10 thg 10, 2013

Trường Dục Thanh

Đa số các tour du lịch đến Phan Thiết đều có ghé thăm trường Dục Thanh, với lời giới thiệu: đây là nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành - tức chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ - đã từng dạy học. Tôi cũng đã đến nơi này trong tình huống như thế, và đến rồi cứ băn khoăn mãi thôi.

Vì sao băn khoăn? Ta hãy tìm hiểu về trường Dục Thanh và thời gian Nguyễn Tất Thành ở đó nhé.

Cổng trường Dục Thanh. Ảnh: Wikipedia

Đầu thế kỷ 20, Bình Thuận là nơi hội tụ nhiều sĩ phu yêu nước, nên vào năm 1905, khi Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp ghé qua Bình Thuận trong một chuyến Nam du, thì hạt giống Duy Tân mọc rễ ở đây.

Với sự giới thiệu của Trương Gia Mô, ba cụ đã gặp các ông Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh (là hai con trai nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông), Hồ Tá Bang và truyền bá tư tưởng Duy Tân của mình. Với sự góp mặt thêm của các ông Ngô Văn Nhượng, Nguyễn Hiệt Chi,Trần Lệ Chất, sáu ông đứng ra sáng lập ra 3 tổ chức với các nhiệm vụ chính trị - văn hoá - kinh tế gắn liền nhau, tương ứng với cương lĩnh hành động 3 điểm "Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh" của phong trào Duy Tân hồi bấy giờ:

  • Dục Thanh Học Hiệu: mở trường dạy cho con em người yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước và tiến bộ, được thành lập năm1907.
  • Liên Thành Thư Xã: truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước, được thành lập năm 1905.
  • Liên Thành Thương Quán: làm kinh tế gây quỹ hoạt động, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhân dân, được thành lập năm 1906.
Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 (cùng năm xây dựng với trường Đông Kinh Nghĩa Thục) ngay trên đất nhà thờ họ Nguyễn ở làng Thành Đức. Cấu trúc chính của trường gồm 2 nhà lớn bằng gỗ dùng làm phòng học, một ngôi nhà lầu nhỏ - Ngoạ Du Sào - là nơi bàn việc, tiếp khách quý, luận đàm văn thơ và nhà Ngự làm nơi ở chung của các thầy và trò xa nhà.

Kinh phí hoạt động của trường nhờ vào 2 nguồn: huê lợi từ 10 mẫu nhất đẳng điền do ông Huỳnh Văn Ðẩu - một phú gia có lòng ái quốc ở địa phương - hiến cho và tài trợ của Liên Thành Thương Quán. Nhờ đó học sinh ăn học không phải trả tiền, thầy giáo chỉ nhận trợ cấp mà không hưởng lương.

Trường do ông Nguyễn Quý Anh làm Giám Hiệu, với hai giảng viên chính là Nguyễn Hiệt Chi và Trần Đình Phiên. Trường có 4 lớp học, số học sinh lúc cao nhất vào khoảng 100 học sinh, từ Sài Gòn ra, từ Đà Nẵng, Hội An vào, và nhiều nơi khác ở Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ, do nhiều bà con của các thân sỹ gửi gắm trọ học. Chương trình dạy của trường do Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội biên khảo, chú giải, được gửi vào Phan Thiết qua ông Đình nguyên hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, bạn thân giao của Trần Lệ Chất.

Vì nhiều lý do khác nhau, trường đóng cửa vào năm 1912.
(Theo Wikipedia)

Lớp học ở trường Dục Thanh. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Tháng 8 năm 1910, do ông Trương Gia Mô là bạn đồng liêu với cụ Nguyễn Sinh Sắc giới thiệu, anh thanh niên 20 tuổi Nguyễn Tất Thành được nhận vào làm thầy giáo tại trường Dục Thanh. Nguyễn Tất Thành dạy Hán văn, chữ quốc ngữ và thể dục. Tháng 2 năm 1911, Nguyễn Tất Thành đã từ đây ra đi tìm đường cứu nước. Như vậy, thời gian Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh chỉ có 6 tháng mà thôi!

Nhận định một cách khách quan, ta có thể thấy thầy giáo Nguyễn Tất Thành không hề đóng một vai trò đáng kể nào tại trường Dục Thanh vì thời gian ông ở đây quá ngắn ngủi, tuổi đời của ông lúc ấy còn quá trẻ và rõ ràng là so với các bậc tiền bối ở đấy lúc bấy giờ ông chẳng là gì cả!

Đáng kính phục, đáng ghi nhớ công ơn chính là các nhà yêu nước đã gợi ý thành lập trường (Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân), những bậc thức giả đã hy sinh cả gia sản, bỏ bao nhiêu tâm huyết, thời gian để gầy dựng và duy trì hoạt động của trường. Và đáng ghi nhớ công ơn cả việc dang tay đùm bọc cho anh thanh niên Nguyễn Tất Thành tá túc ở đây trong 6 tháng nữa!

Thế nhưng với cách bài trí, thể hiện của tỉnh Bình Thuận hiện giờ tại khu di tích trường Dục Thanh, ta cứ tưởng như Nguyễn Tất Thành là linh hồn của trường, là nhân vật chủ chốt ở đây. Chỗ này là nơi Nguyễn Tất Thành... ngủ, giếng nước nọ là nơi Nguyễn Tất Thành múc nước tưới cây... Làm như là anh thanh niên Nguyễn Tất Thành là người sáng lập trường hoặc hiệu trưởng của trường, những nhà trí thức yêu nước kia chẳng là cái quái gì cả! Thật không công bằng chút nào!

Dòng chữ ghi trên tấm bảng đồng là: Ngọa du sào - Nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường đọc sách báo trong thời gian dạy học tại trường Dục Thanh. Người xem có cảm tưởng chỗ này là dành riêng cho Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Thuyết minh kiểu này khiến người tham quan nghĩ rằng cái giếng này là... của Nguyễn Tất Thành! Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Nói đi cũng phải nói lại, nếu không có Nguyễn Tất Thành ở đây trong 6 tháng thì chắc di tích trường Dục Thanh này đã bị bỏ quên mãi mãi rồi chứ chẳng được ai ngó ngàng gì tới đâu. Thôi thì cũng cám ơn vậy!

Ngọa Du Sào (trong khuôn viên trường Dục Thanh ở Phan Thiết, Việt Nam) do danh sĩ Nguyễn Thông xây dựng để có nơi làm thơ, đọc sách. Năm 1910, Nguyễn Tất Thành đến đây dạy học, cũng từng đọc sách tại đây. Ảnh và chú thích: Bùi Thụy Đào Nguyên trên Wikipedia. Chú thích như vầy thì dễ nghe hơn nhiều!

Ai nói tôi mất quan điểm tôi chịu, chứ khi đến thăm khu di tích trường Dục Thanh, những con người mà tôi nhớ đến và trân trọng là những người đã sáng lập trường, đã tạo một luồng gió mới cho phong trào duy tân ở nước ta hồi đầu thế kỷ 20 chứ không phải là một anh thanh niên 20 tuổi tới đây dạy học trong 6 tháng!

Còn muốn kính ngưỡng Hồ Chí Minh - Nguyễn Tất Thành ư? Phía đối diện trường Dục Thanh tỉnh Bình Thuận đã xây hẳn cả một nhà bảo tàng Hồ Chí Minh đồ sộ kìa. Hãy qua đó mà tham quan!

Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh tỉnh Bình Thuận được xây dựng đối diện với khu di tích Dục Thanh. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

 Phạm Hoài Nhân

9 nhận xét:

  1. Chí lý! Người thức giả ai cũng nghĩ vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Sơn lặn đâu lâu quá giờ mới xuất hiện?
      Vậy là anh "mất quan điểm sùng bái lãnh tụ" rồi nha! Hi hi!

      Xóa
  2. Sự thật luôn bị méo méo thế đấy chú ạ :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ...và một sự sùng bái cá nhân quá đáng, bất hợp lý!

      Xóa
    2. ok, sùng bái lãnh tụ, nói theo kiểu trước đây là nâng bi...

      Xóa
  3. Mình có ghé tham quan ở đây và cũng có suy nghĩ như PHN, nhưng mình không dám nói ! Mình nghĩ mình thật hèn. Và rất cảm phục anh đã nói một cách trung thực của lòng mình, kể cả cám ơn NTT vì có ông ở đó...6 tháng trường DT mới được tôn tạo như ngày nay !

    Trả lờiXóa
  4. Nhận định rất trung thực!

    Trích“Nói đi cũng phải nói lại, nếu không có Nguyễn Tất Thành ở đây trong 6 tháng thì chắc di tích trường Dục Thanh này đã bị bỏ quên mãi mãi rồi chứ chẳng được ai ngó ngàng gì tới đâu. Thôi thì cũng cám ơn vậy!”. Hết trích.
    Một “tội đồ” đôi khi cũng có thể là ”ân nhân/nạn nhân” nữa. 

    Trả lờiXóa
  5. Cám ơn anh Hai đã nói giúp cho suy nghĩ bao người. Vậy mà cứ ra rả cái miệng "uống nước nhớ nguồn" nhớ khỉ gì, cướp nguồn thì có. Mà cũng ngộ hén anh, chỗ rửa chân, tưới cây, đọc sách... túm lại mấy chỗ thanh cao giành hết. Nhưng tìm hoài chẩng thấy chổ anh Thành đi ị. Chắc hồi đó lấy làm phân bón hết. ��������

    Trả lờiXóa