9 thg 3, 2012

Ngôn ngữ ăn uống

Buổi sáng, có một người quen ghé thăm bạn và gọi: Phê?

Bạn sẽ có thừa kinh nghiệm để biết rằng người ấy muốn nói: Đi uống cà phê không?

Vô quán (ở đây cũng cần nói thêm, quán ấy ngoài cà phê còn bán hàng chục, hàng trăm thức uống khác, nhưng ta không kêu là quán giải khát mà cứ kêu là quán cà phê), để kêu một ly cà phê đen, bạn chỉ cần nói gọn lỏn là: Đen. Còn muốn uống cà phê đá thì kêu: Đá!

Ấy là ta nói ở trong Nam, chứ từ miền Trung trở ra Bắc thì khi ta gọi Đen, quán sẽ chưa chịu hiểu mà sẽ hỏi thêm: Đen nóng hay Đen đá? Ý là hỏi: Cà phê đen nóng hay cà phê đen đá?

Tui chợt nghĩ đến chuyện này khi hôm qua có một anh bạn từ Hà Nội vô, đi uống cà phê, ảnh kêu: Đen đá! mà cô tiếp viên ở quán ngơ ngác không biết ảnh muốn uống cái gì, đen hay là đá.

Sẵn đây xin kể vài chuyện ngồ ngộ trong chuyện gọi ăn - gọi uống ở các nơi trong nước.

.
Ăn sáng trên chợ nổi Cái Răng

Một lần, đi Phan Rang, buổi trưa đói bụng tui lang thang đi tìm chỗ ăn. Thấy một quán ăn để bảng có món Mì tôm thịt. Tưởng tượng đến dĩa mì xào với tôm và thịt, tui càng thấy thèm ăn và vội vã bước vào: Cho một phần mì tôm thịt!

Quán bưng ra một tô mì gói, có cho thêm vài lát thịt mỏng. Tui chưng hửng, hỏi: Tôm đâu?

Anh phục vụ cũng tỏ vẻ ngạc nhiên, trả lời: Dạ mì tôm đây, và thịt đây!

Té ra ở đây người ta gọi mì gói là mì tôm (cho dù nó có thể là mì gà, hay mì gì khác), và mì tôm thịt nghĩa là một gói mì ăn liền bỏ thêm vài lát thịt chứ không phải là mì xào với tôm và thịt như ta vẫn hiểu.
...
 
Tui đi uống cà phê với bạn trên đường Lý Thái Tổ ở Hà Nội. Tui uống cà phê sữa (à, ở đây gọi là nâu, chứ không gọi là cà phê sữa).

Sữa hơi đặc, tui gọi: Cho xin tí nước sôi!

Bạn tui che miệng cười, nói: Anh gọi thế sai rồi, phải gọi khác cơ!

Tui ngạc nhiên, không biết sai cái gì. Lát sau, tiếp viên bưng một ly nước nguội ngắt.

Bạn tui giải thích: Đấy, đấy là nước đun sôi để nguội. Còn nếu anh muốn xin thêm nước để pha loãng cà phê sữa thì phải gọi là Cho xin tí nước nóng!
...
 
Chiều tối, tui lỡ đường ở một tỉnh miền Tây. Đói, tui vào một quán nhỏ bên đường kiếm cơm ăn. Hỏi chủ quán còn gì ăn không, anh ta trả lời: Còn cơm gan hà! Anh Hai ăn dĩa cơm gan nhe!

Ừ, thì gan lòng xào gì cũng được, đói quá rồi mà.

Chủ quán bưng ra một dĩa cơm chiên. Tui ngơ ngác hỏi: Gan đâu?

Chủ quán cũng ngơ ngác trả lời: Thì "cơm gang" nè!

Té ra ở đây người ta gọi cơm chiên là cơm rang, và tiếng địa phương đọc r thành g nên nó biến thành cơm gang!



Ăn bánh canh ở Tịnh Biên, An Giang
...
Một lần, tui có ông bạn người Pháp đến Biên Hòa chơi. Dắt hắn ta đi nhà hàng sang trọng, ăn món ăn Tây thì xoàng quá, cho nên tui dắt hắn đến chỗ đặc sản (khá nổi tiếng) của Biên Hòa là Lẩu tôm Năm Ri.

Ngồi chờ món ăn, gã Tây này nhìn lom lom lên bảng thực đơn treo trên tường. Hắn ngó vậy thôi chớ đâu có biết đọc tiếng Việt. Bỗng nhiên hắn chỉ vô tên món ăn Tôm ram bơ và hỏi đó là món gì.

Tui giải thích xong, hắn mới à ra hiểu, và nói với tui rằng hắn tưởng đó là món thịt của con mèo bự.

Hắn hiểu như vầy: Tom là con mèo (trong phim hoạt hình Tom & Jerry đó mà), còn ram bơ thì hắn đọc thành Rambo (người hùng cơ bắp trong phim hành động Mỹ), vậy Tom Rambo chính là con mèo bự!
...

Chuyện gọi thức ăn, thức uống coi vậy mà cũng rắc rối ghê, phải hông quý vị?


Phạm Hoài Nhân

6 nhận xét:

  1. Bác tới Phan Rang nắng gió rùi à :)

    Trả lờiXóa
  2. Ồ, xứ ấy quả đúng tên gọi là "nắng gió". Nắng chang chang. Gió thì khủng khiếp, ngồi trong quán mà gió bay cả ly, chén - còn đứng ở tháp Chàm thì gió muốn bay cà... người!
    :-)

    Trả lờiXóa
  3. Hô Hô. nét riêng của quê!Cái đó làm cho ng đi xa (quê) nhớ (hay ám ảnh?!!) @@

    Trả lờiXóa
  4. @Phạm Hoài Nhân: Phan Rang có cái nắng, có cái gió... có cái đó đó hông?

    Trả lờiXóa