17 thg 10, 2013

Tản mạn Cửu Long Giang

Từ thuở xa xưa, phần sông Mê Kông chảy qua lãnh thổ Việt Nam vẫn thường được gọi là sông Cửu Long hay Cửu Long Giang. Trường ca Con đường Cái quan của Phạm Duy có đoạn:

Cửu Long Giang! 
Gió về vui trên sóng sông
Uốn quanh như chín con rồng
Ôm trọn đứa con...

Giai điệu mênh mang lồng lộng như tính phóng khoáng của người miền Tây Nam bộ.


Chín con rồng đây là chín cửa sông Mê Kông đổ ra biển. Nhánh sông Hậu đổ ra biển bằng 3 cửa: cửa Định An, cửa Ba Thắc và cửa Trần Đề. Nhánh sông Tiền đổ ra biển bằng 6 cửa: cửa Đại, cửa Tiểu, cửa Cung Hầu, cửa Cổ Chiên, cửa Hàm Luông và cửa Ba Lai.


Bản đồ do người Pháp lãp hồi đầu thế kỷ trước với 9 cửa sông, hiện còn treo ở Bưu điện Trung tâm TPHCM. Đánh số từ 1 đến 9 do anh Khiếu văn Chí thực hiện

Sông Cổ Chiên - Ảnh: Phạm Thùy Nhân

Phà trên sông Cổ Chiên - Ảnh: Phạm Đắc Nhân

Một con rạch trên sông Tiền. Ảnh: PTT

Gần 4 thập niên trước, cửa sông Ba Thắc (số 8 trên bản đồ) đã bị phù sa bồi lấp nên sông Mê Kông chỉ còn đổ ra biển bằng 8 cửa.

Đến năm 1999, với chủ trương ngọt hóa vùng Bắc Bến Tre, nhà nước cho xây dựng cống đập Ba Lai để chặn dòng sông Ba Lai. Cửa Ba Lai (số 3 trên bản đồ) bị đóng lại. Công trình này khánh thành ngày 30 tháng 4 năm 2002. Vậy là kể từ đó sông Cửu Long chỉ còn 7 cửa.


Cống đập Ba Lai ngăn dòng sông Ba Lai. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, chụp năm 2002

Sông Ba Lai, nhìn từ cống đập. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, chụp năm 2013

Bãi biển Thừa Đức, nơi cửa Đại đổ ra biển.Ảnh: Nguyễn Duy Trì

Do điều kiện tự nhiên (cửa sông Ba Thắc) và sự can thiệp của con người (cửa sông Ba Lai) mà 2 trong số 9 con rồng đã bị... bóp cổ! Cửu Long Giang giờ thành... Thất Long Giang.

Vì vậy phải đề nghị nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sửa lại lời Bài ca Đất phương Nam của ông, và khi ấy cô bé Phương Mỹ Chi sẽ hát như vầy:

Nhắn ai đi về
Miền đất phương Nam
Trời xanh mây trắng soi dòng... Thất Long Giang...

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét