Gừa (tên khoa học là Ficus Microcarpa) là một loài cây mọc hoang dọc bờ sông, suối, kênh rạch ở các tỉnh phía Nam (nhiều nơi có địa danh rạch Gừa, như ở Cần Thơ, Bến Tre, Bạc Liêu...). Đây là loài có thân gỗ, cao 15-20 m, có rễ phụ mọc ra từ thân và các cành trên cao. Các rễ này mọc dài ra, đâm xuống đất để hút nước và chất dinh dưỡng nuôi cây. Sau khi tiếp đất, các rễ phụ ngày càng to ra, trông như các khúc thân chống xuống đất làm cho cây thêm vững chắc.
Có một cây gừa vừa được phong cây di sản quốc gia vào tháng 6/2013 (cây di sản quốc gia đầu tiên ở miền Nam). Đó là cây gừa ở ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.
Ở một ấp nhỏ miền quê, đường đến đây qua các lối mòn quanh co rộng khoảng 1 met (chỉ có thể đi bằng xe máy, không đi xe hơi được). Thú thiệt là sau khi được anh Lâm văn Sơn là thổ địa ở đây dắt đi thì giờ này tui cũng chịu không nhớ nổi đường tới đó đi như thế nào.
Khu di tích Giàn Gừa còn là nơi có Miếu Bà Thượng Động Cố Hỉ, người dân các nơi thường tới đây cúng bái.
Qua những con đường nhỏ xíu đó, tới nơi, gặp cây gừa thì thiệt là... khủng hoảng! Cái cây này phủ rộng ra một diện tích đến 3.000 m2! Ừ, ba công đất, chỉ với một gốc cây thôi đó các bạn. Cũng bởi vậy, người ta không kêu nó là cây gừa, mà kêu là giàn gừa.
Vì diện tích bao phủ của giàn gừa quá lớn nên không thể chụp ảnh để thấy được sự hoành tráng của nó, ngay cả với ảnh panorama như thế này cũng chưa thấy được hết sự... khủng hoảng! Click vào hình để xem to hơn.
Bia cây Di sản Việt Nam
Chỉ từ một gốc cây chính thôi, cây gừa này đã tỏa ra không biết bao nhiêu cành, nhánh, rể phụ khiến ta bước vào đó như vào một mê cung, chẳng biết đâu là đầu, đâu là cuối.
Bảng ở đây ghi diện tích bao phủ của giàn gừa là 2740 m2. Tuy nhiên theo ước lượng của người dân ở đây, đến nay diện tích phủ có thể lên đến 4.000 m2, tương đương với một công viên nhỏ. Bạn có thể tới đây thư giãn, hóng mát, hoặc... làm thơ!
Không ai biết chính xác Giàn Gừa có từ bao giờ. Các nhà chuyên môn ước đoán cây này đến nay đã thọ khoảng 160 năm. Truyền thuyết nói rằng vị thần cai quản nơi giàn gừa này là Bà Thượng Động Cố Hỉ, hàng năm lễ cúng Bà diễn ra ngày 28 tháng Hai âm lịch.
Người dân đang cúng kiến, khấn vái ở miếu nhỏ thờ Bà Thượng Động Cố Hỉ.
Khu di tích Giàn Gừa cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 10 km, đường khó đi và chỉ có thể đến bằng xe máy. Thế nhưng đây quả là một cái cây kỳ vĩ mà bạn không nên bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng. Đi len lỏi qua những con đường nhỏ quanh co ở miền Tây đã là một cái thú, đến nơi đây hóng mát thật là tuyệt (có cái cây nào có tán rộng 3.000 m2 cho bạn hóng mát như vậy đâu?), và biết đâu bạn lại nổi hứng làm thơ nữa đó!
Phạm Hoài Nhân
Ảnh: Phạm Hoài Nhân, Phạm Đắc Nhân
Hay va la thiet do' anh a`. Cam on anh da chup hinh va viet bai nha.
Trả lờiXóawow, có dịp chắc em cũng phải ghé đến đây xem sao :)
Trả lờiXóa