Thuở xưa, đây đúng là vùng cấm, không ai được phép lên núi, nhưng giờ đây núi Cấm là khu du lịch sinh thái và tâm linh tuyệt vời. Ở độ cao trên 700 met, nơi đây lành lạnh như Đà Lạt. Có chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh tấp nập khách hành hương. Có tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á. Và có... bánh xèo.
Bánh xèo núi Cấm là món ăn nổi tiếng của An Giang. Bánh xèo có bán từ dưới chân núi Cấm lên đến trên núi. Nhưng đã tới núi Cấm thì lên tuốt trên núi ăn mới sướng!
Thành thật mà nói, bánh xèo núi Cấm tuy có ngon nhưng chưa chắc ngon bằng bánh xèo Mười Xiềm ở Cần Thơ (mà giờ đã có chi nhánh ở Sài Gòn), cũng chưa chắc ngon bằng bánh xèo Ăn là Ghiền. Thế nhưng bánh xèo núi Cấm có một thứ độc đáo nơi khác không có được. Đó là rau rừng!
Hàng chục thứ rau rừng được hái từ trong rừng trên núi tạo nên một sự khác biệt hấp dẫn về mùi vị cho món bánh xèo.
Trên đỉnh núi cao, tiết trời se lạnh, giữa một không gian thấm đẫm những huyền thoại, ta ăn rau rừng cùng với bánh xèo có cảm giác chất men rừng núi thâm u ấy ngấm vào người. Thế cho nên nó ngon và say đắm lạ lùng!
Vậy ra đi gần 300 cây số từ Sài Gòn tới núi Cấm, rồi lên 700 met cao chỉ để... ăn bánh xèo vậy thôi đó hả?
Đâu có! Cái chính là đi tham quan núi Cấm ấy chứ. Nơi đó có biết bao thứ hấp dẫn mà một bài ngắn ngắn như vầy đâu có kể hết được. Chỉ xin nhắc thôi, rằng nếu đã lên tới núi Cấm thì đừng quên ăn bánh xèo. Đủ cả, bánh xèo chay, bánh xèo mặn, tép rang, thịt ba rọi, giá sống, măng tươi... Thích gì có nấy á!
Rong chơi ở núi Cấm
Dưới chân tượng Phật Di Lặc
Ngóc mỏ chờ dọn bánh xèo ra ăn
Ăn xong rồi, hoan hỉ cùng cười với Phật Di Lặc.
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét