8 thg 2, 2014

Nơi tu tiên ở Cần Thơ

Đạo Cao Đài được thành lập năm 1926, nhưng trước đó vào năm 1920 trong một lần cầu cơ ông Ngô văn Chiêu đã gặp Cao Đài tiên ông. Từ thời điểm đó, ông Ngô văn Chiêu và nhóm bạn đã hình thành nhóm tu, dù chưa hình thành tư tưởng tôn giáo chính thức.

Thật bất ngờ, 13 năm trước khi ông Ngô văn Chiêu cầu cơ gặp Đức Cao Đài Tiên Ông, năm 1907 bên rạch Cái Khế, Cần Thơ đã có một đàn cơ cầu Tiên Phật. Phật dạy nghi thức thờ cúng, cho pháp danh các đạo hữu và từ đó lập nên chùa Quang Xuân. 4 năm sau, ngày 25 tháng 10 năm Tân Hợi 1911, đàn cơ đầu tiên lập nên phái Tiên Đàn được tổ chức tại chùa Quang Xuân, thần cơ giáng đàn đã ban kinh Phật làm nền tảng tu tiên cho phái.

Như vậy, phái Đàn Tiên Cái Khế đã tổ chức đàn cơ cầu tiên (gọi là đàn tiên) trước cả đạo Cao Đài. Thế nhưng thay vì phát triển thành một tôn giáo riêng như Cao Đài thì Đàn Tiên Cái Khế vẫn là một ngôi chùa theo Phật giáo, cho đến tận ngày nay.

Hiện nay Đàn Tiên Cái Khế vẫn còn, đặt tại chùa Hiệp Minh, cách chùa cũ Quang Xuân không xa. Chùa tọa lạc tại 97 Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, trong chợ An Nghiệp (tên xưa là chợ Mít Nài).

Bàn Tiên trưởng trong chùa Hiệp Minh

Trong sách Danh thắng miền Nam, nhà văn Sơn Nam đã nhắc tới Đàn Tiên như sau: “Hồi những năm đầu của thế kỷ này (thế kỷ XX) Cần Thơ là nơi nổi danh với đạo tu tiên, cụ thể là việc cầu cơ. Thí dụ như đình Bình Thủy thờ ông Đinh Công Chánh, còn Đàn Tiên Cái Khế thì thỉnh mời chư Tiên về cho thi phú…”

Non bộ trong chùa

Dù chùa Hiệp Minh vẫn chịu sự quản lý của Giáo hội Phật giáo TP Cần Thơ, nhưng những quy cách hoạt động của chùa mang một nét riêng, khác hẳn những ngôi chùa khác.

Đây là ông Nguyễn văn Chiểu, người trụ trì chùa. Mặc dù là "nhà sư trụ trì" nhưng ông Chiểu không hề cạo đầu, và vẫn mặc áo sơ mi, quần tây khi tiếp khách ở chùa.


Đây là Ngọc Cơ, vật thiêng dùng để cầu cơ

Về danh xưng, chùa cũng không gọi người trụ trì là sư trụ trì, mà gọi là trưởng ban hộ tự.

Đạo phục của phật tử cũng không giống các chùa khác, mà có nét tương tự như đạo phục của Cao Đài.

Ảnh: Lâm văn Sơn

Ban thờ ở chùa cũng thờ Phật như các chùa khác

Cảnh trí chùa Hiệp Minh hòa quyện giữa thiên nhiên và tôn giáo, phảng phất nét thần tiên, là một chốn viếng thăm rất nên thơ. (Xem thêm ở đây: Khám phá di tích Đàn Tiên)

Là một ngôi chùa cổ kính, và có lẽ là có một không hai ở Việt Nam, chùa Hiệp Minh - hay Đàn Tiên Cái Khế là nơi đáng để chúng ta viếng thăm để khám phá những điều lạ, và để lòng lắng đọng hướng về Phật pháp.


Phạm Hoài Nhân
(Tư liệu từ sách Lược sử chùa Hiệp Minh và lời kể của anh Lâm văn Sơn. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, Phạm Đắc Nhân)

4 nhận xét:

  1. Tui ghét cái từ tắt DANH THẮNG ghê nơi, nhưng biết sao giờ. Vì chú Sơn Nam có ghi rõ là DANH LAM THẮNG CẢNH cũng bị xén hà!

    Trả lờiXóa
  2. Mấy cha nội bây giờ hay ghép các từ lại với nhau một cách vô tội vạ mà ko cần biết là khi ghép lại chúng có nghĩa như thế nào. Nhiều câu từ khi ghép lại chẳng những vô nghĩa mà còn vô duyên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì cũng như Giao nhận hàng hóa - Hợp tác kinh doanh thì gọi tắt là Giao Hợp, Dịch vụ Vật tư gọi là Dịch vật vậy mà! :-D

      Xóa