23 thg 12, 2018

Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc

Đầu thập niên 1970, ở Long Khánh có một nơi gọi là Tiểu chủng viện. Thuở ấy tui còn nhỏ, và lại không phải người công giáo nên không có dịp vào đó, thậm chí còn không biết... Tiểu chủng viện nghĩa là gì! Chỉ có cảm giác nơi ấy là một nơi tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Rồi có một dịp, dường như khoảng năm 1972 - 1973 gì đó (khi đó tui 13, 14 tuổi), một người bạn dẫn tui vào đó xem cho biết, chỉ là rảo bước ở những lối đi bên trong tiểu chủng viện thôi. Cảm nhận còn lưu lại là đây là một chốn trang nghiêm, yên tĩnh và thật đẹp.

Sau này tui biết tên chính thức nơi đây là Tiểu chủng viện Thánh Phaolô, được khởi công xây dựng năm 1966, khánh thành năm 1970. Đây là nơi đào tạo các vị tu sĩ công giáo. Đáng buồn, từ 1975 các chủng viện (tiểu chủng viện và đại chủng viện) trên toàn quốc bị chính quyền đóng cửa, không cho phép hoạt động đào tạo linh mục, giáo sĩ. Tui cũng rời Long Khánh, dần dần không còn nhớ Tiểu chủng viện nữa.

Năm 2010, tui về thăm Long Khánh. Nghe nói rằng Đại chủng viện mới xây dựng xong, đẹp lắm. Tui tới xem và thật sự choáng ngợp. Kiến trúc Đại chủng viện rất đẹp, phảng phất nét kiến trúc nhà thờ ở châu Âu.


19 thg 12, 2018

Lúa khoai ta gắng trồng, sườn non đến bờ sông

Buổi sáng đi tập thể dục ở công viên chắc không ít lần bạn nghe và thấy mọi người tập theo điệu nhạc hết sức quen thuộc sau đây:

Lúa khoai ta gắng trồng, sườn non cho đến bờ sông
Áo ta chưa ấm lòng thay mía ta trồng bông
...
Anh em ơi! Chúng ta góp muôn bàn tay
Gắng sức làm, sướng vui rồi đây có ngày.




Đối với tui, bài hát này quen thuộc vô cùng vì đã từng nghe và hát cũng cỡ... hơn năm chục năm. Có điều mặc dù quen như vậy nhưng tui chưa hề biết về xuất xứ của nó. Bữa nay tui thử tìm hiểu và phát hiện nhiều điều bất ngờ.

15 thg 12, 2018

Khi hoàng hậu bị nổi ban đỏ

Bạn đã từng thấy con nít bị ban đỏ chưa? Mà hổng chừng chính bạn hồi còn nhỏ đã từng bị ban đỏ nữa á. Nó nổi từng dề đỏ trên lưng, trên cổ, trên ngực thấy mà ớn. Nó là nỗi đau khổ của con nít lẫn cha mẹ của con nít.

Bởi vậy nên tui giựt mình khi khi đọc trên web bài "Ngắm ban đỏ nở rực trời Tây Bắc". Định thần lại, đọc kỹ mới biết là hoa ban đỏ nở rực trời ở Tây Bắc.


Ờ, tưởng gì chớ cây này thì ở đây cũng có thiếu gì, đâu cần phải ra Tây Bắc. Loại hoa này người ta còn gọi là hoa hoàng hậu, hay lan hoàng hậu. Bởi vậy nó mới khiến tui liên tưởng tới hoàng hậu nổi ban đỏ.


Nhưng văn vẻ lòng vòng chẳng qua cứ kêu thiệt đúng cái tên quen thuộc của ở miền Nam của loài hoa này, nó là hoa móng bò. Hồi nhỏ tới giờ được nghe kêu vậy, và hiểu liền, nhớ liền bởi vì nhìn hình thù cái lá của nó giống móng con bò.

Có lúc chẳng thấy cây này đâu, nhưng bây giờ thì nhiều lắm. Ở miền Đông hay miền Tây Nam bộ cũng đều có. Ngay Biên Hòa, ra công viên bờ sông là thấy.

Một cây móng bò ở Sa Đéc

Hoa móng bò ở công viên Nguyễn văn Trị (bờ kè sông Đồng Nai)

Nghe nói rằng hoa móng bò không phải dạng vừa đâu. Nó thuộc chi móng bò (hoặc chi hoàng hậu), danh pháp khoa học là Bauhinia. Trong đó loài móng bò tím, tên khoa học là Bauhinia blakeana, tên đẹp đẹp là Dương tử kinh đã được chọn làm biểu tượng của Hồng Kông. Nó xuất hiện trên lá cờ Hồng Kông, khu huy của Hồng Kông và trên đồng dollar Hồng Kông. Bảnh hơn nữa, nó được dựng tượng tại quảng trường Golden Bauhinia tại Hồng Kông.

Cờ Hồng Kông

Quảng trường Bauhinia

Thây kệ nó có là biểu tượng hoành tráng, là quốc huy, là hoàng hậu, là dương tử kinh hay là hoa ban đỏ gì đi nữa thì dân miền Nam ta vẫn cứ kêu nó là móng bò cho nó quen thuộc ha! Mà suy cho cùng, hoàng hậu thì cũng có thể có móng bò (hoặc thích ăn móng bò) và hồi nhỏ cũng có thể bị bịnh ban đỏ mà!

Phạm Hoài Nhân

13 thg 12, 2018

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Thiền phái Trúc Lâm là một thiền phái Việt do Phật hoàng Trần Nhân Tông khởi lập từ thế kỷ 13. Sau nhiều năm tháng, thiền phái này bị quên lãng. Từ năm 1968, Hòa thượng Thích Thanh Từ là người đã gầy dựng lại Thiền phái Trúc Lâm. Từ đó Ngài đã cho xây dựng nhiều thiền viện Trúc Lâm trên khắp cả nước (và cả ở nước ngoài), trong đó được biết đến nhiều nhất là Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (tức Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, 1993), Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh, 2002), Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc, 2005)... Thế nhưng mãi đến năm 2012 vẫn chưa hề có ngôi thiền viện Trúc Lâm nào ở miền Tây Nam bộ (trong khi sinh quán của ngài Thích Thanh Từ là ở Vĩnh Long, thuộc miền Tây Nam bộ).

Để thỏa ước mong của Phật tử nơi đây về một nơi tu tập, ngôi Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được khởi công năm 2012 tại Tiền Giang, và khánh thành ngày 22/11/2015. Gần như đồng thời, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được khởi công tại Cần Thơ ngày 16/7/2013, khánh thành ngày 17/5/2014. Kế đến là Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh, khởi công năm 2014, khánh thành ngày 31/1/2016.


Ngôi chánh điện
.

12 thg 12, 2018

Người đã cho tui sáng mắt sáng lòng

Năm nay Liên hoan Ẩm thực Đồng Nai diễn ra 5 ngày từ ngày 5 đến 9/12/2018 tại Công viên Nguyễn văn Trị (dọc bờ sông Đồng Nai). Sáng thứ Bảy 8/12 là ngày cuối tuần,tui ra coi thử Liên hoan đông vui tới cỡ nào. Mặc dù công viên là chỗ nhiều người lui tới, nhưng các gian hàng trong khu ẩm thực cũng khá đìu hiu như trong các hình sau. 

3 thg 12, 2018

Chùa Lá Sen

Phước Kiển chỉ là một  ngôi chùa nhỏ ở miền quê, về mặt kiến trúc cũng như lịch sử không có gì đặc sắc lắm. Tuy nhiên những năm gần đây ngôi chùa nhỏ này luôn nhộn nhịp khách du lịch viếng thăm, vì người ta phát hiện ra nơi đây có loài sen lá rất to, người lớn có thể đứng lên được. Và cũng do đó chùa có thêm tên mới: Chùa Lá Sen.


Cho đến trước năm 1992, đây vẫn chỉ là ngôi chùa bình dị, không mấy ai biết tới. Hòa thượng Thích Huệ Từ (trụ trì chùa Phước Kiển) kể lại: Năm 1992, sư phát hiện dưới ao xuất hiện loài sen lạ xen lẫn với đám bông súng. Thấy vậy, nhiều người hiếu kỳ đến xem. Họ không biết tên thật của loài sen này là gì nên nhìn vào hình dáng của lá mà gọi là sen vua, sen nia (lá to bằng cái nia)... Cái tên chùa Lá Sen cũng ra đời từ đó.

28 thg 11, 2018

Chùa Phổ Minh - Rạch Giá

Rời chùa Sắc Tứ Tam Bảo - một ngôi chùa được xem là phải đến tại Rạch Giá, vì là một di tích quốc gia ở đây - thì trời đã sụp tối, tui hỏi Lê thị Hữu Tâm: còn chỗ nào để tham quan nữa không trước khi đi ăn tối? Tâm suy nghĩ rồi nói: Gần đây còn chùa Phổ Minh, chùa lớn, đẹp và cũng đông Phật tử đến viếng lắm.

Nếu bạn cũng như tui, search Google để tìm hiểu trước những điểm tham quan khi đến một nơi nào đó, như Rạch Giá chẳng hạn, thì bạn sẽ không thấy một gợi ý nào đến tham quan ngôi chùa Phổ Minh này. Điều đó cũng dễ hiểu: chùa Phổ Minh không là một ngôi chùa cổ vì chỉ mới được tạo dựng năm 1964, bên trong chùa không có những tượng Phật đặc sắc, quý giá; chùa tuy cũng khá rộng lớn, nhưng đó là so với diện tích hạn hẹp của những ngôi chùa ở giữa thành phố; chùa không hề là di tích cấp quốc gia hay cấp tỉnh, không có kỷ lục gì cả...


Cổng chùa

27 thg 11, 2018

Chùa Sắc tứ Tam Bảo ở Rạch Giá

Du khách tới Rạch Giá thường được hướng dẫn tới chùa Tam Bảo, với lý do đây là Di tích cấp Quốc gia, là ngôi chùa cổ nhất ở Rạch Giá. Khoảng những năm 1790, một Phật tử tại Rạch Giá là bà Dương Thị Oán (cư dân địa phương gọi là Bà Hoặng) đã đứng ra xây dựng một ngôi chùa trên một khu đất thuộc phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá hiện nay và đặt tên hiệu là chùa Tam Bảo.

Chùa Sắc tứ Tam Bảo. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

26 thg 11, 2018

Thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá

Nguyễn Trung Trực không sinh trưởng ở Kiên Giang, ông vốn gốc ở Phù Cát, Bình Định, rồi sau đó sống ở Bến Lức, Long An, sau đó nữa là Đầm Dơi, Cà Mau. Thế nhưng tên tuổi của ông gắn liền với Kiên Giang bởi hai sự kiện lớn:
  • Trận đánh đồn Kiên Giang và chiếm giữ được 5 ngày liền, được Huỳnh Mẫn Đạt ca ngợi trong câu Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần
  • Ông rút quân ra Phú Quốc, sau đó chịu nộp mạng để cứu nhân dân và nghĩa binh, để rồi bị Pháp xử tử tại Rạch Giá.
Vì vậy, người dân Kiên Giang yêu kính ông, tôn làm thần. Ở Kiên Giang hiện nay còn đến 9 ngôi đền thờ ông, trong đó ngôi đền thờ đầu tiên và lớn nhất hiện nằm tại số 14 đường Nguyễn Công Trứ, TP Rạch Giá, Kiên Giang.


Đền thờ Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

25 thg 11, 2018

Chim bay về núi tối rồi

Hồi nhỏ, thường nghe má hát ru: 

Chim bay về núi tối rồi
Chị em lo liệu lấy nồi nấu cơm.

Bỏ qua câu sau, có thể có nhiều bản khác như: Sao không lo liệu, còn ngồi chi đây?/Không cây chim đậu, không mồi chim ăn..., câu đầu Chim bay về núi tối rồi nhắc ta nhớ rằng tổ chim là ở núi, buổi chiều tối là chim bay về tổ ở núi, ở rừng...

Năm 2001, tui có dịp đi công tác ở Cà Mau. Hỏi anh bạn trẻ rằng có nơi đâu gần gần để tham quan không. Ảnh biểu là khi chiều về thì đi tham quan vườn chim Cà Mau, giờ đó chim bay về tổ nhiều lắm. Vườn chim ở ngay trong lòng thành phố hà, không đi đâu xa hết!


Chim ở Vườn chim Cà Mau. Ảnh chụp năm 2001

21 thg 11, 2018

Chùa Một Cột ở Biên Hòa

Chùa Một Cột ở Biên Hòa

Đó là chùa Bửu Sơn. Ngôi chùa này nằm ở gần khu vực chợ Biên Hòa, trong một con hẻm lớn số 487 đường Cách mạng Tháng Tám, phường Hòa Bình. Bạn sẽ dễ dàng thấy chùa Bửu Sơn nếu bạn... đi ăn lẩu tôm Năm Ri, bởi vì ngôi chùa nằm đối diện lối vào quán lẩu tôm.


Đã quen với hình ảnh ngôi chùa Một Cột nổi tiếng ở Hà Nội, bạn sẽ thấy ngỡ ngàng khi nhìn thấy ngôi chùa này và tự hỏi: Sao gọi là chùa Một Cột?

16 thg 11, 2018

Ngôi miếu nhỏ ở Năm Căn

Tui đang đứng lớ ngớ ở một quán nước nơi bến tàu Năm Căn (Cà Mau) thì thấy một chiếc xe 7 chỗ, bảng số Sài Gòn trờ tới. Tui nghĩ bụng: Chắc là khách Sài Gòn ra thuê ca nô cao tốc hay vỏ lãi để ra mũi Cà Mau đây mà!

Nhưng không phải. Một người phụ nữ đứng tuổi bước xuống xe và ghé vào quán, hỏi thăm chị chủ quán đường tới một ngôi miếu nào đó. Chị chủ quán vồn vã chỉ đường. Thế rồi trên xe vài ba người nữa bước xuống, có lẽ là con cháu gì đó, mang theo nhang đèn, hoa quả. Họ cùng đi bộ theo con hẻm nhỏ cạnh bến tàu.

Tui thắc mắc tự hỏi: Đã đi gần 400 cây số tới đây rồi sao không phải đi ca nô ra Đất Mũi, cũng không phải tham quan những điểm gần đây mà lại đi ra miếu? Đã chủ tâm đi ra miếu rồi, mang nhang đèn hoa quả rồi, sao lại... không biết miếu nằm ở đâu để phải hỏi đường?

14 thg 11, 2018

Chùa Monivongsa Bopharam ở Cà Mau

Chùa Monivongsa Bopharam là ngôi chùa Nam tông Khmer lớn nhất, đẹp nhất ở thành phố Cà Mau. Điều này là chắc chắn, bởi vì đây cũng là ngôi chùa Nam tông Khmer duy nhất tại thành phố này.



Tui hơi bất ngờ với thông tin rằng TP Cà Mau chỉ có duy nhất một ngôi chùa Khmer Nam tông, vì Cà Mau thuộc miền Tây Nam bộ là nơi tập trung nhiều chùa Khmer nhất cả nước, điển hình như Trà Vinh có đến 141 ngôi chùa Nam tông Khmer. Vì vậy, tui thử kiểm tra lại và quả nhiên đúng như vậy thiệt. Cả tỉnh Cà Mau chỉ có 7 ngôi chùa Nam tông Khmer, tập trung ở các huyện Thới Bình, huyện Trần văn Thời và TP Cà Mau, trong đó TP Cà Mau chỉ có một ngôi chùa là Monivongsa Bopharam.

13 thg 11, 2018

Ta gọi tên chùa Khmer

Chùa Monivongsa Bopharam ở Cà Mau

Miền Tây Nam bộ có nhiều ngôi chùa Khmer đẹp và nổi tiếng. Tên chùa bằng tiếng Khmer dài và khó nhớ (nhớ... chết liền!), cho nên người Việt ta... tự đặt ra những cái tên mới cho dễ gọi, dễ nhớ. Cách gọi tên thường là dựa theo đặc điểm của chùa hoặc phiên âm nôm na tên Khmer theo giọng Nam bộ.

26 thg 10, 2018

Chuyện kinh doanh của... Hàn Mặc Tử

Bài này tui viết từ năm 2010, nay biên tập lại chút đỉnh và cập nhật thông tin thời sự cho nó sốt dẻo
***

Ai cũng biết Hàn Mặc Tử là nhà thơ nổi tiếng, nhưng ít người thấy được thiên tài kinh doanh bất động sản của ông, đã được bộc lộ từ 80 năm trước (1938).

Đến thăm mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử để học hỏi... chuyện kinh doanh

Tui không phải nhà kinh doanh bất động sản nhưng xin được phép bình luận về tài năng kinh doanh của ông trong lĩnh vực này.

24 thg 10, 2018

Gió đưa bụi chuối sau hè...

Ầu ơ,
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ...

Mấy câu trên là ca dao, và cũng là lời ru của má, tui nghe từ hồi... ừ, chắc là hồi mới được sanh ra, chưa biết gì luôn. Chắc là nhiều bạn cũng đã từng được nghe giống như tui vậy. Hồi nhỏ chưa biết gì nhưng lời ru buồn bã, xa vắng dễ dàng đưa đứa bé vào giấc ngủ. Lớn lên một chút, hiểu ý nghĩa lời ru, càng thấm thía nỗi cô đơn, chịu đựng của người phụ nữ bị chồng bỏ rơi, ru con giữa tiếng xào xạc của bụi chuối sau hè...


22 thg 10, 2018

Tản mạn về mít - mít trong văn học

Trái mít thơm ngon như vậy, cây mít hữu dụng như vậy, nhưng không hiểu sao hình ảnh cây mít, trái mít qua thơ ca nếu không thô tục thì cũng hạ cấp. Bài thơ nổi tiếng nhất về trái mít có lẽ là bài Quả mít của Hồ Xuân Hương:

Thân em như quả mít trên cây

Vỏ nó sù sì, múi nó dày
Quân tử có yêu thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay

Bài này hay như thế nào thì sách vở đã nói nhiều rồi, chỉ xin đăng lại để nhắc thôi, không dám bình. Ai thắc mắc nó tục như thế nào thì xin hỏi... Hồ Xuân Hương.



21 thg 10, 2018

Tản mạn về mít - Công dụng của mít

Mấy nay nói chuyện lan man về mít, nghĩ ngợi bỗng phát hiện ra một điều: Cây mít thật vĩ đại! Nó sống mãi, sống lung tung trong... cuộc đời của chúng ta!

Bởi vậy bữa nay lại nói chuyện về mít, mà cụ thể bài này nói về Công dụng của mít.




18 thg 10, 2018

Mít tố nữ Long Khánh

Từ hồi tui còn nhỏ xíu, tui đã nghe nói mít tố nữ là loại trái cây đặc sản của Long Khánh. Mít thì ở đâu cũng có, nhưng mít tố nữ hiếm hơn, ngon hơn (tất nhiên là mắc tiền hơn) và Long Khánh là nơi có mít tố nữ nhiều nhứt, ngon nhứt. Là con nít mà, nghe quê mình có loại trái cây như vậy là sướng rồi. Đâu cần biết có chính xác không (có muốn biết cũng... chả có cách nào để biết), chỉ cần sướng là đủ!



Mà mít tố nữ ngon thiệt. Thơm lừng! Đúng như người ta nói thơm như múi mít. Điều tuyệt vời nữa là khi xẻ trái mít tố nữ ra, chỉ cần nắm cái cùi giở lên là ta có một chùm múi mít, chớ không phải ngồi gở từng múi mít ra như mít thường. Đó cũng là lý do tại sao người ta xẻ chớ không chặt trái mít tố nữ.

15 thg 10, 2018

Hột mít lùi tro, ăn no... có sao không?

1.
Hồi nhỏ, một đám con nít đang chơi với nhau bỗng nhiên có tiếng động nhỏ và một mùi thum thủm phát ra. Có đứa la lên: Đứa nào địt thúi vậy bây? Hổng đứa nào chịu nhận hết. Vậy là tụi nó tìm ra thủ phạm bằng cách như sau:

Cả đám ngồi vòng tròn, một đứa vừa hát bài đồng dao sau đây vừa chỉ vào từng đứa ngồi trong vòng (kể cả chính nó)


Xù xì xục xịch
Hột mít lùi tro (*)
Ăn no té địt
Thằng cha nào địt
Hãy nói cho nghe
Thằng cha này... ĐỊT!

(*) Câu này hồi nhỏ tui hát là Ốc mít vùi tro, nhưng câu Hột mít lùi tro có vẻ thông dụng hơn


14 thg 10, 2018

Nghĩ về ngày Doanh nhân Việt Nam

Nói về những doanh nhân Việt Nam thuở ban đầu, có lẽ có một người mà mọi doanh nhân Việt ngày nay đều ngưỡng mộ: Ông Bạch Thái Bưởi.

Bạch Thái Bưởi tên thật là Đỗ Thái Bửu. sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Yên Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Yên Phúc, Hà Đông, Hà Nội). Mồ côi cha từ nhỏ, ông phải phụ giúp mẹ kiếm sống bằng nghề bán hàng rong. Sau ông làm ký lục cho một hãng buôn Pháp, rồi làm cho một xưởng thuộc hãng thầu công chánh. Từ đó Bạch Thái Bưởi dần bước chân vào sự nghiệp kinh doanh, ông đã xin làm giám đốc công trình cầu Long Biên. Phát hiện thấy người Pháp đang cần gỗ xây dựng đường sắt, Bạch Thái Bưởi đã hùn vốn với một người Pháp làm đại lý cung cấp tà vẹt gỗ cho Sở Hoả xa Đông Dương. Rồi ông trúng thầu một hiệu cầm đồ của người Hoa ở Nam Định, thầu thuế chợ ở Vinh, Nam Định, Thanh Hóa...

12 thg 10, 2018

Cuộc chia tay phấn khởi

Trên trang blog của mình hôm 8/10/2018, Alphabet tuyên bố sẽ cho Google+ đi vào dĩ vãng kể từ cuối tháng 8/2019. Lý do chính được nêu ra là do sự cố rò rỉ dữ liệu của khoảng 500.000 users. Quyết định này cho thiên hạ thấy Alphabet nói là làm, chớ hổng phải như Facebook lộ dữ liệu tới 50 triệu users mà chả chịu... đóng cửa!



Từ từ, bình tĩnh đọc kỹ lại đi, Google+ chớ không phải Google đâu! Cho những ai không biết hoặc không thèm quan tâm tới Google+ (gọi dài dòng hơn, là Google Plus), xin được nhắc lại một chút: Google+ là mạng xã hội của Google, được coi là đối thủ đáng gờm của Facebook.

8 thg 10, 2018

Quê em rừng cao su

Những ngày đầu sau 1975, giữa các bài hát sùng sục khí thế chiến đấu và chiến thắng, ca ngợi công ơn của Bác và Đảng được "nhập khẩu" từ ngoài kia vô, có một bài hát khá êm dịu với hình ảnh quê hương nhẹ nhàng, nên được miền Nam yêu thích. Đó là bài Quê em của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn.


Thật ra, dân miền Nam thích bài Quê em còn vì một lý do khác. Đây là một bài hát mà họ đã từng nghe, từng hát từ thuở xưa, từ trước 1975 rất lâu. Bài hát được sáng tác từ năm 1949, thời chống Pháp và lan truyền từ Bắc vào Nam. Miền Nam, như đối với nhiều ca khúc khác, không cần biết tác giả của nó đang ở đâu, dưới chế độ nào, cứ ca khúc hay là cho hát. Quê em phổ biến nhiều ở miền Nam qua giọng hát Thái Thanh, Thái Hiền.

1 thg 10, 2018

Thời đại 4.0

Lúc này đi tới đâu cũng nghe người ta nói tới Thời đại của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 hoặc ngắn gọn hơn là Thời đại Công nghiệp 4.0 hay ngắn hơn nữa là Thời đại 4.0. Từ ngài Thủ tướng niễng niễng cái đầu tới anh cán bộ ấp vênh vênh cái mặt đều nổ một cách vang rền: Bốn Chấm Không.



Tui nghe mà hãi hùng quá, vì mình chả hiểu Bốn Chấm Không là cái gì. Cho nên mới vội vàng lên mạng tìm hiểu để khỏi mang tiếng tụt hậu. Ra là vầy:

29 thg 9, 2018

Bò đi Đá Nhảy

Xưa kia có một giai thoại lý thú về câu đối như thế này:

Ông nghè Nguyễn Duy Thiện (làng Lý Hoà, tỉnh Quảng Bình) và ông nghè Trần văn Thống (làng La Hà, tỉnh Quảng Bình) rủ nhau đi chơi. Khi đến bãi biển Đá Nhảy (thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), hai người thở hào hển, vừa nhảy vừa bò qua các tảng đá. Ông Thiện nhìn cảnh ấy, xuất ra câu đối: Hùm hét La Hà.

Câu đối này lắt léo ở chỗ vừa diễn tả con hùm (cọp) hét ở La Hà (là tên làng, quê của ông Thống), lại vừa là 4 động từ diễn tả các hoạt động của miệng (hùm - hét - la - hà) và cũng đúng là các động tác mà bạn mình đang thể hiện.

Ông Thống đứng lại để... thở, và đối: Bò đi Đá Nhảy,

Câu đối lại này rất xuất sắc ở chỗ vừa diễn tả con bò đi ở Đá Nhảy (là chỗ hai ông đang đi), lại vừa là 4 động từ diễn tả các hoạt động của chân (bò - đi - đá - nhảy) và cũng đúng là các động tác mà hai ông đang thực hiện.

Có một câu chuyện kể khác về xuất xứ của đôi câu đối này. Rằng sau khoa thi Đình năm Nhâm Tuất 1862, để thử sức các vị tân tiến sĩ, vua Tự Đức ra vế đối: “Bò đi đá nhảy”. Một trong những vị tân tiến sĩ là ông Trần Văn Chuẩn, người làng La Hà tủm tỉm cười rồi thong thả đọc: “Hùm hét la hà”. Ngày nay trong nhà thờ họ Trần vẫn còn ghi lại giai thoại này.

28 thg 9, 2018

Đền thờ và lăng mộ

1.
Ai đến Rạch Giá hay Phú Quốc (thuộc tỉnh Kiên Giang) đều thấy ngay đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được người dân tôn kính, ngưỡng vọng. Không phải một mà nhiều nơi có đền thờ ông. Không phải nhà nước nào bỏ tiền ra để xây đền thờ hay lăng mộ của ông, cũng chẳng có chỉ thị hay nghị quyết nào yêu cầu như thế cả, mà là người dân tôn kính ông tự lập nên. Chính quyền Pháp lúc ấy coi ông là giặc, là kẻ thù và sẵn sàng đàn áp, bắt bớ những người tôn thờ ông; triều đình Huế thì yếu hèn, nhu nhược cũng không dám hó hé điều gì.


Đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá

27 thg 9, 2018

Biết ơn bộ Giáo dục

Lâu ngày, Hai Ẩu gặp lại ông bạn cũ. Hai gã rủ nhau đi cà phê, bàn chuyện thế sự. Câu chuyện xoay quanh ngành giáo dục nát bét của Việt Nam. Nào là cải cách tới, cải cách lui mấy mươi năm để rồi ra một đống bầy nhầy. Nào là đạo đức lẫn chất lượng giáo dục xuống cấp, thầy chẳng ra thầy, trò chẳng ra trò. Nào là tham ô, ăn hại từ chuyện sách giáo khoa đến chuyện xây dựng trường lớp... 



19 thg 9, 2018

Ngày xưa nghe tình ca...

Thuở mới... "đứt phim" sau 75 (tui dùng hai chữ này để tránh 2 chữ thường dùng khác mà các bạn tui ghét cay ghét đắng), người miền Nam cũng bị đứt luôn những giai điệu êm ái trữ tình, thay vào đó là những âm thanh gầm rú hung hãn, những tiếng thét gào lảnh lót (Tiếng đàn Ta lư, Cô gái vót chông...). Lạc loài trong biển âm thanh cuồng nộ ấy cũng vài bài có giai điệu êm ái, trữ tình nhưng... ngay cả trong lời ca trữ tình ấy cũng phải có căm thù giặc cướp, quyết chiến đấu, nhớ ơn Bác ơn Đảng (như các bài Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Tình ca, Lá đỏ...). Nếu chỉ có anh yêu em và em yêu anh thì... chết mầy nghe con!



Sang đến cuối thập niên 1970 đầu 1980, tình hình đỡ hơn một chút xíu xìu xiu, nhưng các nhạc sĩ cũng không thể và không dám sáng tác nhạc tình, người nghe cũng không được phép nghe nhạc ủy mị hay nhạc của bọn tư bản dẫy chết. Thời điểm đó tui đang là sinh viên, và thú vị thấy rằng trong tình thế đó, người ta vẫn có cách lách luật để sáng tác, biểu diễn và nghe một cách công khai những bản nhạc được coi là ủy mị. Ở đây xin được kể lại 3 trường hợp thú vị ngày ấy (và chờ đợi các bạn kể thêm những trường hợp khác).

15 thg 9, 2018

Tình ca du mục

Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời...


Ừm, nhiều khi ư ử ngân nga mấy câu hát ấy hắn vẫn mơ rằng mình đang là chàng du mục chăn cừu tìm "em thân yêu" trên thảo nguyên bát ngát.

Nhắn giúp cho ta chim ơi
Nhắn giúp cho ta mây ơi
Thảo nguyên bát ngát đem giấu em ta nơi nào?

10 thg 9, 2018

Chùa trên Đồi Lá Giang

Người ta gọi tên chùa là chùa Lá Giang, hay chùa Đồi Lá Giang, bởi vì chùa tọa lạc trên một quả đồi mang tên đồi Lá Giang. Tên chính thức của chùa là Thiền viện Phước Sơn, cũng gọi là chùa Phước Sơn, một ngôi chùa Nam tông ở Biên Hòa, Đồng Nai.

Những tư liệu hơi cũ một chút ghi rằng chùa Lá Giang tọa lạc tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai - còn ngay tại cổng chùa thì ghi là ở Hố Nai. Thì quả đúng như vậy thiệt, cứ nhìn trên bản đồ thì ta thấy Thiền viện Phước Sơn nằm ở đoạn giữa đường Bắc Sơn - Long Thành, trong đó phía Bắc Sơn (ra quốc lộ 1) là Hố Nai, phía kia là xã Phước Tân, Long Thành.

7 thg 9, 2018

Chuyện cái bánh ở miền Tây

Do cách phát âm có phần... dễ dãi của mình, có nhiều từ viết khác nhau nhưng người miền Nam đọc y chang nhau. Với những từ phổ thông, quen thuộc thì dù đọc có giống nhau nhưng dễ dàng phân biệt được, như con vịt khác với dịch thuật, bởi vì khác với bà dì khác với cái gì... Tuy nhiên, với các từ địa phương thì rắc rối hơn nhiều, vì người dân chỉ thường nói từ đó chớ không viết, đến chừng viết thì không biết viết sao cho đúng, vì không thể đối chiếu với từ đó ở miền khác.

Một trong những trường hợp như thế là tên các loại bánh địa phương. Xin kể cho vui vài loại bánh như sau:

1. Bánh cóng hay bánh cống?




5 thg 9, 2018

Chùa Bà Châu Đốc không ở Châu Đốc

Vài năm gần đây khách thập phương thường rủ nhau đến viếng Chùa Bà Châu Đốc 3, ở quận 9, TPHCM. Các trang mạng, báo điện tử viết về du lịch cũng thi nhau viết rất nhiều bài giới thiệu điểm đến độc đáo này. Chùa Châu Đốc 3, hay Chùa Bà Châu Đốc 3, hay Chùa Bà Chúa Xứ Châu Đốc 3 chính tên là Chùa Phước Long, quận 9. Vì vậy, bạn muốn đọc thêm về chùa này thì hãy lên Google search theo các từ khóa đó, sẽ có vô số kết quả. Còn trong bài này tui không kể những điều mà nhiều người đã kể nữa, chỉ ghi lại vài điều người ta chưa kể và cảm nhận cá nhân của mình thôi. 


Chùa Phước Long nằm ở Cù lao Bà Sang, phường Long Bình, quận 9

27 thg 8, 2018

Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy

Trong bài vọng cổ Tình anh bán chiếu có câu:

Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra... chào

và câu

Hỡi ôi, con sông Phụng Hiệp nó chảy ra bảy ngả, mà sao lệ của tôi nó cũng lai láng muôn dòng.


Bạn thấy có gì lạ không? Ngã Bảy thì dấu ngã, còn bảy ngả thì dấu hỏi!

Tui nói thiệt nghe, hồi nào tui vẫn quen viết chữ Ngả với ý nghĩa là hướng đi bằng dấu hỏi. Thí dụ như: Mỗi người đi mỗi ngả, Đôi ngả chia ly, Đường đời trăm ngả... Nhưng khi viết ngã ba, ngã tư, ngã bảy... thì lại viết dấu ngã (chắc chắn cách viết này đúng, vì có rất nhiều địa danh mang dạng Ngã x, và được thấy viết dấu ngã trên rất nhiều văn bản, bảng tên đường, bảng hiệu...).


Chợ Ngã Bảy ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang

26 thg 8, 2018

Bánh kẹp tàng ong

Bạn có biết cái bánh này không? Bạn kêu tên nó là gì?



Tui thì kêu nó là bánh kẹp tàng ong, hoặc làm biếng thì kêu gọn là bánh kẹp, hay bánh tàng ong.

22 thg 8, 2018

Chuyện con cá lóc

Có lần tui hỏi mọi người (qua Facebook) một chuyện như vầy:

Từ nhỏ xíu, chắc ai cũng biết con cá lóc. Tui hồi nhỏ chỉ biết... ăn các món cá lóc do má làm thôi, nhưng cũng biết được con cá lóc nó ra làm sao.

Tới hồi sau 75 đi làm rẫy làm ruộng, cắm câu, câu được cá lóc. Nhưng bà ngoại (dân gốc miền Tây chính hiệu) ngó rồi nói: Con này là cá quả, hổng phải cá lóc. Rồi bà giải thích gì gì đó để phân biệt mà tui hổng hiểu và cũng... hổng nhớ luôn, chỉ mang máng là con cá quả nó nhỏ hơn con cá lóc.

Sau này, đọc linh tinh, tui thấy người ta nói cá lóc còn gọi là cá quả, cá trầu,cá bông, cá chuối hoa... Dĩ nhiên là với trình độ của mình, tui hổng biết mấy cái tên kể trên có đúng là chỉ một loại cá hay không. Vậy nên tui đăng status này để hỏi, ai biết giải thích và phân biệt dùm tui.



16 thg 8, 2018

Có những ngôi chùa mang tiếng "oán tình nhân"

Người ta đồn rằng chùa Thiên Mụ ở Huế là ngôi chùa oán tình nhân, rằng đôi lứa yêu nhau mà đến viếng chùa này thì cuộc tình sẽ tan vỡ, không tử biệt thì cũng sinh ly. Không phải chỉ chùa Thiên Mụ, còn một số ngôi chùa khác cũng dính với lời nguyền giống như vậy, nhưng Thiên Mụ là ngôi chùa lớn nhất, nổi tiếng nhất nên được nhắc tới nhiều nhất về chuyện oán tình nhân này.

Có thiệt không hả? Có thiệt chớ! Là tui nói có lời đồn như vậy thiệt, còn lời đồn đó đúng hay sai thì... tui đâu biết!

Tui thì hoàn toàn không tin những chuyện như vậy nên nghe qua rồi bỏ, chả để ý làm gì. Thế nhưng mới đây, nhân dịp trò chuyện với một người bạn tui mới biết không cần ra Huế chi cho xa, ở ngay sát bên tui cũng có một ngôi chùa oán tình nhân nổi tiếng không kém. Đó là chùa Núi Châu Thới, ở cách nhà tui có 5 km.

Châu Thới sơn tự, nhìn từ chân núi

15 thg 8, 2018

Ổi xá lị

Quê ngoại tui ở Cái Bè, Tiền Giang (hồi đó hổng có tên Tiền Giang đâu nghen, mà là Định Tường). Có điều tui sinh ra và lớn lên ở Long Khánh, chả khi nào có dịp về quê ngoại. Thấy Long Khánh có nhiều trái cây (chôm chôm, sầu riêng, mít...), tui hỏi Cái Bè có gì? Các dì tui hãnh diện nói Cái Bè có ổi xá lị, ngon nổi tiếng luôn. Long Khánh là xứ trái cây nên dĩ nhiên cũng có ổi, nhưng mà không có ổi xá lị, các dì càng tự hào ca ngợi trái ổi đặc sản quê hương mình, không nơi nào có được.

Ổi xá lị. Ảnh sưu tầm

Lâu lâu tui cũng có dịp ăn ổi xá lị - không biết phải xuất xứ từ Cái Bè không - nhưng đúng là ngon, trái to, ngọt, thơm. Tui vẫn chẳng có dịp nào về Cái Bè để thấy những vườn ổi xá lị, đặc sản quê ngoại mình.

13 thg 8, 2018

Bay trên đồi cát

Đồi cát trắng là tên gọi đồi cát ở Bàu Trắng, nằm ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Gọi tên là đồi cát trắng một phần vì cát ở đây trắng (tương đối), phần khác là để phân biệt với Đồi cát bay ở Mũi Né. Giới du lịch (là gọi chung những người ham thích du lịch lẫn những người viết báo về du lịch) vẫn thường gọi Đồi cát trắng Mũi Né, Phan Thiết. Kỳ thiệt, như địa chỉ ghi ở trên, đồi cát này nằm ở huyện Bắc Bình, tức không phải ở TP Phan Thiết và cách Mũi Né tới hơn 25 km! (còn chính Mũi Né mới là một phường thuộc TP. Phan Thiết, mặc dù cách trung tâm TP Phan Thiết tới hơn 20 km).


Khi chạy xe địa hình trên đồi cát, bạn và xe trở nên bé tí giữa đồi cát nhấp nhô như thế này

5 thg 8, 2018

Hủ tiếu pizza Cần Thơ

Các lò hủ tiếu truyền thống ở Cần Thơ có đã lâu rồi, tập trung nhiều ở Cái Răng, bên rạch Rau Răm, trong đó nơi được nhiều du khách biết đến nhất là lò Pizza hủ tiếu Sáu Hoài.



Ban đầu thì nơi đây cũng là lò hủ tiếu như những nơi khác thôi (không có chữ pizza). Chủ cơ sở là ông Huỳnh Hữu Hoài, 61 tuổi, cho biết là gia đình ông bắt đầu làm hủ tiếu từ năm 1976, đến nay được hơn 40 năm. Cơ duyên mở ra khi người con trai lớn của ông là Huỳnh Hữu Diệp lên TPHCM vừa học đại học vừa học nấu bếp ban đêm, khi về quê đã vận dụng kiến thức chế biến các món ăn mới lạ từ hủ tiếu. Món hủ tiếu giòn được khách nước ngoài thích thú đặt tên là “Pizza” hủ tiếu. Chính món ăn lạ này đã thu hút du khách đến để thưởng thức. Vốn tốt nghiệp đại học ngành kinh doanh, anh Huỳnh Hữu Diệp nhanh chóng biến lò hủ tiếu của gia đình mình thành một điểm du lịch đa dạng (từ năm 2013): vừa là du lịch ẩm thực (được ăn các món hủ tiếu đặc biệt), vừa là tham quan làng nghề (được trực tiếp tham gia vài công đoạn trong quy trình sản xuất sợi hủ tiếu), vừa là du lịch sinh thái (tham quan vườn cây ăn trái bên sông nước hữu tình), lại là điểm mua sắm quà lưu niệm nữa.

2 thg 8, 2018

Anh đi đâu về?

  • Anh vừa đi chơi đâu về?
  • Tui ra đảo Bình Ba ở Nha Trang. Còn anh?
  • Tui tới thác Pongour ở Đà Lạt.
Đố bạn đoạn đối thoại trên có gì sai?

Thác Pongour

1 thg 8, 2018

Nghĩ chuyện bâng quơ

Địa danh là gì hở bạn?

Cứ từng chữ mà giải thích ra thì địa danh là tên đất, cũng như nhân danh là tên người. Còn chi tiết hơn nữa, thì theo TS Lê Trung Hoa, địa danh có thể phân làm 4 loại:
  • Địa danh chỉ địa hình tự nhiên: tên sông, tên núi, tên thác, tên hồ... như núi Trường Sơn, sông Cửu Long...
  • Địa danh chỉ công trình xây dựng: cầu cống, chợ, đường phố... như cầu Chương Dương, chợ Bến Thành...
  • Địa danh chỉ đơn vị hành chính: xã, ấp. phường, quận, huyện, tỉnh...
  • Địa danh chỉ vùng lãnh thổ không có ranh giới rõ ràng, như vùng Bàn Cờ, khu Cầu Chữ Y...


28 thg 7, 2018

Tâm sự kẻ mất dạy

Tui là chủ một cơ sở dạy tin học, nhỏ thôi, nhưng cũng hơi bị... có uy tín. Vậy nên số lượng học viên cũng đông và có đều đặn, nhiều học viên ứng dụng được tin học tại nơi làm việc. Tui cũng yên lòng với thiên chức đào tạo của mình. Thế nhưng mọi sự rắc rối lại bắt đầu từ đây.


Một người quen đến nhờ tui “cấp” chứng chỉ tin học cho thằng con của ảnh để bổ túc hồ sơ xin việc. Đương nhiên là chuyện này không thể giải quyết được rồi, vì thằng nhóc đó có đi học ngày nào đâu, tui phải “bảo vệ thương hiệu” cho chứng chỉ của mình chứ ai lại bạ đâu cấp đó như vậy. Tui từ chối khéo, nhưng anh ta cứ nài nỉ và bảo rằng anh ta sẵn sàng “chi trả” cho việc cấp khống này, chớ còn bây giờ cần gấp lắm để bổ túc hồ sơ, đi học thì đâu có kịp. Tui vẫn nhất quyết bảo vệ quan điểm của mình. Tới đây thì anh ta không năn nỉ nữa mà mỉa mai: Chỗ quen biết tôi mới nhờ ông, vậy mà làm như có giá lắm! Đã vậy đây đ. cần ông nữa, để xem tớ có “mua” được chứng chỉ không! Quả nhiên, trong vòng một buổi anh ta đã khệnh khạng mang đến vỗ vào mặt tui một cái chứng chỉ mới cáu, do một đơn vị cực kỳ uy tín trong ngành giáo dục cấp cho và chì chiết: Đừng có mà làm cao nữa nhé! Hic, tui vừa quê, vừa mất đi một người bạn.

27 thg 7, 2018

Xôi chiên phồng Đồng Nai

Bài viết sau đây của anh Bùi Thuận - một bậc đàn anh lão thành, đã sống ở Biên Hòa lâu năm - viết về Tân Hiệp quán và sự ra đời của món  xôi chiên phồng Đồng Nai. Xin được phép đăng lại nơi đây để giới thiệu rõ nét hơn về quán ăn và món ăn đặc sắc này. Bài viết được giữ nguyên văn, - trừ vài đoạn nhỏ không liên quan mà do làm biếng gõ nên không đưa vào - các hình ảnh do tui sưu tầm trên mạng để minh họa.


PHN

Trong nhiều lần liên hoan ẩm thực, cuộc thi các món ăn ngon khu vực và toàn quốc trong những năm qua, món xôi chiên phồng của Đồng Nai luôn giành được thứ hạng cao. Tại các lễ hội ẩm thực, món xôi chiên phồng cũng thường được đặt ở vị trí khá nổi bật. Khách phương xa đặt chân đến đất Đồng Nai thường hay tìm hỏi, thưởng thức món ăn này.


19 thg 7, 2018

Nếu có đi thăm tam giác mạch ở Đà Lạt...

Vài năm gần đây, du khách đến Đà Lạt thường bảo nhau tham quan một địa điểm mới: hoa tam giác mạch ở chùa Vạn Đức.

Tam giác mạch được xem là loại "đặc sản" của vùng núi phía Bắc, nên được tận mắt chiêm ngưỡng ở phương Nam thật là thú vị. Tuy vậy, phải thành thật mà nói rằng ngắm hoa tam giác mạch chỉ thật sự ấn tượng khi thật nhiều hoa trên cánh đồng bát ngát kìa chứ còn chỉ một ít hoa thì... đâu có xi-nhê gì! (cũng giống như dã quỳ ấy, phải ngắm dã quỳ mọc hoang dã thật nhiều mới đẹp, chớ có ai trồng vài bụi dã quỳ trong vườn đâu).


Đám tam giác mạch trồng ở trước cổng chùa