" ông nói là cái gì?
    -Đứng ở nguồn của 4 con sông lớn mà không tuyệt sao?
    -Trời ơi là trời, tụi tui tưởng trong này có nấm linh chi hay trầm hương gì đó mới theo ông lội từ trưa tới giờ. Chỉ có vậy mà ông bắt tụi tui lội cả 15 cây số đường rừng hả?
    -Trầm hương, linh chi hả? Xin lỗi, hổng có, thôi mặc áo mưa rồi lội ra Klong Lanh cho lẹ, tối rồi mấy chú.

    Trả lờiXóa
  8. -À mà này, giờ này biết có lội ra được Klong Lanh trước khi tối trời hông? Hay mình cắm trại ở đây. Đêm nay tao sẽ chỉ cho tụi mày ánh đèn của 3 thành phố Đà Lạt, Phan Rang và Nha Trang.
    -Thôi thôi thôi thôi thôi thôi tụi con lạy ông, ông muốn coi gì thì ông ở một mình lại đây, tụi con về. Đ.M. lần sau cha khùng này rủ đi đâu tụi mày cẩn thận nha. Khùng hết chỗ nói.

    Trả lờiXóa