18 thg 10, 2013

Biển đen vẫn đen, người đi sao đành?

Mười năm trước, tôi đến bãi biển Thừa Đức thuộc huyện Bình Đại, Bến Tre với sự tò mò muốn biết biển miền Tây khác biển Vũng Tàu và biển miền Trung thế nào. Đường đi không xa lắm (hơn 130 km nếu xuất phát từ TPHCM, hơn 160 km nếu xuất phát từ Biên Hòa) nhưng cực kỳ khó đi và mất thời gian. Hồi đó chưa có cầu Rạch Miễu, qua phà Rạch Miễu lâu lắc lâu lơ. Qua đến thị xã Bến Tre (hồi đó chưa là thành phố) đường từ đó về Bình Đại nhỏ và xấu, rất khó đi. Còn từ trung tâm huyện Bình Đại ra đến xã Thừa Đức - nơi có bãi biển - lại càng khó đi hơn nữa, đến mức có thể gọi là không có đường cũng được.

Và đến nơi, thật thất vọng. Biển đen ngòm như thế này:



Tiếc công ra tới biển, nên Bùm (lúc đó 9 tuổi) tranh thủ tắm. Có lẽ các bạn dễ cảm nhận được tắm trong nước biển đục ngầu như thế này thì kém hứng thú biết bao!


Còn về tiện nghi và dịch vụ, cũng rất thất vọng. Cả bãi biển chỉ có một hai cái chòi lá đơn sơ. Không hề có chỗ tắm nước ngọt! (tôi nghĩ chắc mọi người ra đây không ai tắm biển nên họ không có dịch vụ tắm nước ngọt!). Tắm biển xong, muốn tắm nước ngọt lại phải tắm nhờ ở nhà dân. Bạn hãy nhìn trong hình dưới đây, tắm nước bùn mặn xong phải đi bộ ra nhà dân ở tuốt đằng xa kia để xin tắm nước ngọt!


Tháng 10/2013, tôi trở lại Thừa Đức...

Từ Sài Gòn đến Mỹ Tho đã có cao tốc Sài Gòn - Trung Lương. Từ Mỹ Tho qua Bến Tre đã có cầu Rạch Miễu. Và từ Bến Tre đến Bình Đại đã có đường nhựa thoáng rộng, có hàng chục chiếc cầu mới xây. Đường đến Thừa Đức còn một đoạn khó đi, nhưng đó là đoạn đường đang thi công, có lẽ chừng vài tháng nữa là hoàn thành. Khi ấy về mặt giao thông đường từ Sài Gòn đến bãi biển Thừa Đức hoàn toàn thuận tiện.

Sát bãi biển, hội Người Cao tuổi đã trồng một rừng dương . Xe hơi có thể vào tận đây và đậu trong bóng mát hàng dương.

Vậy còn biển thì sao? Biển miền Tây muôn dời vẫn là biển phù sa, nước biển vẫn đục ngầu và bãi biển đầy bùn chớ không phải bãi cát vàng óng ánh!


Đã có nhiều chòi hơn, nhưng vẫn chỉ là những chòi lá đơn sơ. Cột bằng thân cây mắm, lợp lá dừa. Che nắng được nhưng chắc là không che được mưa. May mà lúc tôi đến đây trời không mưa!


Một cải tiến vượt bậc là trong chòi có rất nhiều võng để du khách ngã lưng hóng gió biển


Chúng tôi đến không phải một chiều cuối tuần nên bãi biển rất vắng. Ngoài chúng tôi thì chỉ còn một đoàn khác khoảng 4, 5 người. Không ai tắm biển cả, họa chăng là bước ra bãi biển để lội bùn như thế này mà thôi!


À, nhà tắm nước ngọt vẫn chưa có, chỉ có toilet đơn sơ che quanh bằng lá dừa. Tôi không tắm biển nên cũng quên không hỏi nếu muốn tắm nước ngọt thì tắm ở đâu!

Phải thừa nhận những nỗ lực rất lớn của tỉnh Bến Tre với mong muốn biến nơi này thành một khu du lịch sinh thái biển, trong đó phần hạ tầng cơ sở đã đầu tư rất nhiều. Cả người dân địa phương cũng đã có những cải tiến cho dịch vụ của mình. Nghe đâu đã có nhà đầu tư sẽ xây dựng khu resort ở đây nữa. Nhưng e rằng như thế chưa đủ!

Bạn có thể đến đây hưởng làn gió biển trong lành, thưởng thức hải sản ngon, rẻ và trên đường đi ngắm những cảnh quan đặc biệt của vùng nước ngập mặn ven biển với rừng đước, rừng sú, mắm... nhưng nếu bạn muốn vẫy vùng trên sóng nước thì chắc là sẽ thất vọng.

Hợp lý hơn, nên kết hợp tour du lịch thăm biển miền Tây với tham quan sân chim Vàm Hồ (trên đường đi đến biển), và thăm mộ cụ Đồ Chiểu (đi thêm về hướng Ba Tri).


Nhìn cảnh biển vắng vẻ, người bạn đi cùng tôi ngâm nga bài Biển cạnNgày xưa biển xanh không như bây giờ biển là hoang vắng

Tôi nói: Biển này xanh hồi nào? Từ xưa tới giờ biển đen vẫn đen mà! Thôi, đi về đi!

Chợt nghe vẳng từ xa tiếng sóng biển rì rào như níu kéo: Biển đen vẫn đen, người đi sao đành?

Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét:

  1. e cũng đến đây 1 lần nhưng cũng trên chục năm rồi, vẫn chưa có dịp ghé lại :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. và vì chẳng hấp dẫn, nên hơn 10 năm rồi Bố Susu không quay trở lại? :-)

      Xóa