24 thg 12, 2021

Sử dụng AI để tạo hoạt hình cho các bức vẽ của trẻ em


Bạn hãy xem những bức vẽ sau đây của trẻ con. Chúng rất sáng tạo và độc đáo , phải không? Thường thì chúng ta phải... phát huy trí tưởng tượng và chịu khó suy nghĩ khác với bình thường một chút để nhận ra những người và sự vật trong tranh của con em mình. Cha mẹ hoặc giáo viên có thể xem bức vẽ của con em mình và biết được chúng muốn vẽ cái gì, nhưng đối với máy tính thì khó quá! Các bức vẽ của trẻ em thường được xây dựng theo những cách trừu tượng, huyền ảo, thí dụ như bàn chân của một nhân vật được đặt xiên xẹo hay cả hai cánh tay ở cùng một phía của cơ thể. Điều này khiến cho AI (trí tuệ nhân tạo) bị nhầm lẫn trong việc phát hiện các vật thể trong hình ảnh theo đúng tưởng tượng của trẻ.

19 thg 12, 2021

Những chiều sau chiều thu ấy...

Chiều thu ấy là ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Lam Phương, được ông sáng tác vào năm 1952, khi mới 15 tuổi. Ca khúc này thiệt tình tui ít được nghe và cũng không để ý đến. Cơ bản có lẽ vì ca khúc được sáng tác từ... trước khi tui được sinh ra và chưa phải là một ca khúc xuất sắc của ông.

Chiều thu ấy, 
ngồi bên em dưới ánh trăng vai kề vai. 
Nhìn mây bay, 
hồn lâng lâng theo gió lay hương mùa say.

18 thg 12, 2021

Năm 2021, cả thế giới tìm kiếm Cách chữa lành vết thương

Mỗi cuối năm, Google lại có bảng tổng kết những từ khóa/chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới. Để cung cấp cho người xem một cách chi tiết nhất, kết quả này được phân thành từng hạng mục như: Tìm kiếm tổng quan (Search), Tin tức (News), Nghệ sĩ, Vận động viên, Nhân vật, Games, Phim ảnh, Ca khúc… và phân theo từng quốc gia.

Mọi người có thể xem tổng hợp kết quả tìm kiếm toàn cầu năm 2021 tại đây. Kết quả tìm kiếm năm 2021 của Việt Nam tại đây.

Bên cạnh đó, một tổng kết rất có ý nghĩa là thống kê tất cả các lượt tìm kiếm của mọi người trên thế giới để xác định xem xu hướng tìm kiếm chính của nhân loại trong năm là gì.


Năm 2021, kết quả tổng hợp cho thấy câu hỏi được mọi người tìm kiếm nhiều nhất trên Google là: Làm sao chữa lành vết thương? (How to heal?)

16 thg 12, 2021

Chùa Mục đồng ở Gò Công Tây

Chùa Thiên Trường

Chùa Thiên Trường ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang còn được gọi là chùa Mục đồng, tức ngôi chùa do trẻ chăn trâu tạo dựng nên. Như lịch sử tạo dựng của hầu hết các ngôi chùa Mục đồng ở miền Nam, câu chuyện về chùa Thiên Trường như sau:

Xưa kia tại phủ Tân Hòa, tỉnh Gia Định (một phần xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây hiện nay) cánh đồng mênh mông. Bên bờ sông Tra uốn lượn hiền hòa, có rừng lá chạy dài tới thôn Lợi An (chùa Thiên Trường hiện nay ở cuối rừng). 
Các trẻ chăn trâu ở thôn Bình Phục Nhì (nay là xã Bình Nhì) thả trâu đến rừng lá ăn cỏ bên đầm lầy và nghỉ ngơi. Nhân đó, họ nặn tượng Phật bằng đất sét chơi rồi đem thả xuống ao cho Phật tắm. Lạ thay các tượng ấy lại nổi trên mặt nước. Đám mục đồng thấy vậy vớt tượng lên rồi che một am tranh để thờ.

12 thg 12, 2021

Google Doodle Phở tôn vinh văn hóa ẩm thực Việt Nam trên Google Tìm kiếm của 20 quốc gia

Ngày 12/12, Phở - một trong những món ăn mang tính biểu tượng văn hóa ẩm thực của Việt Nam được quảng bá trên trang chủ Google Tìm Kiếm của gần 20 quốc gia bao gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Áo, Phần Lan, Thụy Sĩ... Thông qua Doodle Phở với định dạng hình động sống động, Google không chỉ muốn tôn vinh và lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc đến với công chúng Việt Nam và quốc tế; mà còn là một trong những hoạt động quảng bá và hỗ trợ thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch cho các doanh nghiệp kinh doanh Phở.

Dự án còn có sự đồng hành của sở Du Lịch Thành Phố Hồ Chí Minh; Á Hậu Kim Duyên; Hoa Hậu H’Hen Niê và những người nổi tiếng; các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube cùng lan tỏa thông điệp ý nghĩa của sự kiện.

7 thg 12, 2021

Google tôn vinh bánh Pizza

Vào trang Google Tìm kiếm hôm nay (www.google.com) bạn thấy gì?


Cái gì giống bánh pizza quá há? Ờ, đúng rồi, Google Tìm kiếm hôm nay tôn vinh bánh pizza bằng cách đổi doodle thành biểu trưng bánh pizza như trên.

Google doodle tương tác của ngày hôm nay tôn vinh một trong những món ăn phổ biến nhất trên thế giới — pizza! Vào ngày này năm 2017, món Pizza Napoli đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

30 thg 11, 2021

Tản mạn về những ca khúc nhắc đến nhiều địa danh

Nếu nói tựa bài hát nào có nhiều địa danh nhất - và nổi tiếng nữa - thì chắc là bài Huế - Sài Gòn - Hà Nội của Trịnh Công Sơn.

Còn nếu xét trong lời bài hát thì khó mà biết và kể cho hết. Ở đây chắc cũng cần nói thêm rằng địa danh không chỉ là tên thành phố, tỉnh mà gồm cả tên sông, tên núi, tên đường, tên vùng đất... có nghĩa là đúng theo định nghĩa của từ địa danh.


Một trong những bài hát nhắc đến nhiều địa danh nhứt mà tui nhớ là bài Thăm những vùng địa sử của nhạc sĩ Thanh Sơn. Bài này sáng tác trước 75 và được đặt tựa như trên, sau này đổi thành Những vùng đất mang tên anh. Như chính tên bài hát đã nói, nó bao gồm những vùng đất mang tên anh nên kể ra thiệt nhiều địa danh, thường là địa danh chiến trường (như tựa ban đầu đã nói: vùng địa sử). Để điểm danh, chắc ta xem lại toàn bộ lời bài hát nhé:

29 thg 11, 2021

Việt Nam trong thập kỷ Số của Đông Nam Á

Báo cáo e-Conomy là báo cáo hàng năm do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện, khảo sát về tình hình phát triển nền kinh tế số ở Đông Nam Á (SEA, South East Asia), được tiến hành lần đầu tiên vào năm 2016. Báo cáo năm nay vừa được công bố vào giữa tháng 11, với tiêu đề: Những năm 20 bùng nổ - Thập kỷ số cho Đông Nam Á.

Báo cáo dựa trên khảo sát người dân của 6 nước Đông Nam Á là: Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia.

28 thg 11, 2021

Những ngôi chùa mục đồng ở Biên Hòa

Khi tìm hiểu lịch sử các ngôi chùa, phần người sáng lập thường là các vị tu sĩ, có đôi khi đó là những nhà quyền thế có tâm bồ đề tự bỏ tiền của ra xây chùa để tu tập tại gia rồi sau đó mời thầy về trụ trì, nhưng cũng có không ít trường hợp phần người sáng lập ghi là dân làng, đó là những trường hợp người dân trong làng tự quyên góp tiền của lại xây chùa để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của mình. Trong nhiều trường hợp, nhất là trường hợp do dân làng xây dựng lên, thì phát xuất ban đầu là do trẻ mục đồng.

Những ngôi chùa có liên quan đến mục đồng như vậy ở nước ta - nhứt là ở miền Nam - có rất nhiều, trong đó nhiều ngôi ngoài tên chính thức còn được người dân gọi tên là chùa Mục Đồng luôn. Truyền thuyết chung về tên gọi Mục Đồng của các ngôi chùa này là: Trẻ chăn trâu dùng đất sét nặn tượng Phật, rồi lập am để thờ. Nhờ Phật ấn chứng tâm thành thuần khiết của chúng, cho nên một số am, chùa mục đồng đơn sơ với các tượng Phật đất sét hồn nhiên sau này đã trở thành những ngôi chùa khang trang rộng lớn. Bổ sung cho truyền thuyết này còn có lời kể sau: Mục đồng nặn tượng Phật rồi thả xuống nước (sông, rạch), tượng nào nổi tức là linh thiêng sẽ được mang lên thờ. Các am, chùa ấy thường có tên là chùa Phật nổi...

23 thg 11, 2021

Chuyện chiếc chuông cứu chúa ở chùa Sắc Tứ Linh Thứu

Tui viếng thăm chùa Sắc Tứ Linh Thứu (Châu Thành, Tiền Giang) trong một dịp đến Trại rắn Đồng Tâm. Trên đường từ quốc lộ 1A rẽ vô Trại rắn khoảng 2 km là tới chùa Linh Thứu (đi tiếp 2,5 km nữa là tới trại rắn).

Cổng chùa Sắc Tứ Linh Thứu. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Ngôi chùa có kiến trúc khá ấn tượng, nhưng ấn tượng hơn cả lại là những truyền thuyết chung quanh nó. Qua lời kể của những người ở chùa và tìm hiểu thêm qua website của Phật giáo Tiền Giang thì những giai thoại ấy như sau:

21 thg 11, 2021

Linh Sơn đâu đây, buông tiếng chuông ban chiều?

Chùa thường ở trên núi. Chùa là chốn linh thiêng. Chắc vì vậy nên nhiều ngôi chùa có tên là Linh Sơn. Tui tò mò tìm hiểu xem ở Việt Nam có những ngôi chùa Linh Sơn nào. Tất nhiên là tui chỉ có thể kể ra những ngôi chùa nổi tiếng hoặc gần gũi với mình thôi, chớ làm sao mà biết hết được.

1. Chùa Linh Sơn ở Đà Lạt

Đây không phải ngôi chùa Linh Sơn nổi tiếng nhứt, nhưng kể ra trước tiên vì chính nó gợi ta nhớ tới tên Linh Sơn qua câu hát trong bài Thương về miền đất lạnh của nhạc sĩ Minh Kỳ: Linh Sơn đâu đây, buông tiếng chuông ban chiều?

Chùa Linh Sơn ở đường Nguyễn văn Trỗi, TP Đà Lạt, được xây dựng năm 1938, hoàn thành năm 1940. Chùa không phải nằm trên núi mà nằm trên một ngọn đồi, phong cảnh hữu tình, xinh đẹp.

Chùa Linh Sơn Đà Lạt. Ảnh: VnTrip

18 thg 11, 2021

Em lễ chùa này, một thoáng hương qua,

Phạm Duy phổ nhạc nhiều thơ của Phạm Thiên Thư, bài nào cũng hay. Tài nghệ tuyệt luân của Phạm Duy đã phả hồn vào những bài thơ khiến nó thêm sức sống. Khá dễ để ta tìm ra bài thơ gốc, ví dụ như Đưa em tìm động hoa vàng phổ từ bài thơ Động hoa vàng, Ngày xưa Hoàng thị... từ bài thơ cùng tên, Gọi em là đóa hoa sầu từ một trích đoạn trong Đoạn trường vô thanh. Thế nhưng có một bản nhạc của Phạm Duy tui yêu thích từ rất lâu mà không biết nó phổ từ bài thơ nào. Đó là bài Em lễ chùa này.


Lời bài hát gồm những câu bảy chữ, y chang bài thơ thất ngôn. Và tui nghĩ, chắc là Phạm Thiên Thư sáng tác bài thơ thất ngôn này xong đưa cho Phạm Duy phổ nhạc luôn. Lời của bản nhạc chính là giữ nguyên xi lời bài thơ. Như để củng cố thêm cho suy nghĩ này của tui, trang thivien.net - một trang chuyên đăng tải các bài thơ nổi tiếng - cũng đăng bài thơ Em lễ chùa này với nội dung y xì lời bài hát chúng ta đã quen thuộc. Dưới đây là bài thơ do trang thivien.net đăng (cũng là lời bài hát).

17 thg 11, 2021

Ngôi chùa có chánh điện cao vời vợi

Tui không thích kiểu nói "Ngôi chùa lập kỷ lục xyz", vì tui nghĩ đã là chùa thì không có tham sân si, không quan tâm hơn người, đạt kỷ lục này nọ. Rào trước đón sau như vậy để nói rằng khi đến viếng chùa Vạn Đức (Thủ Đức) tui không quan tâm đến chuyện nó xác lập kỷ lục gì mà chỉ nói đến những ấn tượng ngôi chùa tạo ra thôi.

Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận chùa Vạn Đức là ngôi chùa có chánh điện cao nhất Việt Nam, với chiều cao là 43,5 met. Đây là chiều cao được xác định từ nóc chánh điện xuống. Xuống đâu thì tài liệu không nói rõ, nhưng theo tui - sau khi đã tới viếng chùa - thì là xuống tới nền tầng trệt. Thôi, giờ lướt qua những thông tin mào đầu đó, hãy cùng tui đi thăm chùa nhé.

Chùa Vạn Đức tọa lạc tại số 502 đường Tô Ngọc Vân, TP Thủ Đức, nhìn từ xa đã thấy ngôi chùa cao nổi bật.

15 thg 11, 2021

Chùa Vạn Đức với chùa Vạn Linh

Khi đã nói đến chùa Vạn Linh ắt phải nhắc tới chùa Vạn Đức. Hai ngôi chùa này - một ở trên núi Cấm thuộc huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang, một ở quận Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh - có mối liên quan mật thiết với nhau. Có thể nói, nếu không có chùa Vạn Linh thì sẽ không có chùa Vạn Đức, và ngược lại, nếu không có chùa Vạn Đức sẽ không có chùa Vạn Linh như ngày hôm nay.

Chùa Vạn Đức 2018. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

14 thg 11, 2021

Điều gì sắp xảy ra với nút "Không thích" trên YouTube

Khác với Facebook, YouTube có nút ThíchKhông thích. Bất kỳ người xem nào cũng có thể nhấp vào Thích hay Không thích để bình chọn cho video đó. Nhìn vô một video, so sánh số lượng Thích với số lượng Không thích người ta có thể đánh giá mức độ ưa chuộng của người xem đối với video đó.

Trên video này hiện giờ có hơn 38 triệu lượt xem, 259 ngàn lượt Thích và 8 ngàn lượt Không thích.

13 thg 11, 2021

Chùa Vạn Linh núi Cấm - Hơn mười năm trước và bây giờ

Năm 2007, tui có dịp lên núi Cấm. Lúc đó chùa Vạn Linh mới an vị tượng Phật được vài năm (từ 2003). Thiệt tình, lúc đó ngôi chùa không gây ấn tượng gì lắm với tui, ngoài việc nhận định rằng đây là ngôi chùa khá bề thế trên núi. Hình ảnh chùa lúc đó là đây:

Ngôi chánh điện

Nhìn xa, ta thấy tòa tháp Bảo Các Quan Âm (cao 40 met) và các ngôi tháp khác. Điều dễ thấy là xung quanh chùa còn nhiều cây rừng và những bãi đất chưa xây dựng.

10 thg 11, 2021

Thăng trầm chùa Vạn Linh trên núi Cấm

Khi đi cáp treo lên đến khu hành hương trên núi Cấm, những điểm nhấn mà khách hành hương quan tâm đến là tượng Phật Di Lặc, chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh - bên cạnh đó là hồ Thủy Liêm như là cái nền cho khung cảnh.

Ngoài tượng Phật Di Lặc là công trình quá nổi bật mà mọi người đều quan tâm thì kiến trúc được chú ý đến nhất chính là chùa Vạn Linh - chớ không phải chùa Phật Lớn, dù rằng s
o với chùa Phật Lớn thì chùa Vạn Linh là... phận đàn em, vì ra đời sau - nhờ ở quy mô của chùa, và nhất là tháp chùa cao nổi bật giữa cảnh sơn thủy hữu tình. Trong hầu hết các ảnh chụp toàn cảnh khu vực này của núi Cấm, chùa Vạn Linh đều nổi bật giữa nền trời nước bao la.

Chùa Vạn Linh (bên trái) và tượng Phật Di Lặc là 2 điểm nhấn nổi bật trên núi Cấm. Ảnh: Báo Nhân dân

8 thg 11, 2021

Lá thư điện tử đầu tiên của nhân loại đã tròn 50 tuổi.

Năm 1971 được xem là năm mà bức email đầu tiên của nhân loại được gởi đi qua mạng Internet. Vậy là đến nay vừa tròn nửa thế kỷ con người có thêm một phương thức gởi thư mới, sau... chim bồ câu và bưu điện. Ta cùng nhìn lại sự kiện này một chút nhé.


6 thg 11, 2021

Tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm

Có lẽ hầu hết người du lịch lên núi Cấm đều có mục đích quan trọng là chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc khổng lồ tại đây, và tất nhiên là chụp ảnh lưu niệm dưới chân tượng. Bài viết về tượng Di Lặc rất nhiều và cung cấp rất nhiều thông tin nên tui không đăng lại nữa, ở đây chỉ xin đăng một số hình ảnh những lần viếng thăm để ghi lại kỷ niệm, cùng một vài cảm nhận nho nhỏ.

Tượng Phật Di Lặc núi Cấm 2021. Ảnh: PHN

3 thg 11, 2021

Microsoft Cloud tại Ignite 2021: Siêu vũ trụ số, Trí tuệ nhân tạo và Siêu kết nối trong một thế giới kết hợp


18 tháng qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều thay đổi lớn trong mọi ngành, từ các giải pháp chăm sóc sức khỏe từ xa trong lĩnh vực y tế, ví điện tử trong dịch vụ tài chính, đến việc lấy hàng ở lề đường và mua sắm không tiếp xúc trong bán lẻ – và công nghệ kỹ thuật số chính là nền tảng cho những thay đổi lớn lao này.

Facebook đổi tên và đổi cả chức năng

Giữa lúc đang phải đối mặt với những cáo buộc nặng nề về việc kiểm soát nội dung đăng trên Facebook, sự kiện thường niên Facebook Connect 2021 vẫn diễn ra với những thông tin cực kỳ quan trọng, trong đó gây chú ý lớn nhất là Facebook sẽ đổi tên thành Meta, đồng thời chức năng chính của công ty cũng chuyển từ công ty truyền thông xã hội sang công ty công nghệ xã hội.

Hội nghị Connect hàng năm của Facebook quy tụ các nhà phát triển thực tế ảo và tăng cường, người sáng tạo nội dung, nhà tiếp thị và những người khác để kỷ niệm động lực và sự phát triển của ngành. Sự kiện năm nay khám phá những trải nghiệm trong metaverse có thể cảm thấy như thế nào trong thập kỷ tới - từ kết nối xã hội đến giải trí, chơi game, thể dục, công việc, giáo dục và thương mại. Trong lá thư gửi đến người dùng Internet trên toàn thế giới, công bố trong hội nghị ngày 28/10, Mark Zuckerberg chia sẻ những điều mới mẻ mà Meta sẽ đem tới. Tóm lược nội dung như sau:

Meta là mở đầu của chương tiếp theo cho Internet

Với Metaverse, bạn có thể chỉ cần ngồi tại nhà nhưng toàn bộ cảm giác, cảnh quan cũng như hiệu quả công việc đều y như đang làm việc ở cơ quan. Nguồn: Facebook.

1 thg 11, 2021

Trên núi Cấm - Rảo bước năm non

Tiếp tục với chuyến du khảo của học giả Nguyễn văn Hầu, sau khi qua đêm ở vồ Bồ Hong thì ông và các bạn đi thăm các vồ khác của núi Cấm. Trong các vồ này thì chắc chắn du khách đi cáp treo lên núi Cấm sẽ đến được một vồ, đó là vồ Ông Bướm. Lý do đơn giản: ga đến cáp treo được xây dựng ngay trên vồ Ông Bướm. Còn các vồ khác thôi thì ta đọc qua lời kể của một khách du hành từ 70 năm trước vậy nhé. Như bài trước, trong bài này ông cũng kể thêm những câu chuyện lịch sử liên quan, và giải thích một số từ ngữ địa phương.

Vồ Ông Bướm là nơi đặt ga đến của tuyến cáp treo Núi Cấm. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

31 thg 10, 2021

Vồ Bồ Hong trên núi Cấm

Vồ Bồ Hong là vồ cao nhất trong 5 cái vồ của núi Cấm (tức Năm non trong thành ngữ Năm non bảy núi), và như vậy cũng chính là đỉnh cao nhất của núi Cấm. Độ cao của vồ Bồ Hong (cũng là của núi Cấm) là 705 met.

Khi bạn đi cáp treo hoặc xe hơi thì bạn chỉ có thể tới khu vực hồ Thủy Liêm, tới chùa Vạn Linh. Chùa này nằm ở chân vồ Bồ Hong, độ cao là 535 met, còn cách đỉnh núi 170 met. Từ chùa Vạn Linh lên vồ Bồ Hong - ở đó có một điện thờ nên còn gọi là điện Bồ Hong - cho đến giờ chỉ có cách đi bộ, leo núi. Theo kinh nghiệm của những người đã lên đến vồ Bồ Hong thì thời gian vượt 170 met độ cao từ chùa Vạn Linh đến điện Bồ Hong là... 2 tiếng! Hic, mặc dù lên núi Cấm nhiều lần nhưng tui đều đi với tư cách quý tộc già lão nên chỉ tới chùa Vạn Linh thôi chớ chưa bao giờ lên tới vồ Bồ Hong, tức chưa bao giờ có thể nói mình chinh phục đỉnh núi Cấm. 

Vồ Bồ Hong trên núi Cấm. Ảnh: Bùi Thuy Đào Nguyên trên Wikipedia

30 thg 10, 2021

Đường lên núi Cấm - Chùa Phật Lớn

Du khách tham quan khu du lịch Núi Cấm bằng cáp treo hoặc bằng xe hơi (như hối còn cho xe hơi lên núi) thì hầu như điểm đến chỉ là khu Trung tâm hành hương, tức vùng cảnh quan hồ Thủy Liêm. Nơi đây tập trung các điểm tham quan ấn tượng (và đi lại thuận tiện) như tượng Phật Di Lặc trên núi lớn nhất châu Á, chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh...

Bản đồ các vùng cảnh quan trên núi Cấm

29 thg 10, 2021

Đường lên núi Cấm - thuở xưa

Năm 1951, học giả Nguyễn văn Hầu cùng 3 người bạn làm một chuyến du hành Thất Sơn, và sau đó ông viết thành bút ký Nửa tháng trong miền Thất Sơn. Chương VIII của bút ký là 30 giờ trên núi Cấm kể về hành trình lên ngọn núi này. Thời điểm ông thực hiện chuyến đi đường sá đã thuận tiện hơn thuở trước rất nhiều nhưng so với 70 năm sau - tức hiện nay - cũng là rất khác. Tui trích đăng câu chuyện kể của ông năm 1951 kèm theo hình minh họa chụp trong chuyến hành trình 3 giờ trên núi Cấm của tui hồi đầu năm nay để... so sánh (3 giờ là tính luôn giờ... ăn bánh xèo á!).

Khu du lịch Lâm viên Núi Cấm. Mua vé đi cáp treo ở đây nghe quý vị.

28 thg 10, 2021

Đường lên núi Cấm - không cấm - cấm

Nhiều người muốn lên núi Cấm, nó gợi lên sự kích thích lẫn cảm giác huyền bí. Kích thích vì giữa miền đồng bằng sông nước bỗng hiện lên dãy Thất Sơn, rừng núi hoang vu hiểm trở, và núi Cấm chính là ngọn cao nhất. Chốn non cao rừng thẳm là nơi thích hợp cho các bậc chân tu tìm nơi ẩn dật, là nơi các đạo sĩ luyện phép thuật - và cũng là nơi ẩn náu của cường sơn thảo khấu. Chính những yếu tố đó tạo nên những truyền thuyết, những câu chuyện huyền bí về núi Cấm. Kích thích còn bởi vì chính cái tên Cấm của nó, bởi vì cái gì cấm thì càng gợi lên sự tò mò. Mà quả thật, đã có thời gian dài có lệnh cấm lên núi.

Núi Cấm. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên trên Wikipedia

26 thg 10, 2021

Magic Eraser, công cụ chỉnh sửa ảnh mới trên Google Photos


Đôi khi có những thứ chướng ngại vật xuất hiện trong tấm ảnh đẹp mê ly của bạn một cách vô duyên và lãng xẹt. Điều này có thể là bất khả kháng (như địa điểm chụp có đường dây điện nhiều quá, không tránh được) hay vô tình (đang chụp hình cùng người yêu tự nhiên có con chó chạy qua).
 Chúng có thể làm mất tập trung vào bức ảnh, thu hút sự chú ý khỏi những gì bạn đang thực sự cố gắng chụp. Chẳng hạn bạn chụp ảnh bạn gái mà chẳng may có con chó chạy qua, người ta nhìn ảnh cứ tập trung ánh nhìn vô... con chó! Loại bỏ những thứ không mời mà tới này khỏi ảnh không phải là một nhiệm vụ bất khả thi, nhưng nó thường đòi hỏi các công cụ chỉnh sửa phức tạp, bí quyết và thời gian.

23 thg 10, 2021

Cuộc gọi thời Covid

  • Alô, tui nghe!
  • Dạ chào anh, bên em đang triển khai dự án đất nền...
  • Đất hả? Nghe là mê, nhưng chờ tui ít lâu được hôn? Tui đang kẹt tiền.

19 thg 10, 2021

Núi ở An Giang - Năm non bảy núi

Xưa kia, khi nghe câu Năm non bảy núi tui cứ nghĩ đó là một câu thành ngữ, tựa như Ba chìm bảy nổi hay Trăm suối ngàn đèo, nghĩa là những con số 5, 7 chẳng phải số lượng gì cụ thể mà chỉ nhằm diễn tả nhiều núi non thôi. Sau này, cùng với Bảy núi đúng là 7 núi, tui mới biết Năm non quả thiệt là 5 non.

Bảy núi chính là Thất Sơn ở An Giang, trong đó núi Cấm là đầu lĩnh. Còn năm non là năm cái chỏm cao của núi Cấm mà dân địa phương gọi là vồ.

Núi Cấm nhìn từ cáp treo. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

18 thg 10, 2021

Núi ở An Giang - Bảy Núi là bảy núi nào?

Trước khi tìm hiểu Bảy Núi là 7 núi nào, ta hãy cùng tìm hiểu tình trạng núi non ở An Giang nghen. Tui đọc dùm các bạn trong Địa chí An Giang (2013) như vầy nè.

Đồi núi ở An Giang

Đồi núi ở An Giang gồm nhiều đỉnh có hình dạng, độ cao và độ dốc khác nhau, phân bố theo vành đai cánh cung kéo dài gần 100 km; khởi đầu từ xã Phú Hữu, huyện An Phú, qua xã Vĩnh Tế, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, bao trùm lên gần hết diện tích hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, về tận xã Vọng Thê, thị trấn Óc Eo và Vọng Đông rồi dừng lại ở thị trấn Núi Sập của huyện Thoại Sơn.

Núi Cấm. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

17 thg 10, 2021

... và cái kết bất ngờ!

Chắc là ngày nào bạn cũng có dịp đọc trên mạng tít bài có dạng: Gì gì đó và cái kết hay nhấn mạnh hơn: Chi chi đó và cái kết bất ngờ, hoặc Bất ngờ với cái kết...

Chắc các bạn cũng biết đây là một thủ pháp đặt tít để câu view. Nói nào ngay, hồi mới có ít người sử dụng nó cũng có phần tác dụng, nhưng giờ đây người ta xài nhiều quá đâm ra nhàm tới... mắc ói! Để xác định độ nhàm của nó, bạn hãy thử lên Google search cụm từ "và cái kết" coi. 530 triệu kết quả! Nếu thêm từ bất ngờ nữa (và cái kết bất ngờ) thì số kết quả có khiêm tốn hơn một chút, nhưng cũng đến 110 triệu!

16 thg 10, 2021

Núi ở An Giang - Sao lại là 7 núi?

Nói đến núi ở miền Tây Nam bộ là người ta nghĩ ngay đến núi ở An Giang. Nói đến núi ở An Giang người ta nghĩ ngay đến Thất Sơn, hay Bảy Núi.

Từ đỉnh Núi Cấm nhìn xuống dưới. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên trên Wikipedia

Từ xưa đến nay, vùng Thất Sơn - hay Bảy Núi - được hiểu là vùng đồi núi thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Thật ra trong lịch sử đã từng có một huyện mang tên Bảy Núi ở An Giang. Chuyện như sau:

14 thg 10, 2021

Núi ở đồng bằng - Thất Sơn mầu nhiệm

Nói đến núi ở An Giang ắt hẳn phải nói đến Thất Sơn. Đó là cụm núi chính, quan trọng nhất của An Giang - hoặc có thể nói: Thất Sơn chính là tên gọi chung tất cả vùng núi của An Giang.

Toàn cảnh Khu Du lịch Núi Cấm. Núi Cấm là ngọn núi cao nhất An Giang và là núi quan trọng nhất trong Thất Sơn.

Quyển biên khảo đầu tiên về Thất Sơn có lẽ là Thất Sơn mầu nhiệm của học giả Nguyễn văn Hầu, xuất bản năm 1955. Trong sách này ông đề cao vai trò của Thất Sơn, đặc biệt là khía cạnh linh thiêng, huyền bí, một vùng đất địa linh sinh nhân kiệt. Đến 3/4 nội dung sách là nói về Các bậc siêu phàm ở Thất Sơn.

13 thg 10, 2021

Núi ở đồng bằng - Kiên Giang

Nói đến du lịch miền Tây Nam bộ là người ta nghĩ đến sông nước, đồng bằng, không ai nghĩ đến núi non. Đúng vậy thiệt, hầu như toàn bộ diện tích 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều là đồng bằng, sông ngòi. Thế nhưng cá biệt có 2 tỉnh ở miền Tây Nam bộ vẫn có núi, đó là An Giang và Kiên Giang.

Núi ở An Giang là cả một câu chuyện phong phú, ly kỳ và huyền bí nữa, ta để dành nói sau. Bữa nay nói chuyện núi ở Kiên Giang nghe.

Núi ở Kiên Giang chủ yếu không phải ở... Kiên Giang đất liền, mà ở đảo Phú Quốc. Thật ra, xét về địa hình thì Phú Quốc không phải đồng bằng, nhưng về hành chánh thì huyện đảo này thuộc tỉnh Kiên Giang, mà Kiên Giang lại thuộc về đồng bằng sông Cửu Long nên ta kể tên Phú Quốc vào đồng bằng vậy. Truyền thuyết nói rằng hòn đảo này có 99 ngọn núi, tuy nhiên chưa có bản liệt kê tên tuổi nào của 99 ngọn núi này hết. Vụ này giống như Thất Sơn ở An Giang, tức 7 núi, mà cho đến giờ vẫn chưa thống nhất được đó là 7 núi nào. Dù không xác định chính xác là bao nhiêu ngọn núi, nhưng chắc chắn là nhiều, hàng trăm ngọn.

Một ngọn núi ở Phú Quốc

8 thg 10, 2021

Test không cần ngoáy mũi

À, trước khi tìm hiểu về cách xét nghiệm không cần ngoáy mũi xin bạn chịu khó đọc phần đầu bài viết này để tui giới thiệu một chút nhe.

7 thg 10, 2021

Chùa Tổ Đỉa

Ở ấp 4, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương có một ngôi chùa mà người dân vẫn quen gọi là chùa Tổ Đỉa.

Đỉa - dấu hỏi - là con đỉa rồi, còn tổ là gì? Cái tổ hay ông tổ?

Dù là nghĩa nào cũng hơi kỳ kỳ. Chẳng lẽ ngôi chùa này là cái tổ của bầy đỉa hay đây là nơi thờ ông tổ của loài đỉa?

Không, không phải nghĩa nào trong 2 nghĩa đó hết.

Quang cảnh chùa Tổ Đỉa trước năm 2000. Ảnh: Võ văn Tường

6 thg 10, 2021

Yêu bằng tình loài người

Có một bài hát gắn với kỷ niệm sâu sắc trong đời tui từ hơn 40 năm qua - và chắc là cũng quen thuộc với rất nhiều người - nhưng tui không biết tác giả, không biết xuất xứ, thậm chí không biết tựa luôn! Bài hát bắt đầu bằng những câu như thế này:

Gần nhau, trao cho nhau yêu thương tình loài người
Gần nhau, trao cho nhau tin yêu đừng gian dối

Sau này, khi Internet phát triển, tui tìm hiểu và được biết bài hát có tựa đề là Yêu bằng tình loài người. Hỏi bạn bè trên Facebook về xuất xứ của bài hát thì có người nói đó là nhạc công giáo, có người nói là nhạc du ca, có người trả lời chung chung rằng đó là ca khúc sinh hoạt tập thể... Không ai biết tác giả bài hát cả, mọi người ngầm hiểu rằng đã là một bài hát tập thể thì... không cần biết tác giả. Trên các trang phổ biến nhạc như YouTube, nhaccuatui... cũng không ghi tên tác giả, hoặc ghi là... Kitô hữu.

5 thg 10, 2021

Thiền sư Đại Điên

Hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng tui có đọc mấy tập truyện tranh về Tế Điên hòa thượng, - một ông hòa thượng ăn thịt, uống rượu say bét nhèm, nửa điên nửa tỉnh nhưng phép thuật kinh hồn - tui cứ nghĩ đây là một nhân vật tưởng tượng được viết ra cho con nít (như tui) đọc. Sau này tui mới biết đó là một nhân vật có thiệt, được người đời sau thêu dệt nhiều chi tiết huyền hoặc.

Nhiều năm sau này, tìm hiểu các tích truyện Việt Nam, tui phát hiện ở nước Việt xưa cũng có một vị sư tên Đại Điên. Đại Điên không nổi tiếng như Tế Điên hòa thượng và cũng không tài phép như ông ta, nhưng cũng có pháp thuật cao cường. Câu chuyện về nhà sư Đại Điên có liên quan đến một vị sư lừng lẫy trong lịch sử nước nhà, đã từng được phong làm quốc sư thời nhà Lý, đó là Từ Đạo Hạnh - thế danh là Từ Lộ. Nói cho đầy đủ, đây là câu chuyện về bộ ba Đại Điên - Từ Vinh - Từ Lộ, trong đó Từ Vinh là thân phụ của Từ Lộ.

Chùa Thầy Hà Nội. nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh,

2 thg 10, 2021

Nguyễn Bá Trác - Một blogger du lịch bậc thầy!

Bạn nghe tên Nguyễn Bá Trác quen quen hả? Cứ như là Nguyễn Bá Trác nổi tiếng với bản dịch bài Hồ trường vậy á.

Thì đúng rồi, ổng chớ ai!

Bỏ qua tiểu sử cần nhiều điều bàn luận và cả cái chết uẩn ức của Nguyễn Bá Trác, bữa nay tui chỉ muốn nói về điều khiến tui gọi ông là một blogger bậc thầy, dù rằng vào thời của ông người ta chưa biết blog là cái gì.

Cách đây hơn 100 năm đã có một blogger Việt Nam du lịch Nhật Bản và viết blog hết xẩy!

1 thg 10, 2021

Search On 2021 - Cách Trí tuệ nhân tạo khiến thông tin trở nên hữu ích hơn

Tiếp theo sau bài viết giới thiệu về MUM của phó chủ tịch Google Tìm kiếm Pandu Nayak, hôm 30/9 tại sự kiện trực tuyến Search On của Google, phó chủ tịch cấp cao Prabhakar Raghavan đã trình bày thêm về những ứng dụng của MUM trong Tìm kiếm.

Tui xin đăng lại nguyên văn bài viết rất thú vị của ông để mọi người tham khảo, bản dịch tiếng Việt của chính Google.

Phạm Hoài Nhân

Cách Trí tuệ nhân tạo khiến thông tin trở nên hữu ích hơn

Tác giả: Prabhakar Raghavan, 
Phó chủ tịch cấp cao tại Google


Ngày nay, mọi người có thể truy cập nhiều thông tin hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử loài người. Và những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sử dụng thông tin đó, với khả năng khám phá những hiểu biết mới có thể giúp chúng ta cả trong cuộc sống hàng ngày và trong những cách chúng ta có thể đối phó với những thách thức toàn cầu phức tạp.

Đi máy bay... một trăm năm trước

Kể từ khi có vé máy bay giá rẻ, số người có dịp đi máy bay ở nước ta đã tăng lên rất nhiều nhưng chắc là số người cả đời chưa bao giờ đi máy bay cũng không phải ít. Trước đây nữa, đi máy bay được coi là phương tiện di chuyển chỉ dành riêng cho giới quý tộc, giàu sang.

Vậy... 100 năm trước thì sao? Chắc chắn là hồi đó hầu hết mọi người đều chỉ có thể thấy máy bay chớ không hề biết cái cảm giác ngồi trong máy bay bay giữa chín tầng mây nó ra làm sao.

30 thg 9, 2021

MUM: Một cột mốc mới của trí tuệ nhân tạo để hiểu thông tin

Có thể nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng giờ đây Google Tìm kiếm đã quá thông minh để giải quyết mọi câu hỏi mà người dùng đưa ra. Nhưng không! Pandu Nayak, phó chủ tịch Google Tìm kiếm, cho biết rằng còn vô số thách thức mà ông và các cộng sự đang cố gắng giải quyết để Google Tìm kiếm hoạt động tốt hơn cho mọi người.

Trong bài viết sau đây, Nayak chia sẻ cách Google giải quyết một vấn đề mà nhiều người trong chúng ta có thể gặp phải: phải nhập nhiều truy vấn và thực hiện nhiều tìm kiếm mới nhận được câu trả lời cần thiết.


29 thg 9, 2021

Đội đá vá trời

Đất nước ta có khá nhiều tảng đá khổng lồ đứng chênh vênh như sắp rớt, tạo dáng vẻ ly kỳ cho người đứng kế nó. Quen thuộc và nổi tiếng nhất có lẽ là Đá Ba Chồng ở Định Quán (Đồng Nai), bởi vì nó nằm ven quốc lộ 20 trên đường đi Đà Lạt. Tuy nhiên, vì khối đá quá to và mọi người ít có dịp tiếp cận gần nên không có ảnh tạo dáng chung với đá.

Đá Ba Chồng, Định Quán

11 thg 9, 2021

Google Châu Á Thái Bình Dương tròn 20 năm: 10 khoảnh khắc đáng tự hào

Tháng 9 năm nay, Google kỷ niệm tròn 20 năm thành lập văn phòng đầu tiên tại châu Á. Nhân dịp này, ông Scott Beaumont, chủ tịch Google Châu Á Thái Bình Dương đã điểm lại 10 sự kiện quan trọng nhất, đáng tự hào nhất tại đây trong 20 năm qua. Điều thú vị là trong 10 sự kiện ấy có một sự kiện cũng là niềm tự hào của Việt Nam mà nhắc tới là bạn sẽ nhớ ngay!

Dưới đây là tóm lược bài viết của Scott Beaumont. Nếu muốn lướt nhanh, bạn có thể đọc ngay đến khoảnh khắc thứ 5, là một sự kiện mà chắc chắn bạn đã rất quan tâm; và sự kiện thứ 6 là sự kiện liên quan đến Việt Nam đã từng khiến chúng ta hãnh diện.

Google kỷ niệm 20 năm ở Châu Á - Thái Bình Dương

8 thg 9, 2021

Các vị La Hán chùa Tây Phương

Bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận được nhiều người biết, đã được đưa vào sách giáo khoa Văn học 12 từ 1990 đến 2006.Tất nhiên học trò bình thơ phải khen hay. Tui không dám nói bài thơ này không hay, nhưng ở góc độ cá nhân, tui chả thích nó tí nào. Cái không thích lớn nhất là việc nhà thơ lấy cặp mắt xã hội chủ nghĩa để nhìn những bức tượng của các vị thánh trong Phật giáo, và áp đặt tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào đó.

Đôi khi tui cũng lấy vài câu trong bài thơ để minh họa cho một ý tưởng nào đó, vì thấy nó hợp với tình huống đang viết, dù chẳng ăn nhập với ý tưởng chung của bài thơ. Chẳng hạn như:

Một câu hỏi lớn không lời đáp
Nên đến bây giờ mặt vẫn chau

Điều tui tò mò là: Mặt mũi các vị La Hán ấy như thế nào khiến ông Huy Cận ổng ngắm nghía rồi làm ra bài thơ như vậy? Chùa Tây Phương ở đâu, mà nghe cứ như là... Tây Phương cực lạc?

6 thg 9, 2021

Từ Năm Căn nhớ về... Cư xá 60 căn

Trước đây, đường bộ Việt Nam chỉ tới Năm Căn là hết. Nơi đây là vị trí hợp lưu của sông Cửa Lớn, là điểm giao thương thuận lợi, nên dần dần phát triển thành phố chợ bên sông.

Tượng đài Phan Ngọc Hiển ở Năm Căn

Người ta giải thích xuất xứ tên gọi Năm Căn như sau: Cách đây hơn 2 thế kỷ có một người Hoa tên Chệt Hột đến đây dựng lên 5 căn trại đáy, phía trên bờ thì làm rẫy (trại đáy là khu trại nơi dân chài phơi lưới và đóng đáy). Công việc làm ăn rất phát đạt do nguồn cá tôm dồi dào và chưa có người khai thác. Thấy có nhiều hoa lợi nên những người Hoa Kiều và người Việt cũng đến đây làm ăn sinh sống, lần hồi trở nên đông đúc. Vì có vị trí thuận lợi về đường sông nên ghe xuồng thường qua lại chỗ này, và người ta căn cứ vào dấu hiệu là dãy trại đáy 5 căn xuất hiện đầu tiên để gọi tên, lâu ngày thành địa danh Năm Căn.

3 thg 9, 2021

Dùng AI để nhái kiểu chữ viết tay

Khi muốn nhái kiểu chữ viết tay của ai đó thì điều trước tiên là bạn phải có bản chữ viết của người đó, càng nhiều chữ càng tốt để làm mẫu bắt chước cho giống. Dĩ nhiên là viết có giống hay không còn tùy thuộc vào tay nghề của người bắt chước, mà thường là... không giống.

Trong lãnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) ngưới ta đã nghiên cứu nhiều về vấn đề này. Nếu có trong tay một lá thư, một văn bản viết tay của X với đầy đủ hoặc gần đủ bảng mẫu tự, máy tính có thể học được cách X viết từng chữ cái như thế nào. Và như vậy thông qua AI máy tính có thể tạo ra một lá thư, một văn bản với nét chữ của X nhưng... nội dung tùy ý, bằng cách ghép các chữ cái mà nó đã học được!

Facebook vừa giới thiệu một công nghệ tạo ra kiểu chữ chỉ dựa vào một bức ảnh

31 thg 8, 2021

Sử dụng Google Maps trong thời đại dịch

Đọc tiêu đề trên có người sẽ lắc đầu, nói: Thời Covid mọi người phải thực hiện giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, không được đi đâu thì cần gì đến Google Maps để chỉ đường? Ý, vẫn cần Google Maps dù không được đi đâu chớ!

29 thg 8, 2021

Bị buộc ở nhà, lên mạng tìm hiểu cách nấu ăn

Khi giãn cách xã hội được áp dụng trên diện rộng, ai ở đâu ở yên đó, chuyện ăn uống hàng ngày cũng trở thành bài toán khó khi mọi hàng quán đều đóng cửa. Gần đây các dịch vụ ăn uống bán đem về nhà cũng cấm luôn. Đã vậy nhiều người phải nghỉ làm việc, ở nhà suốt. Tình thế đó khiến người từ xưa giờ không quen nấu ăn bây giờ lên mạng tìm hiểu cách chế biến thức ăn để tự phục vụ; người xưa nay thích nấu ăn mà không có thời giờ bây giờ tranh thủ tìm hiểu thêm nhiều cách nấu ăn để thỏa mãn sở thích. Kết quả: số lượt tìm kiếm về các nội dung liên quan đến nấu ăn trên Google tăng vọt.

28 thg 8, 2021

Góc nhìn: Đối phó thông tin sai lệch trên YouTube

Bài viết của Neal Mohan, Giám đốc sản phẩm, YouTube. 
Đăng trên Google blog ngày 26/8/2021

Không chỉ là nội dung chúng tôi gỡ xuống, mà là cách chúng tôi xử lý tất cả những nội dung đang để lại trên YouTube sẽ mang lại cho chúng tôi con đường phát triển tốt nhất.


Thông tin sai lệch đã chuyển từ kênh bên lề sang kênh chính thống. Không chỉ xoay quanh các vấn đề bạo lực, thông tin sai lệch giờ đây đã tràn lan trong mọi ngóc ngách của xã hội, cộng đồng với tốc độ chóng mặt. Dường như không có chủ đề nào “miễn nhiễm” với thông tin sai lệch. Chúng tôi thường xuyên gặp phải thông tin sai lệch giữa những tin nóng. Sau khi những sự kiện thảm khốc như tấn công bạo lực nổ ra, nhiều giả thuyết về tất cả mọi thứ mọc lên từng giây, từ danh tính của kẻ tấn công cho đến động cơ. Trong những thời điểm như vậy, những gì xảy ra trên thế giới cũng sẽ xuất hiện tương tự trên YouTube. Chúng tôi phản ánh hiện thực, nhưng chúng tôi biết mình cũng có thể định hình nó. Và đó là lý do vì sao nỗ lực ngăn chặn sự tràn lan thông tin sai lệch lại là một trong những cam kết sâu sắc nhất của chúng tôi.

14 thg 8, 2021

Bình Dương, có mấy Bình Dương?

1.
Có lần tui ra Qui Nhơn, buổi tối ngồi uống cà phê với mấy anh bạn. Mấy ảnh nói với nhau:
  • Sáng mai tui có việc phải đi Bình Dương.
  • Lâu mau? Chừng nào về?
  • Làm việc trong buổi sáng thôi, trưa về.
Tui nghĩ thầm trong bụng: Từ Bình Định đi Bình Dương bằng xe cũng phải hơn 12 tiếng, muốn sáng mai tới đó thì giờ này phải đi rồi. Bằng không thì phải đi máy bay. Mà chuyện gì quan trọng, cấp bách đến nỗi phải bay đi Bình Dương gấp rồi trưa bay về vậy ta?

Hóa ra hổng phải vậy! Bình Dương là tên một thị trấn thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, chỉ cách Qui Nhơn có 68 km thôi. Đi về trong buổi sáng là hoàn toàn ok!

Đài tưởng niệm liệt sĩ ở Bình Dương, Phù Mỹ. Ảnh: Huyện đoàn Phù Mỹ.

7 thg 8, 2021

Sài Gòn mưa bay, thôi thế cũng đành...

Khi xa Sài Gòn là một ca khúc của Lê Uyên Phương nói về niềm khắc khoải thương nhớ Sài Gòn. Hầu hết mọi người - nhất là những người Việt xa xứ - đều nghĩ rằng bài hát được sáng tác sau năm 1975, khi tác giả đã sang Mỹ - để nói hộ tấm lòng thương nhớ Sài Gòn của mình. Mới đây, bài hát được khơi gợi lại, và người ta ngỡ như nó mới được viết ra để tiếc nhớ Sài Gòn thuở nào, giờ đang vắng vẻ buồn thiu giữa cơn đại dịch - nhất là đang giới nghiêm từ 6 giờ chiều:

Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai
Sài Gòn giới nghiêm che kín đêm dài
Sài Gòn khói bay, Sài Gòn nắng đổ
Sài Gòn có còn bước chiều bơ vơ

30 thg 7, 2021

Ca khúc Một bàn tay của Phạm Duy

Nội dung này trích từ tập sách Vang vọng một thời của Phạm Duy, viết về một số ca khúc nổi tiếng của ông. Tập sách được ông hoàn thành vào mùa hè 2012, lúc ông đã 91 tuổi, và chỉ vài tháng sau ông ra đi vĩnh viễn (tháng 1/2013). Vì vậy, có một chút xíu ghi chép sai sót về thời gian, xin được mạn phép sửa lại (thông tin chỉnh sửa dựa theo tư liệu khác của chính Phạm Duy)

29 thg 7, 2021

Một bàn tay và Những bàn chân

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, năm 1959, khi tui ra đời thì Phạm Duy sáng tác bài Một bàn tay:

Bàn tay đưa anh ra khỏi lòng người
Một đêm kêu lên hơi thở tuyệt vời

Đến năm 1961, khi tui biết đi vững rồi thì Phạm Duy viết tiếp bài Những bàn chân:

Những bàn chân, trên ruộng cằn
Dưới nắng hè lửa thiêu đất khan