29 thg 12, 2016

Coi thử người ta kiếm gì qua Google năm 2016

Cứ cuối năm, anh Google lại thống kê coi người dùng tìm kiếm những từ khóa nào nhiều nhất. Ta coi thử ảnh nêu lên được điều gì nghen.


Xét trên toàn cầu, năm 2016 những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất là:
  1. Pokémon Go 
  2. iPhone 7 
  3. Donald Trump 
  4. Prince 
  5. Powerball 

27 thg 12, 2016

Ăn cá bò hòm ở Phan Thiết

Bạn có biết con cá này hông?



Ngư dân kêu nó là con cá bò hòm, bởi vì cái mặt nó giống con bò, còn cái mình nó vuông vuông như... cái hòm!

Loài cá này có ở dọc biển miền Nam Trung bộ (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) nhưng có lẽ là hơi hiếm. Ở Sài Gòn, một số nhà hàng có nhưng giá hơi cao (khoảng 200.000 đến 250.000 đồng một ký) và không phải lúc nào cũng có. Phan Thiết (Bình Thuận) được coi là nơi nổi tiếng với đặc sản này, vì vậy khi tới đây tui ăn thử cho biết.

9 thg 12, 2016

Lương châu từ

Hổng phải vì tui thích thơ Đường hay sính chữ Nho gì hết, tui biết bài Lương châu từ của Vương Hàn chỉ vì tui nghe bài vọng cổ Võ Đông Sơ có 2 câu Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu - Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi thôi hà!

Lương Châu Từ

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Nghe thì cảm khái thiệt, nhưng mà khổ quá, hổng có nhập vai được. Bởi vì uống rượu thì tui không uống được, nhấp có một miếng rượu đế mà mặt đã nhăn như Phan Thanh Giản uống thuốc độc rồi, lấy đâu ra rượu bồ đào trong chén dạ quang chớ! Lại còn tỳ bà réo rắc dục lên ngựa nữa!

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi

7 thg 12, 2016

Hạnh phúc sống quanh đây


Trường Đại học Bách khoa TPHCM là một trường nổi tiếng. Nổi tiếng vì sinh viên giỏi, thầy dạy giỏi, cơ sở vật chất tốt. Nhưng cũng nổi tiếng vì... sự khô khan. Khô khan vì đó là trường dạy về kỹ thuật. Và khô khan vì số bóng hồng trong trường như những đóa hoa hiếm hoi trong sa mạc.

Vào đầu những năm 80, xã hội cũng khô khan. Tình yêu, âm nhạc, thơ ca... là những thứ xa xỉ. Sự xác xơ chung và nỗi khô khan riêng càng khiến cằn cỗi lên đến cực điểm.

29 thg 11, 2016

Đồng Nai sống mãi trong tim toàn thế giới

Ai cũng biết Đồng Nai là một tỉnh ở Đông Bắc Sài Gòn, nhưng nếu chỉ biết vậy thôi thì thậm chí chưa thấy được bề nổi của tảng băng nữa. Thiệt vậy, từ lâu nay Đồng Nai đã ngự trị trong trái tim của mọi người, mọi giới trên toàn thế giới từ văn hóa văn nghệ sang đến thể thao và luôn cả chính trị.

Để kể cho nghe nhen.

Từ nửa thế kỷ trước tên Đồng Nai đã vang lên trong nhạc phẩm bất hủ của nhạc sĩ Pháp Claude Francoise tựa đề Donna Donna. Bài này ngay ở Việt Nam cũng rất là quen thuộc, 2 chữ Đồng Nai (Donna) được lặp đi lặp lại rất thiết tha.


Bài hát Đồng Nai - Đồng Nai

21 thg 11, 2016

Hoài vọng

Năm học 1969-1970, tui học lớp Năm A trường Nam Tiểu học Tỉnh lỵ Long Khánh (ừ bây giờ nhắc cái tên trường Nam Tiểu học Tỉnh lỵ nghe thương thương ghê là). Năm đó cô giáo dạy tui là cô giáo trẻ Nguyễn thị Bạch Nhạn, cũng là năm đầu tiên cô dạy ở nơi này.


Thẻ học sinh của trò Phạm Hoài Nhân, lớp Năm A

Trong đời mỗi người có nhiều thầy cô giáo, là những người mà ta trân trọng, kính yêu. Thế nhưng sẽ có một ít người mà ta mãi mãi ghi nhớ trong tim với tấm lòng thiết tha sâu đậm nhất. Cô Nhạn của tui là một người như vậy, không chỉ với riêng tui mà với tất cả học trò những lớp Năm A mà cô đã dạy trong thời gian ở ngôi trường tỉnh lỵ ấy. Cô dạy ở đây 4 niên khóa và rời đi trước thời điểm tháng 4/75 ly loạn.

18 thg 11, 2016

Làm thầy giáo dạy tin học rất cực!

Bây giờ đang là mùa cưới, thiệp cưới bay như bươm bướm. Hai Ẩu cũng đang ngồi tiếp một chú em tới mời dự đám cưới. Lâu ngày gặp nhau, hai anh em cùng trò chuyện. Hai Ẩu khen xã giao:
  • Dạo này công việc chú em ra sao? Chắc làm ăn khấm khá nên mới có tiền cưới vợ hả?
  • Cũng thường thôi anh Hai, em cũng vẫn đi dạy tin học văn phòng ở mấy trung tâm. Thu nhập cũng tạm được.
Hai Ẩu cười nói: Ừa, cái nghề của chú mầy nhàn mà cũng có tiền đó!

Chú em cãi lại: Đâu có nhàn đâu anh! Cực hơn mấy ông giáo viên dạy ở trường học nhiều, còn so với mấy ông chuyên gia dạy tin học cao cấp cỡ CCNA, CCNB gì đó thì lương thấp hơn nhiều lần mà khó khăn thì gấp bội.

17 thg 11, 2016

Em nói đi, em nói đi, dù một lời làm tan nát lòng nhau...

Em nói đi, em nói đi, dù một lời làm tan nát lòng nhau...

Đó là một câu trong bài hát Lời cuối cho em của Nguyễn Vũ.

Hổng biết là sau khi em nói xong một lời làm tan nát lòng nhau thì anh chàng này sẽ làm sao? Xỉu, khóc, chửi CMN...?

Người chơi Phây sau khi đăng một status cũng có một nguyện vọng giống như vậy. Đăng xong thì muốn người ta đọc. Đọc không thôi chưa đủ, có còm-men thì mới vui lòng hả dạ, còm sao cũng được. Có người treo trên tường nhà mình câu kêu gọi tha thiết như vầy: Em có một ước ao. Em có một khát khao. Còm-men mau! Còm-men mau!


8 thg 11, 2016

Lý chiều chiều

Hồi nẳm, lúc cầu Mỹ Thuận vừa khánh thành chẳng bao lâu, Hai Ẩu cùng đồng bọn về miền Tây chơi. Anh bạn trẻ miền Tây khề khà kể chuyện:

  • Dân ở đây kiu cầu Mỹ Thuận là cầu dây, có cây cầu họ khoái lắm và hát bài Lý chiều chiều như vầy: 

Chiều chiều, ra ngắm cây cầu dây
Dây cầu dây
Thấy cô tang tình (mà) đang tắm (ớ)...

2 thg 11, 2016

Hãy yêu ngày tới

Những hình ảnh này là ngày 29/10/2009, ngày Phạm Đắc Nhân - con tui - nhận bằng Tốt nghiệp Đại học.

Phạm Đắc Nhân và ông nội

27 thg 10, 2016

Luận án tiến sĩ của Hai Ẩu

Bữa nay Hai Ẩu dọn dẹp nhà cửa, coi cái gì hổng xài thì bỏ vô sọt rác cho nó gọn. Bỗng nhiên phát hiện ra một phác thảo Luận án Tiến sĩ của mình. Xin trích đăng lại ở đây để mọi người thấy được trình độ uyên bác của Hai Ẩu.
___

Đề tài luận án của Hai Ẩu là một nghiên cứu văn hóa sâu sắc có tựa:

Khi trời nắng nóng thì người Việt ta tắm mấy lần một ngày.

Đây là bản thảo:

Phần 1: Một số vấn đề lý luận về TẮM
  • Lịch sử Tắm từ cổ chí kim, từ Roma sang Trung quốc (tắm hơi, tắm ở nhà tắm công cộng, tắm sữa dê, tắm suối, tắm sông, tắm mưa, tắm biển...) (Phần này dài 50 trang, copy từ trên mạng)
  • Cơ sở khoa học về tắm: Tắm có lợi gì cho sức khỏe, nên tắm sáng hay tối, trước hay sau khi ăn... (Phần này cũng copy trên mạng dài khoảng 30 trang)
Nhà tắm công cộng Thổ Nhĩ Kỳ

25 thg 10, 2016

Đường vô... nhà đá

Gành Đá Dĩa ở Phú Yên là một kiệt tác thiên nhiên, thế nhưng trên con đường đến nơi đây nếu chú ý ta có thể thấy những "kiệt tác" khác do bàn tay con người tạo nên: những ngôi nhà, tường rào, lối đi... được xếp đặt tạo nên hoàn toàn bằng đá.

Ở thôn 6, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, chỉ cách khoảng vài km trên con đường đến Gành Đá Đĩa 2 bên đường là những "kiến trúc" đá. Vùng này sẵn đá nên người dân đi làm nông về, cứ mỗi ngày khiêng về vài tảng đá rồi cứ thế mà xếp lên thành thềm nhà, hàng rào, làm cả chuồng bò bằng đá. Khỏi tốn tiền mua gạch, xi măng! Đá còn được dùng đắp mộ, thành giếng...

Lối đi và tường rào bằng đá. Ảnh: Trâm Trân trên VietnamNet

Nghịch lý server máy tính

Trong một hệ thống mạng máy tính, cái máy quan trọng nhứt, chứa toàn bộ tài nguyên để cung cấp cho hệ thống (dữ liệu, bộ nhớ...) gọi là gì? Dễ ợt, ai cũng biết, đó gọi là cái server.

Server tiếng Việt gọi là gì? Dễ ợt, ai cũng biết, đó là cái máy chủ!


Ý, nhưng đúng nghĩa tiếng Anh thì server là gì? Là người phục vụ hay nói nôm na là đầy tớ!

13 thg 10, 2016

Từ Bắc vô Nam, tay càng mở ra...


1.

Hồi nhỏ đi học, tui được dạy câu: Một giọt máu đào hơn ao nước lã.

Tui nghiệm ra như vầy: Câu tục ngữ này có tự ngàn xưa, như vậy phải xuất phát từ tổ tiên người Việt ta nơi đất Bắc. Bởi vậy đồng bào miền Bắc luôn luôn coi trọng quan hệ họ hàng trong chuyện giao tế, làm ăn. Họ ưu tiên, giúp đỡ cho bà con, họ hàng. Chẳng lạ gì chuyện một người vô Nam làm ăn thành đạt rồi kéo theo cả dòng họ cùng vui vẻ vào.

12 thg 10, 2016

Có một thời như thế...

Hồi tui còn nhỏ, trước 75 có mấy tờ báo cho trẻ con rất nổi tiếng: tờ Thiếu nhi (do nhà văn Nhật Tiến chủ biên), tờ Thằng Bờm (do nhà thơ Nguyễn Vỹ chủ biên). Hai tờ này dành cho lứa tuổi thiếu nhi (giống như tờ Khăn quàng đỏ bây giờ). Dành cho lứa tuổi lớn hơn chút là tờ Tuổi Hoa (linh mục Chân Tín chủ biên, tòa soạn nằm ở Lý Chính Thắng, sau 75 thành tòa soạn báo Tuổi trẻ), tờ này giống như tờ Áo trắng hoặc Hoa học trò bây giờ.

Khoảng năm 70, tui chỉ mới hơn 10 tuổi nên chủ yếu là đọc 2 tờ Thằng BờmThiếu Nhi. Đọc và viết bài gửi đăng báo, hì hì!


Vài tờ báo Thằng Bờm tui còn giữ được tới giờ

8 thg 10, 2016

Truyền thông 30 năm trước

Bạn có biết 30 năm trước truyền thông ở nước ta như thế nào không? Hãy nghe tui kể câu chuyện này để hình dung ra nhé.
---

Tui còn nhớ, một buổi trưa đang ngủ ngon lành ở ký túc xá thì thầy chủ nhiệm chạy qua kiếm, hối mặc đồ vô lẹ lên (mặc đồ chớ không phải thay đồ, vì lúc đó trên người có độc cái quần xà lỏn) để vô văn phòng trường cho nhà báo phỏng vấn.

Tui vác bộ mặt ngáy ngủ, leo lên xe đạp cho thầy chở qua trường (vì tui hổng có xe đạp!).

Trường ĐHBK TPHCM bây giờ

À, phải chú thích một chút chứ không thì lại thiếu thông tin. Đó là vào khoảng năm 1980, tui đang học cuối năm thứ 3 trường Đại học Bách khoa TPHCM, ở ký túc xá gần trường - số 268 Lý Thường Kiệt, Quận 10.

Ghi nhận thứ nhất: Phương tiện truyền thông của giáo viên đại học đến sinh viên là... đạp xe đạp từ văn phòng khoa đến ký túc xá.


7 thg 10, 2016

Rong chơi cuối trời quên lãng

Bạn biết bài Rong chơi cuối trời quên lãng mà, phải hông? Tui khoái bài hát này, vì tánh tui vừa ham rong chơi vừa muốn quên lãng. Đã rong chơi mà lại còn quênlãng nữa thì còn làm ăn kinh doanh cái quái gì được, bởi vậy...

Đại khái rong chơi như vầy:



Cần Thơ - 2002

26 thg 9, 2016

Ngọn Chứa Chan mây phủ chiều tà

Hồi xưa á, tui ở Long Khánh, chả mấy khi được đi đâu. Đọc truyện, đọc thơ thấy người ta tả dòng sông thơ mộng, tả núi cao hùng vĩ mà... ấm ức. Vì ở Long Khánh hổng có sông để mình... làm thơ (có suối thôi, mà chỉ sau này mới biết nhớ biết thương con suối, chớ hồi đó... coi thường suối lắm, vì suối làm sao mà bằng sông!).

Núi thì chẳng có trùng trùng điệp điệp như dãy Trường Sơn, ngút ngàn cao như Hoàng Liên Sơn. May mà còn có núi Chứa Chan đứng trơ vơ, nhưng ở tuốt Xuân Lộc. Ở Long Khánh có thể nhìn thấy núi Chứa Chan, nhưng tui chưa tới được bao giờ. Dù sao thì có còn hơn không!


25 thg 9, 2016

Xa rồi Long Khánh

Hồi đó, năm 1977 vô đại học, lần đầu tiên xa nhà Long Khánh. Sài Gòn cách Long Khánh 80 cây số chớ có nhiêu đâu, mỗi tuần mỗi về được mà! Vậy đó mà nhớ da diết. Vì hồi đó mua vé xe đò khó khăn và... mắc tiền (đừng cười nha, thời đó hổng có đủ tiền mua vé xe là chuyện bình thường) là một lẽ, nhưng phần khác do bản tính tui nó ủy mị, yếu đuối - theo đúng kiểu mà hồi đó người ta kêu là tiểu tư sản!


21 thg 9, 2016

Bún mắm Bạc Liêu

Không biết vì cớ làm sao tui lại khoái ăn bún mắm, lẩu mắm miền Tây - nếu có chất Khmer thì càng khoái. Bởi vậy lê la các tỉnh miền Tây tui không thể bỏ qua bún mắm (hoặc lẩu mắm) Long An, Cần Thơ, Châu Đốc, hoặc một dạng khác của nó là bún nước lèo ở Sóc Trăng, Trà Vinh... Ấy, nhưng mà lại chưa ăn bún mắm Bạc Liêu.

Trưa nọ đang lang thang ở Sài Gòn thì mắc mưa, chợt thấy có quán Bún mắm Bạc Liêu trên đường Lạc Long Quân. Cơn ghiền nổi lên nên tui liền tấp vô ăn. 

19 thg 9, 2016

Mắt cá ngừ đại dương

Một con cá có 2 con mắt. Nhỏ như cá lòng tong có 2 con mắt, to như cá mập cũng chỉ có 2 con mắt. To vừa vừa như con cá ngừ đại dương cũng có 2 con mắt thôi. Mỗi con mắt cá ngừ đại dương to như cái chén, ăn ngon hết xẩy. Và như đã nói một con cá ngừ đại dương nặng bình quân 50 ký - tha hồ xẻ thịt - thì cũng chỉ có 2 con mắt. Do đó món này hiếm!

Phú Yên là thủ đô cá ngừ của Việt Nam nên cá ngừ ở đây nhiều nhất nước, nhưng mà con cá bắt lên họ xẻ thịt bán các nơi, còn mắt cá thì tại đây ăn gần hết, chia cho các nơi chẳng bao nhiêu!

Tui may mắn ăn mắt cá ngừ đại dương hầm thuốc Bắc ở ngay tại Biên Hòa một lần. Ghiền luôn! Vậy nên có dịp ra Phú Yên phải ăn mắt cá ngừ đại dương ngay tại thủ đô cá ngừ cho thỏa mãn!



Lượm chữ gắn vô

Dáng vẻ của Ba Trợn đậm nét suy tư. Suy tư cái gì, cứ nghe nó tâm sự với Hai Ẩu thì biết.
  • Anh Hai nè, dạo này có nhiều người làm thơ đưa lên Phây làm em bứt rứt quá!
  • Ơ, sao bứt rứt? Người ta có cảm xúc thì người ta làm thơ, mắc gì bứt rứt?
Ba Trợn càm ràm: Thơ hay thì hổng nói gì, thơ khua lổn cổn lẻng kẻng mà cũng đưa lên và cả đám ùa vô khen là hay quá, tuyệt dzời... Em hổng làm thơ được như người ta cho nên em...
  • Hiểu! GATO chớ gì? Thơ hay thì phải có khiếu, còn làm thơ thả lên Phây thì anh chỉ cho chú mầy được. Chỉ cần lượm chữ gắn vô là ra thơ ngay ấy mà!
  • Là sao anh? Anh thí dụ cho em đi.
Hai Ẩu cười hì hì, nói: Nhưng mà lượm chữ gắn vô cũng thường, anh chỉ cho chú một chiêu cao siêu hơn, là lượm mẫu tự gắn vô. Thí dụ như 2 câu thơ này:

MKNHƯƠ
NKMHMRQN

16 thg 9, 2016

Hải đăng Đại Lãnh

Mũi Điện nằm trên miền núi hòn Bà thuộc dãy Đại Lãnh (dãy núi này kéo dài từ Khánh Hòa sang Phú Yên). Đây là điểm cực Đông của Việt Nam, có tọa độ 109o27'12" kinh đông và 12o53'40" vĩ bắc, cao 86 met so với mực nước biển. Một sĩ quan Pháp tên Varella có công phát hiện ra mũi này nên người Pháp đặt tên là mũi Varella (Cap Varella).

Với vị trí đặc biệt của Mũi Điện, năm 1890 người Pháp đã cho xây nơi đây ngọn hải đăng mang tên hải đăng Mũi Điện. Hải đăng này còn được gọi là hải đăng Varella (theo tên Pháp), hải đăng Đại Lãnh (theo tên dãy núi). Hải đăng này đã bị bỏ phế khi người Pháp rút đi rồi bị tàn phá trong chiến tranh. Hải đăng hiện nay được khôi phục lại năm 1997.



14 thg 9, 2016

Điệp Sơn du hí

Từ TP. Nha Trang đến xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh khoảng 60 km. Ở đó, xuất phát từ cảng cá Vạn Giã đi tàu mất khoảng 40 phút sẽ đến thôn đảo Điệp Sơn. Nói vậy để thấy rằng Điệp Sơn khá xa đất liền, xa nơi phồn hoa đô hội.

Thôn Điệp Sơn gồm 3 hòn đảo, một lớn, hai nhỏ. Điểm độc đáo là có con đường giữa biển và nằm dưới mặt nước biển khoảng nửa mét nối liền 3 đảo này. Con đường này chỉ mới được bạn Ngô Trần Hải An và các bạn phượt phát hiện cách đây hơn một năm, còn trước đây trừ dân bản xứ thì không ai biết nơi này cả. Nơi đây thưa thớt dân cư, không có điện lưới, mỗi buối tối chỉ phát điện 3 tiếng.

Như vậy, điểm hấp dẫn của Điệp Sơn chính là khám phá nét hoang sơ và con đường độc đáo dưới biển. Tuy nhiên, sau khi được phát hiện thì nơi này đã trở thành một điểm đến trong các tour du lịch và đã xuất hiện các dịch vụ tại đây. 


Đã có bảng giới thiệu dịch vụ ngay tại cảng cá Vạn Giã

9 thg 9, 2016

My First7Jobs

Cái trò #first7jobs kể cũng hay. Nó giúp mình ôn lại kỷ niệm xưa với những công việc đầu đời kiếm tiền. Vậy nên xin kể lại đây ạ.

1. Đấm bóp: Là đấm bóp cho ông ngoại ấy mà, hồi còn nhỏ xíu, lúc còn ở nhà ngoại, tức là khoảng 7-8 tuổi trở xuống. Ông ngoại kêu là đấm lưng. Mỗi lần ông cho 1 đồng, rồi sau đó là 2 đồng (không phải tui đấm bóp giỏi hơn, mà là tiền mất giá và ông ngoại thương).

2. Viết báo: Cỡ 10, 11 tuổi trở lên là bắt đầu viết báo, làm thơ đăng báo. Thơ đăng báo của con nít thì hổng có tiền nhuận bút đâu (được đăng là mừng thấy mồ tổ rồi), nhưng tham gia thêm các mục đố vui hay gì gì đó, có thưởng. Nói chung là... có thu nhập.

3. Làm báo: Làm báo khác viết báo à nghen. Hồi đó thành lập ra một bút nhóm kêu là Bút nhóm ABC. Cuối năm 1972 qua đầu năm 1973 (13 tuổi) đứng ra tổ chức làm một Đặc san Xuân của bút nhóm, có mời đăng quảng cáo và có tổ chức bán báo đàng hoàng - có thu nhập (hình như là tiền lời đủ... nấu một nồi chè bắp).


6 thg 9, 2016

Cao Biền ở đất Phú Yên

Cao Biền (821-887) là một danh tướng đời nhà Đường. Tên tuổi Cao Biền gắn với những truyền thuyết huyền hoặc của người Việt. Những truyền thuyết ấy kể rằng Cao Biền thấy ở đất Giao Châu có nhiều kiểu đất đế vương, nên thường cưỡi diều giấy bay đi xem xét, rồi dùng phép thuật phá những nơi có hình thế sơn thủy đẹp, và chặn những đất có long mạch bằng cách đào những giếng khơi rất sâu.

Truyền thuyết núi Cánh Diều ở Ninh Bình kể rằng Cao Biền thường cưỡi diều giấy đi dò phá long mạch nước Nam, khi bay đến đất Hoa Lư đã bị một đạo sĩ cùng nhân dân ở đây dùng tên bắn, Cao Biền bị trọng thương, diều gãy cánh rơi xuống một hòn núi, từ đó hòn núi mang tên là núi Cánh Diều.

Ở Phú Yên có một gò cát và đất sỏi gọi là mả Cao Biền.

Mả Cao Biền ở Tuy An. Ảnh: Trần Quỳ trên Báo Phú Yên online

23 thg 8, 2016

Nghe nè bà con ơi!

Tiếng Việt mình có một chữ mà tiếng Anh (và nhiều tiếng khác) hổng có chữ tương đương. Đó là chữ Ơi.

Thí dụ vầy:


Em ơi!
Ơi!


Tui dám cá là chỉ cần nghe âm điệu của 2 chữ ơi trong 2 câu trên là có thể đoán được tình cảm của 2 nhân vật này đối với nhau, có khi còn hàm xúc hơn cả câu Anh yêu em, em yêu anh nữa.


21 thg 8, 2016

Tản mạn về một ngôi chùa

Mỗi ngôi chùa có một tên gọi chính thức, gọi là tên hiệu. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp người ta quen gọi chùa bằng tên dân dã do mình tự đặt, thường là dựa theo một đặc điểm dễ thấy, dễ nhớ nào đó của chùa. Chính vì vậy, các tư liệu giới thiệu về chùa thường ghi 2 tên, một là tên chính thức và hai là tên thường gọi.

Tất nhiên tên hiệu chùa là chính danh, do các bậc trưởng thượng của Phật giáo ban đặt. Tên thường gọi thì hoặc là đúng tên hiệu, hoặc là dân gian đặt ra thì chỉ để thuận tiện cho việc gọi thôi chứ không hề được thừa nhận chính thức.

Cá biệt có một ngôi chùa rất nổi tiếng ở Sài Gòn, cái tên do người dân tự đặt cho chùa lại được dùng làm tên hiệu của chùa luôn.

19 thg 8, 2016

Đặt tên chùa theo kiểu dân gian

Chùa bao giờ cũng có một cái tên. Tên nghiêm trang, thành kính. Vậy đó mà nhiều khi dân gian không chịu gọi (thậm chí không nhớ, không biết) tên chính thức của chùa, chỉ thích gọi tên do mình... tự đặt, nhiều cái tên nghe mà giựt mình.

Nhiều nhất có lẽ là... tên loài vật: 

Chùa có nhiều con gì thì đặt tên con đó cho chùa. Như chùa Dơi ở Sóc Trăng, chùa Cò ở Trà Vinh, chùa Khỉ ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Hic, như chùa Khỉ chẳng hạn, tui vô chùa lạy Phật đàng hoàng mà... hổng biết chùa tên gì. Hỏi cả đoàn người đang khấn vái sì sụp thì ai cũng nói tên chùa này là... chùa Khỉ, vì khỉ nó giỡn chơi đầy ở chùa. Mãi 2 năm sau, tình cờ đọc tài liệu mới biết tên chùa là chùa Chơn Nguyên.

Chùa Chơn Nguyên ở chân núi Kỳ Vân, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mặt tiền chùa đơn sơ thế này, không có tên, làm sao biết là chùa Chơn Nguyên?
(Ghi chú: đây là ảnh chụp cũ, hiện nay ngôi chùa đã được xây mới rất hoành tráng, riêng ngôi chùa cũ trong hình vẫn được giữ lại để lưu niệm)

12 thg 8, 2016

Du lịch quá giang

Năm 1986, tui ra Hà Nội lần đầu tiên, bằng xe U-oát, đi chung với vị lãnh đạo công ty (đi họp ấy mà).

Hồi đó mới có cầu Thăng Long do Liên Xô làm, báo chí vẫn gọi là "công trình thế kỷ". Tui mong được tận mắt nhìn thấy cầu Thăng Long, xin với bác phó giám đốc cho xe chạy qua cầu để ngắm. Bác ấy gạt đi, phán một câu xanh dờn: Cầu là cái bắc qua sông ấy mà, có gì mà xem!

Nay tui về Quy Nhơn cùng một số bà con để dự đám cưới. Quy Nhơn có cầu Nhơn Hội (giờ đổi tên thành cầu Thị Nại) là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam (7 km). Mấy đứa nhỏ trong đoàn muốn được qua cầu đề chiêm ngưỡng. Gã tài xế phán một câu cũng xanh lè như ông phó giám đốc năm nào: Cầu là cái bắc qua sông ấy mà, có gì mà coi! May là tui còn biểu được hắn chạy qua. Nhưng chạy qua rồi, gã vẫn phán: Thấy chưa, cũng là cái bắc qua sông thôi! (ừm, có điều là ở đây bắc qua biển).

Cầu Thị Nại. Ảnh chụp năm 2015, không phải trong câu chuyện kể ở trên

5 thg 8, 2016

Nhớ... Bà Chúa Xứ!

Theo Tổng cục Du lịch, 3 lễ hội có lượng người tham dự đông nhất nước là:
  • Lễ vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc)
  • Lễ hội Chùa Bà Bình Dương
  • Lễ hội núi Bà Đen Tây Ninh
Đông tới cỡ nào? Có thể lấy một con số minh họa: Dịp lễ hội rằm tháng Giêng hàng năm, số lượng người đến chùa Bà Bình Dương là 1,5 triệu người! Còn ở miếu Bà Chúa Xứ là 2 triệu người nhân dịp vía bà (23 đến 27/4 âm lịch)! Ở chùa núi Bà Đen thì không thấy số liệu thống kê về lượng người dự, nhưng chắc cũng phải hàng triệu!

Lễ vía Bà Chúa Xứ

3 thg 8, 2016

Chợ

Như nhiều gã đàn ông khác, tui ngại đi chợ (nói là không biết đi chợ thì đúng hơn!). Bởi vậy, đi chơi lông bông thì hầu như tui không thèm ghé chợ, trừ những loại chợ đặc biệt như chợ nổi (chợ tình thì quan tâm lắm, nhưng... chưa có dịp đi!). Thậm chí, đi du lịch đoàn thì khi các bà, các cô lăng xăng vô chợ mua sắm tui ngồi ngoài uống cà phê và lầm bầm rằng mất thời gian quá!

Ấy, nhưng mà càng đi nhiều thì tui càng hiểu rằng chợ là một thành phần quan trọng của một tour du lịch. Nơi đó người ta thấy được nếp sống vùng miền, hiểu thêm về văn hóa địa phương. Người ta thống kê rằng Việt Nam có hơn 15.000 ngôi chùa, khoảng 6.000 ngôi nhà thờ và hơn 8.000 cái chợ. Vậy mà chùa, nhà thờ... tui ghé tứ tung, còn chợ thì... hổng có cái nào.

Soạn lại hình cũ thì thấy có hình chụp chợ Cái Sao ở Long Xuyên, ngôi chợ nằm bên con rạch Cái Sao nên đăng lại đây chơi. Mà nói trước, đây không phải là chủ đích đi chợ, chỉ là đi thăm một người bà con nhà ở trong chợ nên ra ngoài vòng vòng chụp hình chơi thôi. Chợ Cái Sao không phải là ngôi chợ nổi tiếng, nhưng có điểm đặc thù của một ngôi chợ miền Tây, nằm bên sông rạch.


2 thg 8, 2016

Tản mạn chuyện đất trời

Trời lạnh. Bão.

Bất chợt có những suy nghĩ về đất trời…

Bạn có khi nào có cảm giác đất trời mỗi nơi mỗi khác, mỗi nơi có một "phong cách" riêng không lẫn với nơi khác không?

Riêng tôi, tôi cảm nhận điều đó thật nhiều…

27 thg 7, 2016

Ăn nem Thủ Đức, tắm suối Xuân Trường

Đi theo quốc lộ 1K, gần tới ngã tư Linh Xuân thì bên phải có Đường số 3, rẽ vào đó chừng 100 met tới ngã ba, lại rẽ phải, qua một khu chợ nhỏ nhưng đông đúc là bạn sẽ thấy một Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia: Đình thần Xuân Hiệp.

Cổng đình

15 thg 7, 2016

Qua sông Đồng Nai là tới... Châu Đốc!

Chỉ cần có chút xíu kiến thức về địa lý là biết ngay qua sông Đồng Nai không thể tới Châu Đốc được. Ấy vậy mà có khi lại... được mới độc chớ!

Dọc theo đường Nguyễn Xiển, quận 9, khoảng gần chùa Bửu Long, có khá nhiều bến đò để qua một cù lao. Các bến đò ấy ghi là... bến đò Châu Đốc, hoặc ghi là qua chùa Bà Châu Đốc... Thí dụ ngôi chùa cổ Hội Sơn (cùng nằm trên đường Nguyễn Xiển), cạnh chùa là một bến đò, gọi là... bến đò Châu Đốc. Tấm bảng ghi rõ những con đò ở đây đưa khách qua sông để tới Chùa Bà Chúa Xứ Châu Đốc! Vậy không phải qua sông Đồng Nai là tới Châu Đốc sao?

Một cách đầy đủ, người dân gọi tên ngôi chùa ở bên kia sông là Chùa Châu Đốc 3, hay Chùa Bà Chúa Xứ Châu Đốc 3. Kỳ thiệt, tên chính thức của ngôi chùa là chùa Phước Long.

Chùa Phước Long (Châu Đốc 3) nhìn từ bên này sông.

13 thg 7, 2016

Sáng kiến gởi cho Mark Zuckerberg


Mark con,

Chú thấy con mới bằng tuổi con chú mà giỏi quá, nên chú thik con rùi đó nghen!

Bởi thik con nên chú mới gởi thơ này cho con, chớ mấy đứa cỡ Đô-nan Trăm chú đâu có thèm nói chuyện. (À, nếu con hổng biết Đô-nan Trăm là đứa nào thì chịu khó hỏi báo Nhân dân của nước chú nghen).

12 thg 7, 2016

Tiền Giang tứ đại quý nhân

Vũ quê ở Tiền Giang. Anh hỏi tui: Tiền Giang có tứ đại quý nhân, là 4 người phụ nữ tiếng tăm lừng lẫy của nước Việt. Anh biết là những ai không?

Tui hỏi lại: Tứ đại quý nhân chứ không phải Tứ đại mỹ nhân hả?
  • Đúng rồi. Thiệt ra thì cũng đẹp, nhưng cái lẫy lừng của các vị ấy không phải là vẻ đẹp, mà là uy quyền, à... như là mẫu nghi thiên hạ ấy!
  • Vậy thì biết rồi. Thứ nhất là bà Từ Dụ, vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức, quê ở Gò Công. Thứ hai là Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại, cũng quê ở Gò Công.
Cung Nam Phương hoàng hậu ở Đà Lạt. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

8 thg 7, 2016

Chùa Huê Nghiêm, có... 3 ngôi chùa Huê Nghiêm!

Ở riêng tại TPHCM thôi có tới 3 ngôi chùa Huê Nghiêm - đó là những ngôi chùa tôi biết, ngoài ra không biết còn ngôi nào mang tên Huê Nghiêm nữa không.

1.
Chùa Huê Nghiêm tôi muốn kể ở đây còn được gọi là chùa Huê Nghiêm 1 hay Tổ đình Huê Nghiêm. Ngôi chùa này nổi tiếng ở chỗ nó đã được xác định là ngôi chùa cổ nhất TPHCM, xây dựng năm 1721.

Tuy nhiên, chùa đã được trùng tu rất nhiều lần, vào những năm 1960, 1969, 1990, 2003... do đó không còn dáng vẻ xưa nữa. Ảnh dưới đây của Võ văn Tường có lẽ chụp sau 1990.



5 thg 7, 2016

Tên tỉnh thành nào dài nhất và ngắn nhất

Việt Nam có 63 tỉnh thành, tên mỗi tỉnh thành thường có 2 chữ (âm tiết). Không tỉnh thành nào tên chỉ có một chữ. Cá biệt có một tỉnh tên dài tới 4 chữ, đó là Bà Rịa - Vũng Tàu. Vậy đây là tỉnh có tên dài nhất chăng? Hm, để coi lại cái đã!

Nếu không xét độ dài theo âm tiết mà xét theo số chữ cái thì Bà Rịa - Vũng Tàu có 12 chữ cái. Một tỉnh khác cũng có tên gồm 12 chữ cái dù chỉ có 3 âm tiết, đó là Thừa Thiên - Huế.  Vậy đây là tỉnh có tên dài nhất chăng? Hm, hổng phải đâu!

Tỉnh thành có tên dài nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. 2 chữ Thành phố phải luôn đi kèm với tên Hồ Chí Minh khiến cho tên này có tới 5 âm tiết, 17 chữ cái! (Các thành phố khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ... đều có thể đọc riêng tên mà không đi kèm chữ thành phố).

26 thg 6, 2016

Vô chùa tắm biển

Đi Vũng Tàu, Long Hải tắm biển ở các bãi tắm thường đông đúc, náo nhiệt - và có thể là dơ nữa (thường thì đông là dơ mà!). Vô resort thì đỡ hơn, nhưng cũng tốn tiền hơn.

Vậy sao không "thay đổi tiết mục" bằng cách... vô chùa tắm biển nhỉ? Giải pháp này rất phù hợp cho những người thích yên tĩnh, thanh tịnh (nhưng không hợp cho người thích ồn ào, thích rửa mắt bằng cách ngắm người đẹp mặc đồ 2 mảnh tắm biển hay thích dzô dzô bằng những lon bia).

Ở Long Hải có một nơi như thế, đó là Tịnh xá Ngọc Hải.

Mặt tiền Tịnh xá Ngọc Hải

21 thg 6, 2016

Có một ngôi chùa làng quê trong lòng thành phố

Địa chỉ cũ của chùa là 13/32, ấp Tăng Phú, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 - còn địa chỉ mới là 13/32 đường 102, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9. Thú thiệt là đọc cả 2 địa chỉ đó tui đều nghĩ là tìm cho ra ngôi chùa đó chắc gian nan lắm. Ấy vậy mà vừa ra khỏi con đường Lê văn Việt sầm uất khoảng vài trăm met đã thấy ngay ngôi chùa. Vị chi chùa cách ngã tư Thủ Đức chỉ có 2 km.

Điều bất ngờ kế tiếp là vừa bước qua cổng chùa tui có cảm giác như mình vừa tới một chốn làng quê yên ả, dù rằng cách đó chỉ vài trăm mét thôi là chốn đô thành nhộn nhịp.

Bước qua cổng tam quan, bên tay trái là ngôi chùa mái ngói cổ kính.


18 thg 6, 2016

Bùi ngùi Hội Sơn cổ tự

Chùa Hội Sơn là một ngôi chùa cổ, một danh lam, một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia thuộc TP. HCM. Chùa tọa lạc tại số 1A1 đường Nguyễn Xiển, quận 9, TPHCM.

Tiếng là thuộc TP Hồ Chí Minh nhưng chùa Hội Sơn gần Biên Hòa hơn hẳn Sài Gòn. Từ trung tâm TP Biên Hòa, đi theo đường Bùi Hữu Nghĩa về phía Tân Vạn, vừa chui qua cầu vượt sang đường Nguyễn Xiển khoảng 3 km nhìn bên trái là thấy chùa, tổng khoảng cách độ hơn 12 km. Còn từ trung tâm quận 1 ở Sài Gòn thì khoảng cách phải gấp đôi!



15 thg 6, 2016

Nam kỳ... hai chục tỉnh, Biên Hòa số mấy?

Nam kỳ Lục tỉnh là chuyện thời nhà Nguyễn. Khi Pháp cai trị Nam kỳ, họ chia thành 20 tỉnh. Hồi đó không biết ai đã đặt ra một bài nửa giống thơ nửa giống vè để dễ nhớ tên các tỉnh. Bài thơ đó như sau:

Gia Châu Hà Rạch Trà
Sa Bến Long Tân Sóc
Thủ Tây Biên Mỹ Bà
Chợ Vĩnh Gò Cần Bạc.

11 thg 6, 2016

Thơ thẩn ở chùa Giác Lâm

1. 
Chùa Giác Lâm - còn gọi là Tổ đình Giác Lâm - tọa lạc tại số 118 Lạc Long Quân, phường 10, Tân Bình là một ngôi chùa cổ. Không chỉ là cổ mà còn là ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn - Gia Định. Chùa được xây dựng từ năm 1744.

Một vài trang web ghi rằng đây là ngôi chùa cổ nhất TP Hồ Chí Minh, với suy nghĩ đơn giản: Sài Gòn hay TP Hồ Chí Minh thì cũng thế! Đâu phải vậy! Vì Sài Gòn đâu phải là TPHCM!

Ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn là Giác Lâm, xây dựng năm 1744, còn ngôi chùa cổ nhất TPHCM là chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức (số 204, đường Đặng văn Bi), xây dựng năm 1721. Cần thấy rằng Thủ Đức thuộc TPHCM nhưng không hề thuộc Sài Gòn ngày xưa!


9 thg 6, 2016

Nụ cười


Đám tang má. 

Hai mươi mấy đứa cả con lẫn cháu chen chúc nhau quỳ trước linh cữu để cúng cơm và cầu siêu cho má.

Mấy chiếc chiếu trải từ thềm dài xuống phía dưới sân. Tôi là con trưởng, quỳ dâng hương ở phía trước mọi người, vì thế vị trí của tôi ở trên thềm, còn những người còn lại thì ở dưới sân.

Tôi bước lên thượng hương và lùi lại để quỳ vào vị trí cũ. Quay lưng, không xác định đúng vị trí nên tôi lùi hơi quá lố, khi quỳ xuống đầu gối tôi ở trên thềm còn bàn chân thì ở dưới sân. Cả thân người tôi lảo đảo ngã về phía sau, hai ống quyển cấn mạnh vào bậc thềm đau điếng.

Nhìn cảnh ông anh Hai suýt té và nhăn nhó vì đau, mấy đứa em tôi không nhịn được cười trong khung cảnh trang nghiêm của buổi cúng. Tôi vừa đau, vừa sợ, bất giác nhìn lên ảnh má trước linh cữu. Má như mỉm cười, mắng yêu: Mấy đứa bây hư quá, cúng cho má mà còn giỡn nữa! 

Má là như vậy đó, luôn mỉm cười bao dung. Má như đang ngồi âu yếm nhìn đàn con nhỏ đùa chơi. 

Thương má quá, má ơi!

Phạm Hoài Nhân
Viết sau đám tang má vài ngày - 2007

5 thg 6, 2016

Lê Lai cứu chúa xứ Kiên Giang

Hai con đường ở Rạch Giá

Ở Rạch Giá có 2 con đường lớn chạy song song với nhau, đường Nguyễn Trung Trực và đường Lâm Quang Ky. Nguyễn Trung Trực là con đường chính của thành phố này, đường Lâm Quang Ky nhỏ hơn. Nguyễn Trung Trực thì ai cũng biết rồi, đó là vị anh hùng dân tộc với 2 chiến công lẫy lừng:


Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

Ông đã lập nên chiến công nức lòng người dân cả nước tại Kiên Giang và hy sinh đền nợ nước cũng tại nơi này. Con đường chính ở Rạch Giá mang tên ông là điều tất nhiên. Vậy còn Lâm Quang Ky là ai?


Đình thần Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá

Lâm Quang Ky là vị phó tướng, người bạn chiến đấu của Nguyễn Trung Trực. Đặc biệt, ông đã đóng vai Lê Lai, giả làm Nguyễn Trung Trực để chấp nhận hy sinh vì đại nghĩa.

4 thg 6, 2016

Cô lái đò (Thơ: Nguyễn Bính)

Xuân đã đem mong nhớ trở về, 
Lòng cô gái ở bên sông kia. 

30 thg 5, 2016

Các nguyên thủ quốc gia trên Facebook

Nói đến fanpage Facebook thường người ta nghĩ ngay đến trang của các diễn viên, ca sĩ, vận động viên với lượng người hâm mộ (Thích) cực lớn. Nhưng gần đây, bên cạnh các fanpage ấy lại có một dạng trang khác với đối tượng là các chính khách cũng được quan tâm quá chứng. Công ty chuyên về PR Burson-Marsteller vừa có một khảo sát mang tên “World Leaders on Facebook”. Xem xét kết quả khảo sát này cũng có nhiều cái hay lắm đó!


Theo Burson-Marsteller số chính phủ và nguyên thủ quốc gia có trang Facebook chiếm đến 87% trong tổng số 193 quốc gia của Liên Hiệp Quốc. Công ty này đã phân tích 512 trang (có nhiều chính phủ, nguyên thủ có hơn một trang fanpage) đại diện cho 169 nước.

24 thg 5, 2016

Tản mạn nơi Điện Ngọc Hoàng

Điện Ngọc Hoàng ở nơi nao?

Điện Ngọc Hoàng không phải ở trên trời, mà ở tại... số 73, đường Mai thị Lựu, phường Đa Kao, TP. Hồ Chí Minh. Dân Sài Gòn gọi đây là chùa Ngọc Hoàng.

Mặt trước điện Ngọc Hoàng

Thật ra đây đâu phải là chùa! Vì chùa thì phải thờ Phật, mà nơi đây thờ... Ngọc Hoàng thượng đế cùng các thần tiên của ông ta. Và chính người Hoa, những người dựng xây nên nơi này đã gọi tên là Điện Ngọc Hoàng! (nếu gọi là đạo thì nơi đây nhuốm mùi đạo Lão hơn là đạo Phật).

20 thg 5, 2016

Nhạc ngoại, lời Việt

Nhạc nước ngoài thì hát bằng tiếng nước ngoài, nhiều người nghe hổng hiểu, vậy nên nhạc sĩ ta đặt ra lời Việt cho bà con dễ nghe hơn. Phải công nhận là nhiều bài nhạc ngoại lời Việt hay hết xẩy luôn, nhưng mà ở đây tui không định nói về những bản nhạc ấy. Tui chỉ muốn kể về những bản nhạc ngoại do "bà con cô bác" chế lời thôi, thường là... không ăn nhập gì với lời gốc, nhưng mà vui dễ sợ và được nhiều người thuộc lòng còn hơn cả bài "đàng hoàng". (Có khi những lời tiếu lâm này do nhạc sĩ chính cống đặt hổng chừng, nhưng họ cho là giỡn chơi nên hổng thèm đứng tên tác giả.)

19 thg 5, 2016

Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua

Nhạc cải biên (tui thích dùng từ này hơn "nhạc chế", vì nghe hợp lý hơn) là những bài hát đặt lời ca mới, dựa theo giai điệu những bài hát quen thuộc có sẵn, thường là có tính vui nhộn, trào phúng. Các bài hát được cải biên phải là những bài hát nổi tiếng, được nhiều người biết, có vậy thì nghe lời mới nó mới... đã!

Không bàn tới những bài "nhạc chế" sau này (vì chưa biết nó "sống" bao lâu, và vì... tui cũng hổng biết nhiều về nó), ở đây chỉ nhắc tới những bài hát cải biên mà tui đã nghe và nhớ mấy chục năm qua thôi. Kể lại nghe chơi nha!



13 thg 5, 2016

Đi xe buýt cũng dzui lắm á!


Xe buýt Sài Gòn - Biên Hòa là tuyến đường dài, trên xe có bán nước giải khát. Một bà già - già ơi là già và nhà quê ơi là nhà quê - tần ngần ngó mấy chai nước và hỏi phụ xe (cũng là người bán nước): Chai nào mắc? Chai nào rẻ?. Rồi bà mua một chai.

Khoảng 20 phút sau, bà già loay hoay đứng lên, lảo đảo bước ra cửa, lắp bắp: Cho tui xuống! Cho tui xuống!

Phụ xe hỏi: Bà xuống đâu? Chưa tới trạm mà.