17 thg 2, 2014

Chưa đi chưa biết đền Trần

Tôi sống ở miền Nam, nghe nói đến đền Trần nhiều nhất là dịp khai ấn. Năm nào cũng vậy, đến dịp khai ấn đền Trần vào đầu năm là báo chi đua nhau đưa tin người người chen lấn, dẫm đạp để dự lễ. 


Chen lấn trong lễ hội khai ấn đền Trần năm 2014. Ảnh: báo Thanh niên online

Với những hình ảnh như thế này, cộng với kinh nghiệm thực tế của mình ở các lễ hội miền Nam, tôi dễ dàng hình dung đền Trần giống như miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, hay chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương.

Thế nhưng đến Nam Định viếng đền Trần, mới thấy mình hiểu sai nhiều quá!


1. Đền Trần không chỉ là một ngôi đền mà là cả một quần thể di tích lịch sử.

Nơi được gọi chung là khu di tích lịch sử đền Trần gồm 3 ngôi đền ở cạnh nhau:
  • Đền Thiên Trường (là ngôi đền chính, còn gọi là đền Thượng) được xây dựng trên nền ngôi thái miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần xưa.
  • Đền Cố Trạch là nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
  • Đền Trùng Hoa được xây trên nền cung Trùng Hoa xưa, là nơi các vua Trần về để tham vấn các vị thái thượng hoàng

Cổng chính vào đền Trần

Đền Trùng Hoa

Cách nơi này khoảng 3 km là đền Bảo Lộc. Nơi này ngày xưa là thái ấp của Trần Liễu, thân sinh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đây cũng là nơi Hưng Đạo Vương ra đời, nay là đền thờ ông cùng các anh em, tướng sĩ.

Đền Bảo Lộc

Quanh khu vực di tích hầu như tất cả các con đường đều mang tên vua chúa, tôn thất nhà Trần, từ những tên đường quen thuộc giống mọi nơi trên cả nước như: Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông... cho đến những tên chỉ có ở nơi này như Trần Thừa, Trần Thủ Độ...

2. Đền Trần không chỉ là nơi thờ cúng thiêng liêng mà còn là nơi vãn cảnh tuyệt vời

Tôi đến đền Trần không phải ngày hội nên không bị ngợp trong biển người, và cảm nhận rằng nơi đây phong cảnh rất đẹp, với cây xanh, hồ nước yên tĩnh. Người bạn Nam Định đưa tôi đi kể rằng thuở còn là học sinh thường ra đây học bài, thư giãn....




3. Đền Trần không chỉ là nơi thờ các vua nhà Trần mà còn là nơi diễn xướng hầu đồng và hát chầu văn.

Hưng Đạo Vương đã đi vào lịch sử và lòng dân Việt Nam như một vị thánh (Đức Thánh Trần). Trong tín ngưỡng dân gian, bên cạnh Mẫu trong đạo Mẫu - ông được gọi là Đức Thánh Cha. Nghi thức hầu đồng và hát chầu văn đi liền với tín ngưỡng này, do đó tại các đền Trần thường diễn ra hầu đồng và hát chầu văn.

Tôi may mắn chứng kiến buổi hầu đồng ở đền Bảo Lộc (điều lạ kỳ là trong đền cùng một lúc ờ 2 ban thờ khác nhau lại có 2 ban hầu đồng cùng diễn xướng với tiếng nhạc át lẫn nhau, nơi nào cũng đông nghẹt người).

Bà đồng mặc áo trắng hồng, phủ khăn trắng

Bà đồng mặc áo lục, phủ khăn lục

4. Hầu đồng và hát chầu văn không phải là "mê tín - đồng bóng" bị chê trách mà là một loại hình nghệ thuật đặc sắc.

Nói đến hầu đồng - hát chầu văn ta thường nghĩ tới đồng bóng. Nhưng bạn tin tôi đi, đến đền Trần xem diễn xướng hầu đồng bạn sẽ có một cảm giác rất thiêng, rất lạ (dù vẫn có chút gờn gợn nếu không quen với nghi lễ này). Còn hát chầu văn? Trời, bạn nghe Mỹ Linh hát Trên đỉnh Phù Vân phê như thế nào thì nghe cung văn (nghệ nhân hát chầu văn) hát như thế đấy bạn ạ! 

Một nghệ nhân hát chầu văn ở đền Trần

Người xưa nói Đi một ngày đàng học một sàng khôn, thời gian tôi viếng thăm khu di tích đền Trần chỉ được nửa buổi, nên chỉ học được... một phần tư sàng. Tôi bê 1/4 sàng đó lên đây để trình với các bạn. Bạn nào chưa đi chưa biết đền Trần thì hy vọng biết thêm một chút, bạn nào biết rành rồi làm ơn chỉ giáo, bổ sung cho tôi vậy.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét